TPP 11 được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thương mại toàn cầu

Chỉ trong thời gian vài tiếng khi cuộc họp các bộ trưởng của TPP 11 diễn ra, có một điều ngày càng trở nên rõ ràng: Mỹ không còn là quốc gia dẫn đầu nền kinh tế thế giới nữa.
TPP 11 được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thương mại toàn cầu

Đầu tuần này, bộ trưởng phụ trách thương mại của 11 quốc gia thành viên còn lại trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP 11) đã có buổi họp tại Tokyo nhằm giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của hiệp định này. 

Sau cuộc họp trên, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết thỏa thuận mới sẽ được ký kết tại Chilê vào ngày 8/3 bởi 11 quốc gia còn lại với tên chính thức là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà không cần có sự hiện diện của Mỹ. 

Sự đồng thuận của 11 quốc gia trong bối cảnh Mỹ quyết định rút khỏi vào năm ngoái là biểu hiện của sự phục vụ lợi ích riêng của 11 nước này và của cả thế giới. Hiệp định mới mang lại giá trị đối với những ai còn ở lại và nếu may mắn, đây có thể trở thành một mô hình cho sự tự do hóa thương mại ngày càng mở rộng.

Sự rút lui của Mỹ trong thương mại quốc tế không chỉ dừng lại ở việc từ bỏ chính hiệp định mà quốc gia này dày công gây dựng dưới thời ông Obama, mà mới đây còn được biểu hiện thông qua tuyên bố nâng mức thuế đối với sản phẩm nhập khẩu vào nước này từ chính quyền Donald Trump. 

Cho đến trước tuần này khi mọi thứ được hoàn thành, TPP vẫn chìm trong sự nghi ngờ.

Theo điều kiện ban đầu, hiệp định chỉ có hiệu lực trong trường hợp GDP của tất cả các nước quyết định kí kết chiếm ít nhất 85% GDP của toàn bộ 12 nước tham gia. Điều này có nghĩa là TPP sẽ không thể được thông qua nếu không có Mỹ bởi GDP của quốc gia này chiếm hơn 15%.

Tháng 11/2016, Mỹ tổ chức bầu cử tổng thống, TPP rơi vào thế chông chênh khi cả hai ứng cử viên đều tỏ ra không ủng hộ việc thông qua TPP.

Thời điểm đó mặc dù có nhiều quan điểm liên quan tới TPP song bà Hillary Clinton cũng đã buộc phải đưa ra sự phản đối với thỏa thuận này. Trong khi đó, ông Donald Trump lại kịch liệt phản đối TPP, gọi đây là một “thỏa thuận khủng khiếp”. Số phận TPP được dự báo sẽ coi như chấm dứt nếu như ông Trump trở thành vị tổng thống Mỹ tiếp theo.

Và viễn cảnh tệ nhất đối với hiệp định thế kỉ đã xảy đến khi ông Trump trở thành tân tổng thống Mỹ và chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, ông Trump đã kí sắc lệnh tuyên bố rút Mỹ ra khỏi TPP.

Sự ra đi của Mỹ khiến tương lai của TPP trở nên tối tăm hơn bao giờ, nhiều thành viên bày tỏ sự dè dặt và cùng với đó, nhiều quy định tại hiệp định vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.

Thế nhưng những nỗ lực gần đây của các quốc gia thành viên, đặc biệt là Nhật Bản đã vực TPP sống dậy. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hoan nghênh và gọi thỏa thuận này là "thỏa thuận đúng đắn".

TPP trở nên quan trọng bởi hiệp định này được thiết kế theo hình thức một hiệp định thương mại kiểu mới. Các quy định của TPP không chỉ dừng lại đơn thuần ở các vấn đề thuế quan truyền thống mà còn tập trung vào các vấn đề phi truyền thống như sử hữu trí tuệ, tiêu chuẩn cao về lao động hay vấn đề bảo vệ môi trường.

TPP hồi sinh sẽ giúp tăng năng lực đàm phán của các quốc gia thành viên và giúp tạo thế cân bằng với chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ. Không chỉ vậy, TPP còn có khả năng mở rộng khi nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến hiệp định này như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia hay Philippines.

Thật buồn khi chính sách thương mại của Mỹ hiện nay không còn được thúc đẩy bởi tham vọng như trước đây nữa. Tuy vậy, sự phát triển của mối quan hệ đối tác kinh tế giữa các quốc gia Thái Bình Dương hy vọng sẽ chào đón Mỹ một ngày nào đó và trong thời gian chờ đợi, các quốc gia thành viên có thể thực hiện vai trò lãnh đạo thương mại mà Mỹ đã không còn quan tâm nữa. 

Theo TheLEADER

Có thể bạn quan tâm