TP .HCM cần có “khoán 10” để bằng Bangkok, Singapore

TP. HCM cần được cơ chế khoán như khoán 10 trong nông nghiệp trước đây. Cơ chế đó nếu được chấp nhận sẽ tạo đà, tạo thế và tạo động lực cho thành phố phát triển.
TP .HCM cần có “khoán 10” để bằng Bangkok, Singapore

Tôi tin rằng nếu giải phóng hết tiềm năng, khơi dậy được nguồn lực vô tận, phát huy hết nội lực thì chậm nhất là 15 năm nữa TP.HCM sẽ bằng Bangkok, 20 năm nữa có thể ngang ngửa với Singapore.

Cơ chế khoán mới khơi dậy sức dân

Tôi cho rằng việc TP.HCM xin một cơ chế đặc biệt là vô cùng khó. Bởi một đất nước mà có quá nhiều địa phương đòi có cơ chế đặc biệt thì không thể chấp nhận được.

Có lẽ vậy mà đề án “chính quyền đô thị” của TP.HCM đã ba lần bị bác, cho dù được làm thí điểm cả năm trời.

Câu hỏi đặt ra rằng, liệu chúng ta có tìm được một mô hình quản lý đô thị trung gian giữa mô hình hiện nay và mô hình quản lý đô thị thường gọi là mô hình thị trưởng của 
các nước tiên tiến hay không?

Những điểm quan trọng nhất của mô hình thị trưởng là phân quyền sâu rộng; cá nhân lãnh đạo chịu trách nhiệm, quản lý theo lãnh thổ; có quyền lập quy; dân chủ trực tiếp - những điều dường như chưa thể tiếp nhận ngay được trong bối cảnh hiện nay.

Do vậy cần phải tìm ra một mô hình trung gian (chuyển tiếp, quá độ) là chấp nhận một cơ chế khoán, giống như khoán 10 trong nông nghiệp trước đây - một chính sách đã phá bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt Nam bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới.

Với cơ chế này, trung ương sẽ khoán cho TP.HCM bao nhiêu suất biên chế, một năm phải nộp bao nhiêu cho ngân sách nhà nước, phải thu hút được bao nhiêu vốn đầu tư trực tiếp, cần phải hỗ trợ cho các tỉnh, thành khác qua các dự án như thế nào...

Thành phố phải hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, còn làm như thế nào để thực hiện được điều này là do Đảng bộ, UBND, HĐND và nhân dân toàn TP tự quyết trên tinh thần “cùng cả nước, vì cả nước”, phần “thặng dư” dành cho các chương trình phát triển TP sẽ được quyền tự quyết.

Dĩ nhiên, cho dù được khoán thì TP phải hoạt động trong hành lang pháp lý và chấp nhận những nguyên tắc cứng, những đường hướng chiến lược liên quan đến phát triển vùng, những kế hoạch kinh tế mà TP.HCM là một phần trong tổng thể quốc gia.

Để dễ hiểu hãy lấy một ví dụ, ai cũng biết chúng ta đang phí phạm nguồn tài nguyên vô cùng lớn, đó là nguồn vàng, ngoại tệ của dân rất lớn nhưng chỉ ở dạng cất giữ không đưa được vào lưu thông. B

Bên cạnh đó, còn có gần 2 triệu người đang sống ở các nước phát triển sẵn sàng gửi tiền về đóng góp cho phát triển TP nhưng chúng ta cũng chưa thu hút được nhiều. Nếu TP có cơ chế khoán, thu hút bằng cách trả lãi suất bằng hay thực dương, miễn là đảm bảo giá trị tích lũy thì chắc chắn sẽ huy động được nguồn tài chính to lớn này trong dân và từ bà con Việt kiều để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội mà TP đang thiếu trầm trọng.

Nói cho cùng, huy động vàng, ngoại tệ trong dân lời hơn nhiều là đi vay nước ngoài, cho dù là vay ODA thì vẫn phải trả lãi, mà lại bị ràng buộc bởi rất nhiều điều bất lợi như phải sử dụng công nghệ, kỹ thuật, nhân công của nơi cho vay, phải mua vật tư, thiết bị của họ, chưa kể những tác hại về mặt xã hội thì không sao lường trước được.

Ông Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: H.Khoa
Ông Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: H.Khoa

Hướng đến một nền công nghiệp chất lượng cao

TP.HCM muốn phát triển nhanh và bền vững thì cần thiết phải xây dựng cho được kịch bản phát triển tốt. Hãy hình dung TP đến cuối thế kỷ này sẽ có diện mạo ra sao, con đường nào dẫn chúng ta đi tới cái đích đó?

Trước đây, chúng ta muốn xây dựng một đặc khu kinh tế trong lòng TP (đặc khu kinh tế phía Nam), nhưng nay quan điểm này thay đổi thành xây dựng cả TP thành một đặc khu kinh tế.

Tôi đánh giá cao ý tưởng này, nhưng điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải xác định cho được cái đặc khu kinh tế đó sẽ phát triển dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật trình độ nào.

Có bốn cấp độ phát triển: công nghiệp thô, công nghiệp mô phỏng, công nghiệp phát triển và công nghiệp sáng tạo.

Vào thời điểm này, nền công nghiệp của TP.HCM với 16 khu công nghiệp, khu chế xuất và hàng nghìn nhà máy đơn lẻ đang vận hành theo mô hình thiên về chiều rộng, tức là thâm dụng nhân công tay nghề thấp, sử dụng công nghệ lạc hậu, chiếm dụng nhiều đất đai ở các vị trí tốt, đầu tư ban đầu rất lớn nhưng năng suất lại thấp, gây ô nhiễm, sản 
phẩm đầu ra khó cạnh tranh...

TP muốn vươn lên thành đặc khu kinh tế, cạnh tranh ngang ngửa với các đặc khu kinh tế khác như Thâm Quyến, Chu Hải, Thượng Hải (Trung Quốc), Masan (Hàn Quốc), Marikina (Philippines), Bangalore (Ấn Độ) thì phải nhanh chóng trở thành nơi có nền công nghiệp chất lượng cao, phát triển theo chiều sâu, mức độ tự động hóa, tin học hóa cao, hàm lượng chất xám tích tụ trong sản phẩm cao.

Khi đó các khu công nghệ cao, công viên phần mềm, khu công nghiệp với kỹ thuật tiên tiến nhất xuất hiện nhiều hơn, còn các khu công nghiệp tập trung có trình độ phát triển thấp, trung bình sẽ giảm dần đến bằng không.

Khi đó sẽ giảm lao động nhập cư tay nghề thấp, kéo theo đó là giảm sức ép lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và những tệ nạn xã hội khác.

Gia tăng tỉ lệ dịch vụ

TP.HCM phải gia tăng tỉ lệ dịch vụ trong cơ cấu kinh tế lên đến trên 70% (hiện nay tỉ lệ này của TP.HCM là 51,1%, trong khi Singapore 100%, Hàn Quốc 80%, Thái Lan 72%).

Dịch vụ là khu vực kinh tế giải quyết được nhiều lao động dư thừa nhất, suất đầu tư thấp hơn công nghiệp nhưng hệ số sinh lời cao và thời gian khai thác lâu dài. TP.HCM là nơi có tiềm năng rất lớn về dịch vụ như y tế, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, giáo dục, vui chơi giải trí, thời trang, ẩm thực, tài chính, đặc biệt là du lịch.

Tuy nhiên chúng ta phải phấn đấu để cho các loại dịch vụ này đạt chất lượng cao, an toàn thì mới cạnh tranh được với các nước xung quanh.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa/Tuổi trẻ

Có thể bạn quan tâm