Tình yêu, dịch bệnh và Hemingway

Ngày tháng này giống như có “cơn sóng thần” cuốn lấy chúng ta với những lo lắng và sợ hãi, đôi khi ném chúng ta xuống tận đáy sâu của tuyệt vọng khi mỗi ngày khủng khiếp vang lên những con số tử vong và nhiễm bệnh khắp thế giới.
Tình yêu, dịch bệnh và Hemingway

Mọi thứ đảo lộn là một cú sốc không hề nhỏ. Những quốc gia mạnh mẽ bỗng trở nên cũng mong manh, yếu đuối. Những giá trị tưởng như được xác tín bấy lâu giờ được soi lại dưới một ánh sáng khác và lộ ra những khiếm khuyết không ngờ. “Miền đất hứa” với nhiều người hoá ra không còn đủ sức hấp dẫn với những sắc màu đầy hứa hẹn như xưa. Nhiều người lâu nay cắm đầu cắm cổ chạy theo những giá trị mà họ cho rằng phải đo đếm được bỗng giật mình nhận ra tiền không phải là tất cả… Những điều tưởng như quá nhỏ bé, bình dị và gói gọn trong hai chữ bình an bỗng trở nên quý giá và đáng trân trọng biết bao!

Bất ngờ là một ngày cuộc sống dường như vấp khựng lại. Chả còn tất tả đưa con đến trường, công việc chẳng bù đầu bù tai như trước, cơ quan cũng ít soi xét hơn, giờ giấc đi làm linh động hẳn … Quán xá đóng cửa la liệt, quán cà phê quen thuộc treo hẳn bảng chữ “Vì đại dịch Covid-19, chúng tôi xin lỗi tạm dừng hoạt động. Mong quý khách hàng thông cảm, hẹn gặp lại một ngày đẹp trời!”. Góc phố nhỏ đẹp đến nao lòng vắng người qua lại, hoa sưa trắng mê hồn kiêu hãnh tự nở và rồi tự tàn trong tiết trời xuân. Ngày dường như dài ra.

Trang sách những ngày này trở nên đầy hữu dụng. Ernest Hemingway đã cho rằng sách vở có giá trị bất tử: “Đó là sản phẩm bền vững nhất của lao động con người. Đền đài rồi cũng đổ nát, tranh tượng rồi cũng hư huỷ, còn sách thì vẫn tiếp tục tồn tại. Thời gian không có uy lực gì đối với những tư tưởng vĩ đại mà giờ đây vẫn còn tươi rói như biết bao thế kỷ trước khi chúng ra đời trong trí óc các tác giả… Năm tháng chỉ sàng lọc và lấy đi những gì tồi tệ, chỉ còn những gì thật sự tốt đẹp là có thể sống lâu trong văn học mà thôi…".

Nhà văn Ernest Hemingway.
Nhà văn Ernest Hemingway.

Thật thú vị khi dịp này tôi đọc lại Hemingway trong “Niềm xác tín của con người” (Đức Mẫn dịch) và chột dạ khi thấy ông trăn trở: “Lòng thiện của đa số con người ta cứ giảm dần đi cùng với sự gia tăng của cải. Hễ con người ta được cái tối thiểu thì họ lại muốn tiện nghi. Được cái tiện nghi thì lại muốn xa xỉ. Cho được xa xỉ thì họ lại thở than về cái mong ước. Cho cái mong ước thì lại đến điên rồ. Cho họ tất cả những gì mong muốn thì than thở rằng họ bị lừa dối và họ chỉ nhận được những gì không muốn. Sẽ đến một lúc mà bản chất con người phải đối diện với số phận - đến lúc ấy sẽ là một sự bùng nổ ghê gớm!” Phải chăng nhà văn đang nói về thời đại của chúng ta? Về sự ngạo nghễ, lòng tham vô độ của con người, về sự trả giá chính lúc này?

Tôi có cảm giác như ông đang nhìn chúng ta với cái cách của “Ông già và biển cả” - thấu suốt và không phải không có tính tiên tri: “Tôi vẫn luôn luôn tin rằng khi con người bắt đầu cuộc sống bên trong nghiêm túc hơn thi người đó bắt đầu cuộc sống bên ngoài giản dị hơn. Trong thế kỷ cuồng nộ và thừa thãi tôi chỉ muốn cả thế giới biết rằng những nhu cầu chân thực của chúng ta thật là ít ỏi.” Vâng - ta quá tham lam cho những điều chẳng đáng - phải vậy không?

