TP.HCM: Nhiều giải pháp nâng cao chỉ số CPI

UBND TP.HCM vừa đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của địa phương (PCI) trong năm 2020.
TP.HCM: Nhiều giải pháp nâng cao chỉ số CPI

Theo đó, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì nhóm các chỉ số tốt, cải thiện về lâu dài nhóm các chỉ số bình quân và cải thiện ngay nhóm các chỉ số kém.

Cụ thể, đối với nhóm các chỉ số tốt cần duy trì gồm: chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và chỉ số đào tạo lao động cần áp dụng tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng các lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp thông tin nhanh chóng và đầy đủ để doanh nghiệp lựa chọn dịch vụ; nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ công với thủ tục đơn giản, rút ngắn thời gian.

Bên cạnh đó, tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thực tế của doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả công tác quản lý thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, lừa đảo trong kinh doanh, vi phạm bản quyền và gian lận thương mại.

TP.HCM đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số CPI
TP.HCM đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số CPI

Khuyến khích đầu tư và hợp tác với các trường đại học, dạy nghề có uy tín trong khu vực và thế giới; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục dạy nghề; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin về thị trường lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm.

Còn đối với nhóm các chỉ số bình quân cần cải thiện về lâu dài gồm: chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số tính minh bạch, chỉ số chi phí thời gian cần triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống thể chế và các thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát thủ tục hành chính, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động cải cách hành chính các cấp.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa điện tử; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục liên quan đến quá trình gia nhập thị trường của doanh nghiệp; công khai công tác quy hoạch, kế hoạch, tài liệu pháp lý của thành phố và quận, huyện; hoàn thiện danh mục, cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính; cải tiến về nội dung, hình thức trang thông tin điện tử của thành phố và các sở, ban, ngành, quận, huyện.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn địa bàn thành phố, thực hiện nghiêm quy định về cung cấp, đăng tải thông tin đấu thầu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tại đơn vị, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử.

Riêng nhóm các chỉ số kém cần cải thiện ngay như chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số chi phí không chính thức, chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chỉ số tính năng động, chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự nên công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất của 24 quận, huyện, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng rõ tiêu chí, quy trình thu hồi đất, chấn chỉnh tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ, đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn, tuyên truyền rộng rãi các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư đối với các công trình trọng điểm, các ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư; đề cao trách nhiệm người lãnh đạo trong việc tháo gỡ khó khăn, thực thi các chính sách, quy định hiện hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm