Tiền ảo, đời thực: Những góc khuất của Bitcoin

Không một lý thuyết kinh tế nào có thể tiên đoán được sự tăng giá chóng mặt của các đồng tiền ảo trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2017. Điển hình và được nhắc đến nhiều nhất cũng như có giá ca
Tiền ảo, đời thực: Những góc khuất của Bitcoin

Ra đời từ năm 2009 – theo một câu chuyện truyền kỳ được tiết lộ – bởi một kỹ sư tin học tài ba có một cái tên rất Nhật là Satoshi Nakamoto. Ông là tác giả bài viết giới thiệu Bitcoin đầu tiên bằng một thứ tiếng Anh cực kỳ tinh tế – một người chưa ai biết mặt, biết tuổi và cũng không hề nhận mình là cha đẻ của Bitcoin.

Nhiều người cho rằng sự ẩn danh của cha đẻ đồng Bitcoin có lý do đạo đức, ông biết rằng mình đã tạo ra một thứ gì đó mà sau này sẽ gây tán gia bại sản cho vô số người mặc dù đã làm giàu cho chính ông. Cha đẻ đồng Bitcoin được biết là đã sở hữu không dưới 1 triệu đồng Bitcoin trong thời kỳ đầu tạo dựng ra nó bằng một kỹ thuật toán siêu việt và giải mã chúng.

Cho đến nay, nhiều người vẫn tin rằng các phương trình toán này được thiết lập để hạn chế số lượng Bitcoin tạo ra không vượt quá ngưỡng 21 triệu đồng. Vào cuối năm 2017, người ta ước lượng đã có 16,5 triệu đồng Bitcoin được đào xới, như vậy sẽ chỉ còn 4,5 triệu đồng Bitcoin mà những chuyên gia tin học, sử dụng những siêu máy tính và những thiết bị công nghệ cao cấp, đắt tiền có thể đào tìm được trong tương lai. Điều đó khiến mọi người dễ tin rằng đồng Bitcoin sẽ không bị lạm phát như các loại tiền giấy khác và do đó khó thể bị mất giá.

Thế nhưng người ta quên rằng tự thân đồng Bitcoin không có giá trị, giá trị của nó chỉ có được là do những người tham gia chơi đồng Bitcoin khoác lên mà thôi.

Đồng Bitcoin kỹ thuật số vô thừa nhận ấy sau một thời gian ngủ đông trong 4 năm từ 2009 - 2013 đã bước vào giai đoạn tăng trưởng dị dạng khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Giá trị ban đầu được biết đến của Bitcoin là gần như bằng 0, chỉ tương đương 0,1 cent (1/1.000 đồng USD). 

Có một câu chuyện kể rằng, đã từng có một người sở hữu 10 ngàn đồng Bitcoin đề nghị giao nó cho một chủ nhà hàng để mua một chiếc bánh pizza trị giá 14 USD và người chủ tiệm đã đồng ý. Đây là lần đầu tiên đồng tiền ảo bước vào thế giới thực.

Trong năm 2017, đồng Bitcoin đã có lúc chạm ngưỡng 20.000 USD/1 Bitcoin, trước khi rơi xuống mức 14.000 USD vào cuối năm. Nếu người chủ cửa hàng pizza đó còn giữ 10 ngàn đồng Bitcoin đó đến nay và bán toàn bộ trên thị trường giao dịch vào thời điểm Bitcoin có giá cao nhất là 20.000 USD, ông ta sẽ có một tài sản trị giá tương đương 200 triệu USD. Chiếc bánh pizza đó – nếu câu chuyện kể trên là thật mà không phải là huyền thoại – sẽ phải được Guinness công nhận là chiếc bánh pizza đắt nhất mọi thời đại.

Và sau này, khi đánh giá hiện tượng tiền ảo và ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế của thế giới thực tại, người ta sẽ thấy rằng không phải người giấu mặt Nakamoto, mà chính là người đã dùng 10.000 Bitcoin mua bánh pizza, mới thực sự mang lại cuộc sống cho các đồng tiền ảo không riêng gì Bitcoin. Anh ta đã mở cánh cửa vào đời thực cho các đồng tiền ảo, nơi đó nó có một môi trường sống hội đủ các điều kiện cần thiết để tăng trưởng.

Bitcoin và các “đồng loại” của nó, sau khi bước qua cánh cửa ngăn cách ảo và thực, sẽ từ một con sâu bé tí trở thành con quái vật khổng lồ có khả năng nuốt chửng mọi thứ, như trong một phim khoa học viễn tưởng kinh dị. Mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng sự lớn mạnh kỳ quái của đồng tiền ảo không gì khác hơn là lòng tham không đáy và sự vô minh của con người.

Con sâu tiền ảo chui được vào trong cơ thể kinh tế của đời thực với tư cách là một phương tiện thanh toán ngẫu nhiên vì bản chất nó không phải là tiền tệ mà là một tài sản ảo. Không một đồng tiền nào có giá trị cao chót vót và thăng giáng chóng mặt như Bitcoin để có thể làm một vật ngang giá và thước đo giá trị trong quá trình trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Nó chắc chắn không phải là đồng tiền của thế giới tương lai như một số người đang ra sức quảng cáo cho nó vì tư lợi.

Cũng không nên khoa trương rằng tiền ảo là đồng tiền tự do và công bằng, dân chủ vì chúng không bị kiểm soát bởi các chính phủ. Trên thực tế chúng đang bị kiểm soát bởi những nhóm tài phiệt giấu mặt được giúp sức bởi những nhà phù thủy tin học đang sử dụng quyền năng của họ để sai khiến các đồng tiền ảo thực hiện mục tiêu tối hậu là thâu tóm tài sản tiền bạc từ mọi ngóc ngách trên thế giới đổ vào những cái túi không đáy của họ.

