Tình yêu từ một chuyến đi

Trên nẻo đường đến với Hà Giang, chúng tôi đã ôm vào tầm mắt mình tất cả những vẻ đẹp hùng vĩ, những con người đáng yêu nơi đây.
Tình yêu từ một chuyến đi

Theo chân nhóm doanh nhân nữ Hà Nội, tôi đã có một chuyến đi thật ý nghĩa đến Hà Giang, một chuyến đi các chị có kế hoạch đã khá lâu, một chuyến đi chỉ toàn các thành viên cùng chí hướng và sở thích về một miền đất nổi tiếng về phong cảnh đẹp của tổ quốc. Những chuyến công du liên miên ra nước ngoài theo công việc hay du lịch với gia đình, bạn bè đã nhiều nên để thu xếp được thời gian cùng nhau cho một chuyến đi đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc này được coi như thành công đầu tiên.

Điều tò mò đầu tiên của tôi là các nữ doanh nhân giỏi giang khi đi du lịch có khác các phụ nữ bình thường không? Điều mà tôi ấn tượng là sự nhanh nhẹn, gọn gàng trong trang phục đi du lịch, chính xác giờ giấc và các câu chuyện quay đi quay lại cuối cùng vẫn là điều họ đang quan tâm chung: Ý thức công dân và nâng cao giá trị bản thân (add more value to ourselves). Cũng là một điều thú vị từ việc chuẩn bị đồng phục áo màu cờ đỏ sao vàng để lên thăm cột cờ Lũng Cú, địa đầu Tổ Quốc... Cảm xúc thiêng liêng khi hát quốc ca và chụp hình bên lá cờ Tổ Quốc của cả đoàn khiến cho các khách du lịch đồng cảm và cùng hoà giọng.

Cảm xúc thiêng liêng khi hát quốc ca và chụp hình bên lá cờ Tổ Quốc của cả đoàn khiến cho các khách du lịch đồng cảm và cùng hoà giọng.

Dường như chính lúc này tất cả những người có mặt đều ý thức một cách sâu sắc tình yêu Tổ quốc và trách nhiệm với đất nước. Đừng nghĩ doanh nhân chỉ giỏi kiếm tiền. Hơn hết, họ là người có ý thức trách nhiệm với chính mình và đất nước, cộng đồng bắt đầu từ chính khát vọng làm giàu chân chính “dân giàu, nước mạnh”, tạo ra của cải cho xã hội, công ăn việc làm cho người dân. Những chi tiết nhỏ trong chuyến đi này đã khiến tôi thấu hiểu và quí trọng họ hơn, những người tiên phong trong cộng đồng. Và đúng là tư duy của doanh nhân. Trên xe các chị đã tranh thủ “lên lớp” của chị Bích một giảng viên của một công ty chuyên đào tạo CEO về chủ đề: Cách giải quyết khó khăn trong giao tiếp với khách hàng đã điều hành cuộc toạ đàm trên xe du lịch vừa thiết thực, vừa thú vị mà ai cũng tham gia đưa ra giải pháp, đánh giá và trông chờ kết luận từ giảng viên.

Bé Nguyễn Trúc Linh để lại ấn tượng với tất cả các thành viên trong đoàn

Đặc biệt ở chuyến đi, ấn tượng với nhiều người trong đoàn là một cô bé 9 tuổi học lớp 3K trường tiểu học Nam Thành Công - Nguyễn Trúc Linh con chị Phạm Thuỳ Dương, Giám đốc công ty bất động sản VIPLIFE LAND. Thường có một định kiến đâu đó rằng do bận bịu lại làm ra tiền nên các doanh nhân hay chiều chuộng con cái quá mức. Vậy mà tôi đã được chứng kiến sự thành công trong cách dạy con của nữ doanh nhân này, một trong những tấm gương được nhắc tới nhiều trong câu chuyện phụ nữ kinh doanh biết cân bằng với thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Khi xe dừng lại ăn nhẹ, bé Bông (tên thân mật của Trúc Linh) lấy đũa, thìa cho mẹ, bé vắt chanh rồi bỏ hạt và dưới nước chanh vào bát cho mẹ thành thục và tự nhiên, không cần mẹ nhờ. Bé lấy giấy ăn, tăm cho mẹ cũng tự nhiên, chăm sóc mẹ như một người trưởng thành. Sau các bữa ăn của cả đoàn, khoảng hai mâm, bé tự đi lấy nước uống, thường là nước uống cho các cô bác trong đoàn. Bé hỏi từng người xem ai dùng đá hay không, xúc đá vào một loạt cốc, lấy nước từ bình nước lá vối rồi    bê từng khay ra mâm các mẹ. Thật khéo léo, tận tình và bữa nào cũng vậy! Khi ở cùng phòng tôi càng thấy cô bé dễ thương làm sao! Bé sắp lại quần áo trong vali sau khi mẹ chọn đồ.

Những chi tiết nhỏ trong chuyến đi này đã khiến tôi thấu hiểu và quí trọng họ hơn, những doanh nhân bận rộn, những người tiên phong trong cộng đồng.

Bé chăm sóc mẹ như một thói quen, một lẽ tự nhiên phải thế! Điều này hiếm thấy ở một cô bé có 9 tuổi. Mẹ nhờ bé đi mua sữa, phòng ở tầng cao, nơi xa lạ chưa tới bao giờ mà chỉ thấy mẹ bé nhắc: Con hỏi bác xem bác uống sữa gì để con đi mua luôn. Không thấy mẹ dặn bé đường đi, chỗ mua. Thì ra bé đã có kỹ năng biết chỗ mua sắm và tự biết đường về phòng vì đã có kỹ năng ghi nhớ số phòng, đường đi mà tôi biết rằng có nhiều người lớn vẫn bị nhầm phòng, quên số phòng mình ở khi đi xa.

Được biết ở nhà bé Bông vẫn đi mua sắm trong siêu thị, biết chọn đồ ăn ưa thích cho các thành viên trong gia đình, trên bé có hai anh trai lớn rồi. Một cô con gái duy nhất và bé nhất được cưng chiều nhất nhà mà lại đảm đang, tháo vát và vui vẻ phục vụ mọi người trong gia đình. Chị kể: Vì hay phải đi công tác nên tôi chú ý rèn con tính tự lập. Bông tự lo cho bản thân từ rất nhỏ, tính tự giác cao. Con có thể nấu món đơn giản cho bản thân, giúp mẹ vận hành máy giặt, máy rửa bát. Sắp xếp bát đũa cho gọn gàng lên giá. Cho quần áo vào máy giặt, phơi, gấp và cất quần áo. Một việc nghe đơn giản nhưng không phải ai cũng làm tốt kể cả người lớn! Cũng là mẹ của hai cô con gái tôi hỏi chị Thuỳ Dương về bí quyết làm thế nào để cháu thích công việc nhà, làm một cách vui vẻ làm việc, khéo léo và giao tiếp tự nhiên vậy. Chị chia sẻ: “Tôi cùng làm, hướng dẫn con, trò chuyện và giải thích cho con về niềm vui của người chăm sóc người khác mà mình gần gũi yêu thương, chăm sóc người trong gia đình. Khi đó không chỉ là công việc mà còn là niềm vui vì thể hiện tình cảm yêu thương của mình”.

Trên nẻo đường đến với Hà Giang, chúng tôi đã ôm vào tầm mắt mình tất cả những vẻ đẹp hùng vĩ, những con người đáng yêu nơi đây. Dường như ai cũng mãn nguyện với chuyến đi đặc biệt này. Riêng tôi có thêm hai “bài học” lớn về tình yêu quê hương đấy nước và tình yêu gia đình từ chính những người bạn đồng hành cùng mình.

Nguyễn Bảo Gia Hân

Có thể bạn quan tâm