TP. HCM: Nhiều thiếu sót trong quản lý tài nguyên đất

UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả giám sát về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn thành phố, trọng tâm là tài nguyên đất do nhà nước trực tiếp quản lý.
TP. HCM: Nhiều thiếu sót trong quản lý tài nguyên đất

Hàng chục nghìn trường hợp chưa có sổ đỏ

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến nay, toàn Thành phố đã cấp 1.516.956 giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân đạt tỷ lệ 99,6%, còn lại 25.560 trường hợp đủ điều kiện đang giải quyết cấp giấy chứng nhận.

Ngoài ra còn 109.251 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận, trong đó có 88.665 trường hợp chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai và 20.586 trường hợp người dân chưa có nhu cầu. 

TP.HCM cũng đã cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức đối với những trường hợp đủ điều kiện cấp giấy, trong đó đã cấp được 38.061,16 ha đối với diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường (chiếm tỷ lệ 90,74% tổng diện tích đất).

Đến nay, tổng số thửa đất đăng ký trong cơ sở dữ liệu là 1.896.699 thửa (hồ sơ), tổng số Giấy chứng nhận quản lý trong cơ sở dữ liệu là 1.818.495 thửa (hồ sơ) và tổng số hồ sơ scan (quét) liên kết trong cơ sở dữ liệu là 1.732.119 thửa (hồ sơ).

Báo cáo cũng cho biết, trong giai đoạn từ 2011 đến 2015 UBND TP.HCM đã thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất của 91 dự án với tổng diện tích 1.657 ha ( Giai đoạn 2003 đến 2010 UBND thành phố đã thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất của 87 dự án với tổng diện tích 1.159 ha).

Ngoài ra, UBND TP đã tổ chức 90 cuộc thanh, kiểm tra đối với 130 tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật về đất đai giai đoạn 2013 - 2017, phát hiện 21 trường hợp vi phạm (chiếm 16,15%), chủ yếu là sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng, tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền sử dụng đất hàng năm… 

Riêng đối với tổ chức sử dụng đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trong giai đoạn 2013 - 2017 đã thanh tra, kiểm tra 21 trường hợp, trong đó có 13 trường hợp vi phạm (chiếm 61,19% số tổ chức cá nhân được thanh tra). 

Thanh tra đã kiến nghị thu hồi 201.110,1 m2 đất, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 11.628.351.000 đồng và truy thu từ nguồn thu bất hợp pháp (do cho thuê lại) là 3.623.724.049 đồng. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 52.550,1 m2 đất, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 325.000.000 đồng và truy thu từ nguồn thu bất chính là 4.047.740.000 đồng.

14 nghìn căn hộ và nền đất chưa được bố trí

Báo cáo cũng cho biết, hiện địa bàn TP.HCM vẫn còn 13.930 căn hộ và nền đất đã được hình thành trong nhiều năm nhưng chưa bố trí sử dụng phần nào gây lãng phí ngân sách thành phố.

Trong đó có 1.801 căn hộ phục vụ tái định cư được tạo lập từ giai đoạn trước năm 2006 chưa sử dụng chuyển sang giai đoạn 2006 - 2017.

Trong số 5.406 căn hộ và nền đất tái định cư đề xuất bán đấu giá có 3.790 căn hộ thuộc Chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư khu Đô thị mới Thủ Thiêm; Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Theo UBND TP.HCM, việc chậm tiến độ đầu tư đã làm phát sinh tăng tối thiểu 519 tỷ đồng, bằng 195,7% so với tổng mức đầu tư ban đầu. Tính đến ngày 28/11/2017 (hơn 7 năm sau khi hoàn thành), dự án mới chỉ bố trí tái định cư được 479/1.939 căn hộ, đạt tỷ lệ 24,7%.

Cũng theo báo cáo trên, qua kiểm tra, thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đối với 346 khu đất do 10 tổng công ty và công ty nhà nước đang quản lý sử dụng có 112 địa chỉ sử dụng sai mục đích hoặc bỏ trống hoặc cho thuê lại (đa phần tồn tại đất nông trường).

Song song đó, hiện nay, vẫn còn 927,4 ha đất chưa sử dụng, cần rà soát, xác định cụ thể vị trí các khu đất, thửa đất chưa sử dụng để có kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gắn với điều kiện, vị trí từng khu đất cho phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.  

Thời gian qua, UBND TP.HCM đã chỉ đạo rà soát 1.269 dự án trên địa bàn thành phố (giai đoạn từ 2001 - 2011) với tổng diện tích 18.930 ha đất. Trong đó: tiếp tục thực hiện 469 dự án với diện tích 4.362,7 ha; điều chỉnh cắt giảm quy mô, diện tích đối với 10 dự án với tổng diện tích cắt giảm 33,84 ha; đã hủy bỏ, chấm dứt văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và thu hồi, hủy bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577/1.269 dự án (chiếm tỷ lệ 45,5%), với tổng diện tích là 5.915,1/18.930 ha đất.

Có thể bạn quan tâm