Ông chủ Mỹ Lan lại khởi nghiệp ở tuổi 60

Dù đã ngoài lục tuần nhưng Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ vẫn quyết định bắt tay khởi nghiệp lần ba với việc lập một công ty chuyên về công nghệ cao áp dụng vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ… cho n
Ông chủ Mỹ Lan lại khởi nghiệp ở tuổi 60

Dù đã ngoài lục tuần nhưng Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ vẫn quyết định bắt tay khởi nghiệp lần ba với việc lập một công ty chuyên về công nghệ cao áp dụng vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ… cho nông nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, nguyên Chủ tịch Mỹ Lan Group từng làm việc cho những công ty điện toán và in ấn hàng đầu thế giới như IBM, Sun Chemicals và Kodak Polychome Graphics, sở hữu 200 bằng phát minh, sáng chế. Công ty American Dye Source (ADS) do ông sáng lập đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành in, phát quang, điện tử hữu cơ…

Năm 1999 từ Canada trở về Trà Vinh, ông đã xây dựng Nhà máy Hóa chất Mỹ Lan, áp dụng công nghệ quang điện tử hiện đại để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như vật liệu hữu cơ, phát quang, tạo hình 3 chiều, bản kẽm nhiệt CTP… tại một vùng đất hẻo lánh và khô cằn thuộc xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành. Cơ ngơi này được ông cho thiết kế theo mô hình của Trung tâm Nghiên cứu Almaden của IBM ở Mỹ, nơi ông từng làm việc. Mục đích là tạo không gian mở kết hợp giữa làm việc và giải trí, kích thích sự sáng tạo của nhân viên.

Nhà máy Mỹ Lan tại vùng quê nghèo Trà Vinh.

Nhà máy Mỹ Lan tại vùng quê nghèo Trà Vinh.

Sau 16 năm miệt mài gây dựng Mỹ Lan Group thành một "thung lũng quang điện tử" công nghệ cao bậc nhất trên thế giới tại một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, cuối năm 2015, ông Mỹ quyết định trao hết quyền cho vợ để về Cù lao Long Trị, một vùng đất heo hút, tách biệt, khởi nghiệp lần thứ ba với Công ty Rynan - chuyên áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ… cho nông nghiệp khi đã ở tuổi ngoài 60.

Giải thích về hành động này, Tiến sĩ Mỹ chia sẻ, rời Canada về Trà Vinh sống đã lâu, mỗi ngày, điều ông không thể chịu được là dù sống trên "vựa đồ ăn" với tôm cá đầy sông, lúa gạo đầy đồng, nhưng nông dân vẫn nghèo, mình thì vẫn phải ăn đồ ăn bẩn.

"Chỉ còn một cách duy nhất là phải ứng dụng công nghệ hiện đại giúp nông dân khá giả hơn, giữ được an ninh, an toàn cho thực phẩm", ông tâm sự và cho rằng đây chính là cơ hội cho những doanh nghiệp như ông dùng công nghệ nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp vào tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ…

Trước quyết định trên, vợ ông vẫn rất ủng hộ và đồng hành cùng chồng. "Đây là nguồn động lực rất lớn của tôi mỗi khi làm bất cứ một việc gì", ông nói và cho biết, bản thân cũng có sự giải thích rõ ràng với vợ về động thái đứng ra lập công ty mới này nên không có lý do gì lại bị phản đối.

Ông Mỹ tâm sự thêm, ở độ tuổi ngoài 60 này, khi quyết định làm một việc lớn nào đó, tất nhiên vợ con sẽ lo ông cực khổ. "Nhưng là người đàn ông, khi vẫn còn sức khỏe mà không làm gì thì đó mới là điều cực hơn", ông giãi bày.

Mặt khác, Tiến sĩ Mỹ cho rằng, ở tuổi 60 khi khởi nghiệp bản thân ông không thấy khó khăn bởi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trên thương trường rồi. Nhờ đó, giờ đây ông hiểu rõ bản thân mình biết cần phải làm những gì để có thể kinh doanh thuận lợi. "Đây cũng là thế mạnh so với những doanh nhân trẻ khi bước vào con đường khởi nghiệp", ông nói.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ cũng cho biết, điều ông quan tâm nhất khi bắt tay vào khởi nghiệp là có đủ tiền để thực hiện dự án của mình hay không, chứ không phải là tuổi tác. Lúc đi vào triển khai dự án, công ty ông phải chi ra nhiều khoản phí, trong đó riêng vốn dành cho sản xuất phân bón thông minh cũng hết 5 triệu USD (hơn 110 tỷ đồng) nhằm đáp ứng việc sản xuất 20.000 tấn sản phẩm cho thị trường; còn phần điện toán đám mây cũng ngốn tầm 4 triệu USD.

"Và rất may, đến thời điểm này, toàn bộ số tiền vốn bỏ ra là tự tôi lo liệu chứ không phải vay mượn nên cũng phần nào đỡ áp lực trả nợ và yên tâm tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh", ông chia sẻ.

Do đây là công ty khởi nghiệp thiên về công nghệ nên cần nhiều yếu tố để có thể thành công, trong đó bao gồm công nghệ đột phá, ra đời đúng lúc, đúng thời, phải được nhân rộng và Chính phủ hỗ trợ. Bước đầu, ông Mỹ cho rằng công ty mình cơ bản có được những yếu tố trên.

Nói về sản phẩm phân bón thông minh, Tiến sĩ Mỹ cho biết đây là những viên phân chứa đủ các khoáng chất vi lượng. Khi bón vào gặp nước sẽ trương nở, sau đó phân tán ra theo mưa, nắng và sẽ phân hủy hoàn toàn do nắng trời, vi khuẩn và áp lực cày bừa của người nông dân. Loại phân bón tan chậm có kiểm soát này giúp nông dân giảm 50% so với phân bón thông thường và chỉ cần bón một lần thay vì 4 lần...

Việc khó thứ hai là phải kết hợp được “bốn nhà” trong quá trình thử nghiệm và triển khai đại trà. Về phía Nhà nước, rất may ông nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Bí thư Đồng Tháp Lê Minh Hoan, các nhà khoa học và cán bộ trung tâm phát triển đồng bằng sông Cửu Long Đại học Cần Thơ luôn kề vai sát cánh để quy trình nghiên cứu được triển khai bài bản.

Về phía nhà nông, 5 gia đình đầu tiên của Đồng Tháp đã quen với việc sử dụng sản phẩm mới, họ đón nhận rất nhanh phân bón thông minh. Sự kết hợp này rất quan trọng để nhân rộng mô hình thành công.

Ngoài sản phẩm phân bón sạch nói trên, tháng 6 này ông Mỹ sẽ tung ra thị trường đồng hồ nước thông minh, kết nối với điện toán đám mây, điện thoại di động, được sản xuất tại ngay tầng hầm nhà ông ở Trà Vinh. "Công nghệ cao có thể tạo ra ở bất cứ đâu nếu có quyết tâm, có trí tuệ", ông chia sẻ.

Nói về lý do cho ra sản phẩm này, ông Mỹ bộc bạch, do chứng kiến cảnh nước bị nhiễm mặn, lúa thì bị lép và cuộc sống của người dân ngày càng khắc nghiệt... đã thôi thúc ông làm việc gì đó để giúp người nông dân hội nhập với khí hậu này và có cuộc sống cải thiện hơn.

Theo ông, hiện nay Việt Nam có hơn 15 triệu đồng hồ nước, hàng năm lượng nước thất thoát khoảng 30% trong bối cảnh nông nghiệp bị thiếu nước. Nếu ứng dụng thiết bị đo đạc thông minh vào quản lý thì sẽ biết được nước rò rỉ ở đâu, lượng nước thiếu hụt như thế nào... và giúp giảm được sự thất thoát nước kể trên.

Mặt khác, do được liên kết với thương mại điện tử, dù ở bất cứ đâu cũng có thể theo dõi được lượng nước và mức tiêu thụ từng giờ, từng ngày, từng tháng... nên cả đơn vị bán lẫn người dùng không cần phải mất công đi đến từng cái đồng hồ để ghi chỉ số, giảm được công sức, thời gian cũng như giảm hiệu ứng nhà kính do khí thải xe máy di chuyển để ghi chỉ số nước.

Ông mong muốn mô hình này trong thời gian tới sẽ được nhân rộng ra để góp phần làm giảm lượng nước thất thoát hàng năm và phân phối nước hiệu quả hơn. Hiện thế giới có 1.250 nhà máy biến nước mặn thành nước ngọt, đó là cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam, để có thể làm ra những màng lọc, biến nước mặn thành nước ngọt.

"Tôi muốn dành những năm tháng cuối đời giúp xây dựng nông nghiệp thông minh và phù hợp hơn cho quê hương, điều đó giúp tôi hạnh phúc hơn trong cuộc sống", ông nói.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ sang Canada định cư từ năm 1979.  Trong vòng 7 năm đi học, ông giành được một lúc hai học bổng (NSERC và FCAR), bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về “Chất xúc tác dị thể” và Tiến sĩ về “Hợp chất cao phân tử liên hợp điện quang”.

Năm 1997, ông thành lập Công ty ADS (American Dye Source) tại Canada. Năm 2004, ông trở về Việt Nam một mình để kinh doanh, đầu tư xây dựng nhà máy, muốn tạo cho người lao động Việt Nam môi trường làm việc với chất lượng, mức lương như ở Canada (35.000 CAD/năm)

Năm 2006-2009, ông thành lập các công ty Hoá chất Mỹ Lan, Sản xuất Vật tư ngành in Mỹ Lan và Quang điện tử Mỹ Lan tại Trà Vinh. Đến tháng 2/2010, ông ra mắt Tập đoàn Mỹ Lan (Mylan Group) với 4 thành viên trên.

Ông Mỹ là người có hơn 200 bằng phát minh được công nhận tại Mỹ, Canada, châu Âu và những nước khác trên thế giới. Ông cũng đã viết hơn 55 bài báo về hóa học và vật liệu đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế.

Hiện nay, ngoài việc kinh doanh và đầu tư tại Trà Vinh, ông Mỹ còn tham gia giảng dạy và là Trưởng khoa Hóa học ứng dụng, Trường đại học Trà Vinh từ năm 2007. Ông còn là Ủy viên Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam khóa VI và VII.

Lệ Chi

Có thể bạn quan tâm