Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam: Tồn tại hay không tồn tại?

Sau khi đã huy động gần 90.000 tỷ đồng để xây dựng 415 km cao tốc trong vòng 14 năm hoạt động, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) lại phải đối mặt với câu hỏi “tồn tại hay khô
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam: Tồn tại hay không tồn tại?

Nút thắt cơ chế

Trong số 7 kiến nghị vừa được VEC đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến cấp có thẩm quyền và Quốc hội, có 2 nội dung sẽ quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hiện nay.

Cụ thể, tại Văn bản số 1252/BC - VEC báo cáo tổng kết mô hình tổ chức và tái cơ cấu tài chính của Tổng công ty do Chủ tịch Hội đồng Thành viên Mai Tuấn Anh ký gửi bộ chủ quản vào đầu tháng 5, VEC đề nghị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ với mô hình là doanh nghiệp thông qua việc kinh doanh, thu giá để hoàn trả các khoản vay lại, tự huy động và đầu tư các tuyến đường cao tốc mới.

Để làm được điều này, VEC muốn được miễn trừ, không hồi tố Nghị quyết số 07 - NQ/TƯ ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước quản lý nợ công và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, VEC sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2702/QĐ - TTg ngày 8/11/2013 về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC là Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trong các dự án trên, 4 dự án sử dụng vốn vay ODA và OCR là Nội Bài - Lào Cai; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Cùng với kiến nghị này, VEC muốn Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xin chủ trương của cấp có thẩm quyền đối với việc bổ sung kế hoạch vốn ODA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để quyết toán ngân sách nhà nước đối với phần vốn ODA đã giải ngân thực tế cho các dự án đường cao tốc mà doanh nghiệp này làm nhà đầu tư trong giai đoạn 2013 - 2015 với tổng số tiền là 12.746,9 tỷ đồng và bố trí 5.334,3 tỷ đồng vốn trong nước để hoàn trả khoản tiền Bộ Tài chính đã tạm ứng để thanh toán gốc và lãi trái phiếu VEC.

Sở dĩ VEC phải xin miễn trừ, không hồi tố các quy định hiện hành về quản lý nợ công và quản lý tài chính quốc gia là bởi tại khoản 5, Mục 3, Nghị quyết số 07 - NG/TƯ và khoản 7, Điều 4, Nghị quyết số 25/2016 quy định “không chuyển vốn vay, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách Nhà nước”.

Trước đó, trên cơ sở đánh giá kỹ mô hình VEC và ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2072/QĐ - TTg, văn bản được các chuyên gia đánh giá là đã “tháo gỡ căn bản khó khăn và nâng cao năng lực tài chính cho tổng công ty nhà nước duy nhất có chức năng là đầu tàu trong việc huy động vốn phát triển mạng đường cao tốc quốc gia”.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý chuyển toàn bộ số vốn ODA tại 5 dự án đang được thực hiện theo hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp; số vốn 2.500 tỷ đồng đã được ngân sách nhà nước (NSNN) ứng cho 2 dự án là Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai được chuyển thành vốn NSNN đầu tư trực tiếp cho dự án; số vốn 4.399,7 tỷ đồng trái phiếu công trình được Chính phủ bảo lãnh đã phát hành cho Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình và Nội Bài - Lào Cai cùng các khoản lãi phát sinh cũng được Nhà nước tiếp nhận và chuyển thành vốn NSNN đầu tư trực tiếp. 

Các khoản vốn vay OCR/IBRD tại 5 dự án vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế vay lại theo quy định hiện hành. VEC thực hiện thu phí các dự án để trả nợ phần vốn vay thương mại này. Được biết, căn cứ Quyết định số 2072/QĐ - TTg và cập nhật lại giá trị đầu tư 5 dự án, phần vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp tại 5 dự án là 54.425 tỷ đồng (chiếm 46,2%); VEC huy động và tự trả nợ là 63.294 tỷ đồng (chiếm 57%) trong tổng chi phí đầu tư 5 dự án là 117.719 tỷ đồng.  

Cùng với việc đề xuất điều chỉnh tăng vốn điều lệ theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Văn bản số 2393/TTg - KTTH ngày 30/12/2015) lên 72.602 tỷ đồng vào năm 2019, VEC cũng đã xây dựng và được Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính với điểm nhấn là “cơ chế hòa chung dòng tiền của 5 dự án để hỗ trợ cho nhau khi thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu hụt tạm thời”. 

Đây là cơ chế được Bộ GTVT đánh giá là giúp VEC vừa chủ động được tài chính, vừa xác lập hoạt động của đơn vị này được vận hành theo đúng tính chất của một doanh nghiệp.

Cần duy trì VEC

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - đơn vị đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông cho biết, để đảm bảo tính khả thi tài chính, kêu gọi nhà đầu tư, toàn bộ 8 dự án PPP đều cần có vốn góp của Nhà nước, trong đó cá biệt tại đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt tỷ lệ vốn hỗ trợ của Nhà nước lên tới 52% tổng mức đầu tư, cao hơn rất nhiều so với 5 dự án của VEC.

Đại diện VEC cho biết, nếu không có Quyết định 2072/QĐ - TTg, thì các nguồn thu phí của các dự án không đủ để trả nợ các khoản vay đến hạn, nhiều dự án không xác định được điểm hòa vốn. Trong trường hợp đó, Nhà nước phải trả nợ phần thiếu hụt và VEC đương nhiên sẽ rơi vào tình trạng phá sản.

Theo ông Mai Tuấn Anh, mặc dù, các Nghị quyết nêu trên không ghi các điều khoản hồi tố và đối chiếu các quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2009, việc áp dụng cơ chế tài chính như vậy là phù hợp, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quyết toán phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp vào 5 dự án cao tốc của VEC gặp rất nhiều khó khăn do chưa được duyệt dự toán NSSN các năm. Điều này dẫn đến hàng loạt vướng mắc về pháp lý cũng như cơ chế hoạt động khi thực hiện các dự án đang triển khai (như kế hoạch giao vốn, ký hiệp định vay phụ) và đầu tư các dự án mới.

Cụ thể, từ năm 2016 trở về trước, các khoản chi của VEC liên quan đến nguồn vốn ODA chuyển từ vay lại sang cấp phát đều chưa được trình Quốc hội duyệt dự toán, khiến việc quyết toán phần vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước bị bế tắc. Cũng do vướng quy định “không chuyển vốn vay, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát  NSNN”, nên việc bổ sung kế hoạch vốn ODA đã giải ngân đến hết năm 2015 và vốn hoàn trả tạm ứng của Bộ Tài chính vào kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện vẫn đang bị treo.

Đỉnh điểm vướng mắc này là việc Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án, trong khi chờ cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển từ cơ chế cho vay lại nguồn ODA sáng cơ chế cấp phát, yêu cầu VEC tạm dừng phê duyệt giải ngân toàn bộ nguồn vốn ODA thuộc 4 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.

“Hiện 2/4 dự án là Bến Lức - Long Thành và Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang thi công nước rút. Việc dừng giải ngân có thể làm vỡ tiến độ hoàn thành, đồng thời phát sinh nguy cơ khiếu kiện từ các nhà thầu quốc tế”, đại diện VEC cho biết.

Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phương án tái cơ cấu VEC và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) ngày 5/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, sự ra đời và hoạt động của VEC đã góp phần vào việc xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ quốc gia nói riêng, phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung. 

Tuy nhiên, trong khung khổ pháp lý hiện hành, hoạt động của VEC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được nghiên cứu, xử lý. 

“Giao Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp, chủ trì, phối hợp với các bộ Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư  và các cơ quan có liên quan rà soát các quy định pháp luật có liên quan, nghiên cứu kỹ lưỡng và kiến nghị để xử lý các vướng mắc về quy định hiện hành theo thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm cho hoạt động của VEC”, Thủ tướng chỉ đạo.

VEC được giao làm chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc với chiều dài 550 km. Đã hoàn thành đưa vào khai thác 415 km, chiếm 57% tổng chiều dài đường cao tốc cả nước; phục vụ an toàn 124,5 triệu lượt xe, tổng doanh thu phí đạt 9.731,3 tỷ đồng.

 Theo Báo Đầu Tư

Có thể bạn quan tâm