Có thời gian nhiều hơn ở nhà, tôi chợt nhận ra có thể sung sướng làm sao khi nhìn thấy chiếc lá của cái cây dương xỉ tưởng chết từ lâu bỗng nhú vọt ra và bông hoa bên gốc cây hồng cằn cỗi đang khẽ khàng xoè cánh … Dường như con người luôn nhận ra sức sống kỳ diệu của mẹ thiên nhiên vào những lúc bất ngờ nhất.

Cái guồng quay của cuộc sống đang hối hả bỗng chậm hẳn lại, khẽ khàng và trìu mến hơn. Bạn tôi gửi cho những bức ảnh chụp từ rất lâu rồi giờ mới vô tình tìm thấy, người đưa lên facebook của mình bữa cơm tươm tất nóng hổi thời Covid-19, người hạnh phúc với cái miệng xinh xinh chờ bón bột và cái khua chân “bá đạo” của đứa cháu… Dường như những bữa cơm sum họp buổi chiều đông đủ hơn, đầm ấm. Ai đó đã nói - nhìn vào khía cạnh nào đó, dịch “Cô Vy” khiến cho tình cảm gia đình gắn bó thân thiết hơn.

Tôi thì cứ nhớ về ngày xưa, chiều tan học vội vàng rảo bước. Trời đông giá rét, bụng đói réo sôi, mở cánh cổng gỗ lạch cạch lách vào là mùi dưa chua mẹ nấu ấm sực cả trời chiều. Ông bà, bố mẹ, anh chị em … là những gì chân thực, yêu thương nhất với tôi dưới ngôi nhà có mái lá nâu nâu và những cánh cổng gỗ xỉn màu với thời gian. Tình yêu ruột thịt nơi tôi vĩnh viễn, sống động và đâm chồi từ chính ngôi nhà ấy…

Tôi hiểu tình yêu đã tạo ra con người và thế giới, là bản năng phổ quát nhất và trong những ngày khủng khiếp này - chỉ nó - và duy nhất nó có ý nghĩa lớn lao và có thể thay đổi được thế giới!

Tôi cảm phục khi nhìn thấy những người thầy thuốc ngày đêm lăn lộn với bệnh nhân cho dù bất cứ lúc nào họ cũng có thể lây nhiễm với căn bệnh chết người. Là hiện thân của tình yêu và trách nhiệm, mỗi ngày chính họ đã mang đến cho ta niềm tin và hy vọng. Hình ảnh những chiến sĩ quân đội nhân dân nhường nơi nghỉ của mình, tận tuỵ chăm sóc những người bị cách ly… có sức lay động trái tim mỗi người.

Và còn biết bao con người từ nơi cửa khẩu đến khu phố, làng quê cùng biết bao sự chung tay góp sức của cả cộng đồng đã sát cánh bên chính phủ trong cuộc chiến với dịch bệnh này.

Tôi còn nhận thấy những người nước ngoài đến hiến máu tình nguyện “bằng trách nhiệm và tình yêu với mảnh đất mà chúng tôi đã coi là quê hương thứ hai của mình…” Tất cả những điều đó đủ để ta cảm nhận tình yêu và sự bao dung đang lan toả, xoá bớt đi sự u ám đè nặng chúng ta những ngày này.

Bên trong khu cách ly phòng dịch Covid-19 của quân đội. (Ảnh: Tuổi trẻ online)
Bên trong khu cách ly phòng dịch Covid-19 của quân đội. (Ảnh: Tuổi trẻ online)

Tôi trào nước mắt thấy những du học sinh Việt Nam từ mọi nơi trên thế giới đổ về. Có bạn mừng rỡ thốt lên: “Dù có sao thì cháu cũng đã về nhà!” Phải - đất nước cũng như căn nhà ruột thịt giang tay đón người thân của mình - chở che bao bọc trong những thời khắc hiểm nguy này. Ai cũng có thể đi bất kỳ đâu và hy vọng khi trở về họ trở nên xứng đáng hơn với cái nhìn rộng mở và biết yêu thương chia sẻ với chính quốc gia, đồng bào mình.

“Tình yêu là mục đích cuối cùng của tồn tại, là biểu hiện của tình anh em, là bản chất những nguyên tắc đạo đức cao cả, là cơ sở của cả cộng đồng. Tình yêu đi tìm cái tốt đẹp ở khắp mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, và nó đã tìm thấy cái tốt đẹp ấy…

Mặc dù là yếu ớt, nhưng trái tim của cả nhân loại đang bắt đầu đập như một chính thể”. Hemingway đã nói như thế!

Có thể bạn quan tâm