Đang có một nỗ lực toàn cầu chiêu dụ càng nhiều càng tốt những người nhẹ dạ cả tin nhưng có một điểm chung là muốn làm giàu nhanh chóng, dễ dàng. Khi Bitcoin trở nên quá đắt đỏ vượt khỏi khả năng tài chính của giới trung lưu các nước đang phát triển, các đồng tiền ảo khác xuất hiện để người ta tha hồ lựa chọn. Sòng bạc có những xới bạc lớn, đồng thời cũng có sẵn những bàn đánh nhỏ dành cho những kẻ ít tiền.

Thế giới có rất nhiều chàng người gỗ Pinocchio sẵn lòng trao những đồng tiền vàng thực cho những con cáo để chúng gieo trồng thành những cây xum xuê trĩu nặng quả vàng chỉ trong một đêm.

Những ông chủ đích thực của tiền ảo, còn được gọi là những con cá mập vì những người đã và đang tham gia vào trò chơi làm giàu trên tiền ảo và đã từng nếm trái đắng, sẽ quyết định tần suất biến động giá tiền ảo trên thị trường, tạo nên những xu hướng tăng giảm giá có xếp đặt. Giống như dàn xếp tỷ số trong bóng đá, sự biến động này bề ngoài mang dáng vẻ cung cầu thị trường nhưng thực chất là thao túng lũng đoạn giá, tạo ra một số ít những kẻ thắng bạc ồn ào giữa vô số kẻ thua cuộc thầm lặng để kích thích, mê hoặc thêm nhiều Pinocchio mới tự nguyện trao đi những đồng tiền thực mà họ đã dành dụm chắt chiu, thậm chí phải vay mượn để đốt cháy trong cơn ảo vọng triệu phú Bitcoin.

Không phải ngẫu nhiên mà việc mua bán kinh doanh tiền ảo phát triển mạnh và nhanh nhất tại Trung Quốc. Theo một ước tính, thị trường Trung Quốc chiếm từ 50 - 98% tổng trị giá giao dịch Bitcoin toàn cầu. Tờ Bitcoin Magazine nhận xét rằng có đến 70% số lượng khai mỏ (mining) Bitcoin được thực hiện tại Trung Quốc, phần lớn tại vùng Tây Bắc - nơi nguồn năng lượng gió và mặt trời với chi phí được hỗ trợ của chính phủ sẽ cung cấp điện năng với chi phí rẻ hơn cho các siêu máy tính trong công việc xử lý giải mã các thuật toán phức tạp ngày càng khó, để nhận được phần thưởng là các đồng Bitcoin.

Như vậy tại Trung Quốc, cả nguồn cung và cầu đều lớn, thậm chí cầu còn lớn hơn khi số nhà giàu mới ở nước này tăng nhanh và nhu cầu chuyển tài sản của họ ra nước ngoài ngày càng lớn. Họ tìm thấy ở Bitcoin một phương tiện trú ẩn tài sản và trốn thuế tuyệt vời.

Những biện pháp hạn chế và kiểm soát giao dịch Bitcoin của chính phủ Trung Quốc như cảnh báo người dân về sự vô giá trị và bất hợp pháp của tiền ảo trong năm 2013, hay tạm thời đóng cửa 3 sàn giao dịch tiền ảo lớn vào năm 2017 tuy có làm giảm giá đồng Bitcoin trong ngắn hạn nhưng không thể chặn đứng xu hướng tăng hiện thời của nó. Chính vì những con cá mập muốn thế nhưng cũng là vì số người tham gia trò chơi tiền ảo vẫn tăng mạnh ở Trung Quốc.

Tại Việt Nam, số người tham gia trò chơi tiền ảo vẫn trên đà tăng và thường có xu hướng tập trung thành nhóm để chia sẻ kinh nghiệm, chơi các đồng tiền ảo có giá trị thấp hơn Bitcoin và trong số này nhiều người đã có kinh nghiệm xương máu, một số không ít phải bỏ cuộc và lâm vào cảnh nợ nần.

Nhưng cũng có những người thắng, những người tự nhận là thợ săn cá mập, đánh hơi được đường đi nước bước của cá mập và tìm được mồi riêng cho họ. Nhóm săn được cá mập không nhiều, có người đã phải cay đắng thốt lên rằng đây là một trò chơi được tắm bằng máu của những kẻ mới bước vào và tắm nhiều máu hơn của những kẻ chậm chân bước ra sau cùng khi con quái vật khủng long hiện nguyên hình là con sâu bé tí.

Điều mà người ta hay gọi là đầu tư – đúng ra là đầu cơ – tiền ảo, thực chất là một cuộc đánh bạc không hơn không kém. Đánh bạc là một trò chơi có kết số bằng không (zero sum game), tiền được của người này chính là tiền thua của người kia, chưa kể tiền phải nộp xâu cho chủ sòng, có nghĩa là càng chơi lâu, mọi người đều thua. Đối với những người khoe khoang rằng mình đã mua nhà mua ô tô từ đầu tư tiền ảo, hãy nhớ rằng nếu bạn mua được một căn nhà thì đã có đến 2 người cùng chơi bán đến 2 căn.

Joseph Stiglitz - người được giải Nobel Kinh tế năm 2001 đã cảnh báo nguy cơ vỡ bong bóng tiền ảo, với tổng giá trị giao dịch năm 2017 có lúc lên đến trên 650 tỷ USD, gấp 3 lần GDP của Việt Nam, và có xu hướng ngày càng tăng lên. Vì vậy việc chuẩn bị các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng tiền ảo và cảnh báo cho công chúng phải là trách nhiệm ngay từ bây giờ của chính phủ các nước.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm