TP HCM đề nghị giảm hơn 17 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư quy hoạch tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ

UBND TP HCM vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ đã được bộ này phê duyệt năm 2013.
TP HCM đề nghị giảm hơn 17 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư quy hoạch tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ

Đây là đề xuất của Viện Khoa học công nghệ Phương Nam. Cụ thể, tuyến đường sắt được đề xuất điều chỉnh có chiều dài 139,6 km. Trong đó tổng chiều dài tuyến và ga đi trên mặt đất là 100,77 km; chiều dài tuyến, ga đi trên cao và cầu vượt sông là 38,83 km; số lượng ga là 9.

Trước đó, tại quy hoạch được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2013, tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ có chiều dài 140,68 km với 14 ga gồm đoạn đi trên mặt đất là 63,77 km, đoạn đi trên cao và cầu vượt sông là 76,91 km.

Theo đề xuất, điểm đầu vận tải hàng hóa là ga tàu hàng An Bình (xã An Bình, TX.Dĩ An, Bình Dương), thuộc tuyến đường sắt Trảng Bom, Hòa Hưng. Điểm đầu vận tải hành khách tại ga Tân Kiên (xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM), điểm cuối tại ga Cái Răng (thuộc P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ). Dự kiến cuối năm 2024, dự án vận hành thử hệ thống và đưa vào sử dụng.

Tuyến được thiết kế đường sắt đôi, khổ đường 1.435 mm, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Như vậy, từ TP.HCM đến Cần Thơ tàu chạy chỉ mất 45 phút. 

Tại địa phận TP HCM, tuyến có chiều dài 6,72 km. Địa phận tỉnh Long An có chiều dài 28,33 km, tuyến tiếp tục đi trên cao song song với tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương, vào ga Thanh Phú (ga kết nối với nhánh đường sắt ra cảng Hiệp Phước), tuyến đi trên cao vượt qua nút giao Bến Lức và sông Vàm Cỏ Đông.

Trên địa phận tỉnh Tiền Giang có chiều dài 65,44 km, toàn bộ hướng tuyến tại địa phận tỉnh này được điều chỉnh về phía Tây so với hướng tuyến được quy hoạch. Trên địa phận thành phố Cần Thơ dài 5,18 km, tuyến đi trùng với hướng tuyến quy hoạch được duyệt.

Với những thay đổi này, chi phí xây lắp và thiết bị (không bao gồm đầu máy, toa xe) tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ chỉ còn 60.032 tỷ đồng, giảm 17.470 tỷ đồng so với quy hoạch được phê duyệt.

Ngoài việc tiết kiệm chi phí đầu tư, tuyến mới sẽ đi chung với hàng lang an toàn của tuyến đường bộ cao tốc TP HCM – Trung Lương; qua khu vực ít dân cư sẽ giúp giảm thiểu khối lượng GPMB, thuận tiện kết nối các phương thức vận tải.

 >>Xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam: Chống độc quyền trong cung cấp công nghệ

Có thể bạn quan tâm