Tọa đàm trực tuyến “Bảo hiểm và Đời sống”

Sáng nay (25/8), báo Dân trí tổ chức Toạ đàm trực tuyến "Bảo hiểm và Đời sống" nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn và khách quan nhất về giải pháp bảo vệ tài chính ưu việt  và lĩnh vực bảo hiể
Tọa đàm trực tuyến “Bảo hiểm và Đời sống”
Toạ đàm trực tuyến “Bảo hiểm và Đời sống”

Bảo hiểm nhân thọ là giải pháp cung cấp một khoản tài chính cho người tham gia để đáp ứng nhu cầu chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí phải bỏ ra trong tương lai khi xảy ra các rủi ro như: ốm đau, thương tật, mất sức lao động, tai nạn, tử vong … hoặc để hoàn thành những dự định trong tương lai như: đảm bảo việc học cho con, mua nhà, mua xe, an dưỡng tuổi già …

Tuy nhiên, do một số lý do khách quan bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đang bị nhìn nhận chưa đầy đủ. Buổi tọa đàm này nhằm giúp người dân có cái nhìn khách quan và đầy đủ về bảo hiểm nhân thọ; hiểu hết những ý nghĩa nhân văn và giá trị thiết thực mà bảo hiểm nhân thọ mang lại cho con người; thấy được rằng nó là phương pháp bảo vệ hữu ích, an toàn, được pháp luật và Nhà nước bảo hộ.

Từ đó giải tỏa những vướng mắc, nghi ngờ từ phía người dân và mang đến cho người Việt một giải pháp tài chính thông minh đã được người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn.

Tham gia buổi tọa đàm có sự góp mặt của: ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; ông Đoàn Minh Phụng - Phó GS, TS. NGƯT, Phó khoa Ngân hàng và Bảo hiểm Học viện Tài chính và Luật sư Đặng Ngọc Châu từ văn phòng Luật sư Đặng Ngọc Châu, Đoàn Luật sư TPHCM. Quý độc giả có thể gửi câu hỏi vào hòm thư: kinhdoanh@dantri.com.vn hoặc để lại bình luận dưới bài đăng này để được các chuyên gia giải đáp.

Trao đổi: Độc giả Phạm Hương (34 tuổi, Hà Nội): Hiện có nhiều người cho rằng Bảo hiểm nói chung và BHNT nói riêng như một hình thức bán hàng đa cấp hoặc lừa đảo tài chính, chỉ có lợi cho các doanh nghiệp Bảo hiểm, nên hiểu đúng về BHNT như thế nào?

Ông Phùng Đắc Lộc: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm được quy định rất chặt chẽ trong Luật kinh doanh bảo hiểm, Nghị định Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể như sau: - Đáp ứng đủ điều kiện và thủ tục hành chính về việc thành lập DNBH Nhân thọ quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 45 trước đây, Nghị định 73 (từ 1/7/2016) mới được Bộ Tài chính cấp phép. - Trong quá trình hoạt động: đội ngũ quản lý điều hành đáp ứng được tiêu chuẩn quy định, biên khả năng thanh toán lớn hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu, vốn phát định lớn hơn hoặc bằng 600 tỷ đồng.

Các thay đổi về người quản lý điều hành, trụ sở và chi nhánh văn phòng kinh doanh, vốn điều lệ, nội dung và thời gian hoạt động, mua bán sát nhập, giải thể…phải được Bộ Tài chính phê chuẩn.

- Nội dung hợp đồng bảo hiểm phải được Bộ Tài chính phê chuẩn khi đáp ứng được các quy định tại Chương II – Hợp đồng bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm (từ điều 13 đến điều 39) - Quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm của DNBH được xây dựng theo đúng quy định tại Nghị định 45 và hiện nay là Điều 39 Nghị định 73/2016/CP.

- Bộ Tài chính phê duyệt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trước khi DNBH được phép triển khai bao gồm hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm; công thức, phương pháp và giải trình cơ sở kỹ thuật dùng để tính phí và dự phòng nghiệp vụ, mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm, minh họa bán hàng, các mẫu đơn mà bên mua bảo hiểm phải kê khai và ký khi mua bảo hiểm.

- Trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và đầu tư tài chính từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tách chia lãi giữa chủ sở hữu và chủ hợp đồng bảo hiểm theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

- Đào tạo, tuyển dụng, trả hoa hồng đại lý đúng quy định của Bộ Tài chính

- Khi có nguy cơ mất khả năng thanh toán phải báo cáo BTC và đề ra các giải pháp khôi phục. Nếu không tự khôi phục được sẽ phải thực hiện các giải pháp theo yêu cầu của Bộ Tài chính để khôi phục khả năng thanh toán. - Khi DNBH mất khả năng thanh toán, khách hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi từ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm do các DNBH đóng góp hàng năm tối đa 0,3% doanh thu.

Do vậy, nói bảo hiểm là lừa đảo, bán hàng đa cấp là sai. Người dân hoàn toàn có thể tin tưởng sự làm ăn chân chính và lâu dài của các DNBH nhân thọ tại Việt Nam.

Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Ngoài ra, nhìn bên ngoài việc bán bảo hiểm qua đại lý giống mô hình đa cấp nhưng đại lý chỉ được bán sản phẩm bảo hiểm với các quy tắc điều khoản biểu phí, hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, đơn bảo hiểm, minh họa bán hàng đã được Bộ Tài chính phê chuẩn, không được thêm bớt.

Đại lý bảo hiểm hưởng hoa hồng năm đầu tối đa 25% phí bảo hiểm thu được với hợp đồng dưới 10 năm, tối đa 40% với hợp đồng kỳ hạn trên 10 năm trong đó có bao gồm chi phí phải bỏ ra để khai thác hợp đồng bảo hiểm.

Từ năm thứ 2 trở lên chỉ được hưởng 5% đến 7% việc chi trả hoa hồng cũng được Bộ Tài chính quy định, DNBH không được tự ý làm sai. Độc giả Nguyễn Nam (27 tuổi, Nam Định): Nhiều người cho rằng có tiền thì gửi tiết kiệm hoặc mua vàng sẽ an toàn hơn so với mua bảo hiểm nhân thọ, suy nghĩ này có đúng không?

Ông Đoàn Minh Phụng: Trước hết, do BHNT kéo dài nhiều năm nên việc lo lắng mua BHNT chịu ảnh hưởng xấu của sự mất giá đồng tiền và lo lắng ai sẽ bảo vệ mình nếu công ty BHNT bị phá sản là suy nghĩ hoàn toàn có thể giải thích được. Tuy nhiên, Tôi cho rằng suy nghĩ này không hoàn toàn đúng bởi các lý do sau:

Thứ nhất, các sản phẩm BHNT có thể bảo vệ người tham gia BH và gia đình họ khi gặp rủi ro trong khi việc gửi tiền tiết kiệm và mua vàng không thể mang lại cho bạn điều này.

Thứ hai, nếu xuất phát từ lý do lo ngại đồng tiền mất giá thì bản thân việc gửi tiết kiệm cũng bị ảnh hưởng chứ không chỉ tham gia BHNT. Hơn nữa, các công ty BHNT có thể thiết kế các sản phẩm BH có số tiền BH tăng dần để đối phó với rủi ro lạm phát, như vậy nếu lo ngại, bạn có thể chọn các loại sản phẩm này.

Thứ ba, nếu xuất phát từ việc sợ rủi ro công ty BH bị phá sản thì thống kê trên thế giới cho thấy xác suất phá sản một tổ chức tín dụng cao hơn so với một công ty BHNT. Điều này cho thấy, ngay cả việc gửi tiết kiệm cũng chứa đựng rủi ro không rút được tiền nếu tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán. Tính đến khả năng này, VN cũng như các quốc gia khác có hệ thống BH tiền gửi nhằm bảo vệ người gửi tiền song mức chi trả bảo hiểm tiền gửi với mỗi sổ tiết kiệm được giới hạn (chẳng hạn ở VN con số này tối đa là 50 triệu đồng).

Còn nếu xảy ra khả năng DNBH NT bị mất khả năng thanh toán thì Bộ Tài chính sẽ có phương án chuyển giao các HĐBH cho DNBH khác để bảo vệ lợi ích của bên được BH.

Cuối cùng, nếu bạn mua vàng với mục đích đầu tư thì bấp bênh và rủi ro hơn nhiều bởi giá vàng là yếu tố cực kỳ nhạy cảm, biến động thất thường và khó dự đoán. Thực tế ở VN thời gian qua đã minh chứng cho điều đó. Còn nếu mua vàng với mục đích cất trữ thì khi xảy ra khủng hoảng, việc tích trữ này không có ý nghĩa gì.

Độc giả Đặng Thị Mai (Tiền Hải, Thái Bình): Những đối tượng nào thì nên hoặc không nên tham gia Bảo hiểm nhân thọ?

Ông Phùng Đắc Lộc: Bất kỳ ai không phân biệt già trẻ, tầng lớp xã hội đều có nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ bao gồm các nhu cầu sau đây: - Chăm lo sức khỏe cho bản thân và những người thân (cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột) về những rủi ro ốm đau, thương tật, tử vong với những chi phí điều trị ở các mức độ khác nhau: viện phí, điều trị tự nguyện, điều trị tại bệnh viện quốc tế ở Việt Nam, bệnh viện nước ngoài, bệnh nan y mà chế độ bảo hiểm y tế hiện hành chưa đáp ứng được. - Tiết kiệm tiền trung và dài hạn (tương đương với thời gian bảo hiểm) để thực hiện một công việc không thể không làm trong tương lai mà ngay cả khi người tham gia bảo hiểm bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc tử vong không đóng đủ phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm nhưng hết thời hạn bảo hiểm vẫn được DNBH chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm nhằm mục đích: cho con tiếp tục học phổ thông, học nghề, học đại học, du học nước ngoài, nuôi dưỡng vợ/chồng/con, phụng dưỡng cha mẹ già yếu từ số tiền bảo hiểm, mua nhà cho con ra ở riêng, cưới xin, có thu nhập hàng tháng khi hết tuổi lao động (hưu trí). - Trả nợ khi đến thời hạn đúng với thời gian đáo hạn hợp đồng bảo hiểm dù người tham gia bảo hiểm không may bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc tử vong trước đó.

- Có thu nhập nhất định từ số tiền bảo hiểm khi mất sức lao độnghoặc làm vốn đầu tư kinh doanh chuyển đổi nghề nghiệp.

- Vừa bảo hiểm rủi ro, vừa đầu tư sinh lời với các sản phẩm bảo hiểm đầu tư: liên kết chung và liên kết đơn vị. Vì vậy, người có thu nhập thấp có thể mua bảo hiểm với số tiền bảo hiểm vừa phải phù hợp với khả năng tài chính của mình có thể tiết kiệm được hàng kì để đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn. Và ngược lại, người có thu nhập cao thì tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm lớn hơn. Nhìn chung thời gian bảo hiểm càng dài (thời hạn của hợp đồng bảo hiểm) thì xác suất xảy ra rủi ro càng lớn và người được bảo hiểm thường có lợi hơn.

Tuy nhiên nếu tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm nhiều hơn, tùy theo quy định của từng DNBH (thường là 300 triệu hoặc 400 triệu đồng) các DNBH thường quy định phải khám sức khỏe trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Mục đích của kiểm tra sức khỏe để phát hiện các bệnh sẵn có, bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, bệnh di truyền thuộc phạm vi loại từ bảo hiểm để không giao kết hợp đồng bảo hiểm. Khi người tham gia bảo hiểm đã khám sức khỏe theo quy định của DNBH đã bị từ chối ký kết hợp đồng bảo hiểm có thể hỏi lại DNBH có thể tham gia bảo hiểm với sản phẩm bảo hiểm nào khác không, nếu thấy phù hợp thì ký kết hợp đồng bảo hiểm.

Ngoài ra, những người có thu nhập bấp bênh, không ổn định để thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm định kỳ theo tháng thì có thể đăng ký đóng phí bảo hiểm theo mùa vụ để đảm bảo khả năng duy trì hợp đồng bảo hiểm, đóng phí lâu dài không ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn vì không đóng đúng và đủ phí bảo hiểm

Độc giả Nguyễn Văn Nam: Những lợi ích cơ bản mà BHNT có thể mang lại là gì?

Ông Đoàn Minh Phụng: Sản phẩm BHNT rất đa dạng song tập trung vào 3 nhóm: nhóm bảo vệ, nhóm tích lũy đầu tư và nhóm kết hợp. Mỗi nhóm sản phẩm có các lợi ích nổi trội khác nhau. Tổng hợp lại BHNT có thể mang lại những lợi ích cơ bản sau:

Đối với bên được BH: - BHNT giúp bảo vệ gia đình, bảo vệ người mà người được BH có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Khi rủi ro không may xảy ra cho người được BH thì gia đình, các con người được BH được đảm bảo nguồn thu nhập từ tiền trả BH giúp họ khắc phục khó khăn, đảm bảo cuộc sống. - BHNT là công cụ hữu hiệu để hoạch định tài chính cho tương lai: giúp người được BH và gia đình có thể thực hiện được các dự định cho tương lai: Cho con đi học ĐH trong nước hoặc du học, mua nhà, mua xe,…

- BHNT có thể thay thế hoặc bổ sung cho BHXH: Người không có BHXH thì tham gia BHNT có thể giúp thay thế chế độ hưu trí trong BHXH. Người đã có BHXH thì BHNT giúp bổ sung các lợi ích mà BHXH chưa mang lại được

- BHNT là công cụ đầu tư: Tham gia một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuộc dòng sản phẩm BH liên kết đầu tư như sản phẩm BH liên kết chung, BH liên kết đơn vị vừa có ý nghĩa bảo vệ, vừa có ý nghĩa giúp người được BH thực hiện hoạt động đầu tư. Thực chất đây là hình thức ủy thác đầu tư cho công ty BH trong điều kiện người tham gia BH không có điều kiện và không có khả năng tự đầu tư.

Đối với xã hội - BHNT là một kênh thu hút vốn để đầu tư trở lại nền kinh tế. Trong điều kiện một quốc gia đang gặp nhiều khó khăn về thu hút vốn cho phát triển kinh tế như Việt Nam hiện nay thì điều này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. - BHNT góp phần tạo việc làm cho xã hội: Việc tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho nhân viên, tư vấn viên BH được xã hội ghi nhận và đánh giá cao

- BHNT góp phần tạo ra một lối sống đẹp trong xã hội khi việc tham gia BHNT thể hiện trách nhiệm đối với chính mình, với gia đình và với cộng đồng vì ý nghĩa chia sẻ rủi ro. Với các sản phẩm BHNT có mục đích tiết kiệm, đầu tư thì việc tham gia có ý nghĩa định hướng xã hội tới một lối sống văn minh hơn, nhân văn hơn.

Theo Dân trí 

Có thể bạn quan tâm