Trái cây ngoại 'hớp hồn' người tiêu dùng nội

Dù chất lượng đôi khi hơn hẳn, nhưng trái cây trong nước đang bị vẻ bề ngoài "bóng bẩy", nhãn mác... của trái cây ngoại lấn lướt.
Trái cây ngoại 'hớp hồn' người tiêu dùng nội

Đi thăm người quen bị bệnh, chị Nguyễn Thu Hà (đang làm việc tại một cơ quan nhà nước ở quận 1, TP Hồ Chí Minh) suy nghĩ mãi không biết phải mua trái cây gì biếu.

"Đắn đo mãi, cuối cùng tôi quyết định chọn mua trái cây ngoại nhập, có nhãn mác và xuất xứ rõ ràng. Chỉ có mỗi giỏ trái cây với những loại quen thuộc như nho, táo, cam... mà có giá gần 4 triệu đồng. Bù lại, người được biếu có vẻ rất hài lòng và ưng ý với món quà của mình", chị Hà hồ hởi.

"Tại các siêu thị hoặc những cửa hàng, quầy bán trái cây ở các địa điểm đắc địa như chợ Bến Thành, chợ Cũ, Tân Định... trái cây ngoại thường được người bán trưng bày ở vị trí "hoành tráng" nhất. Có vẻ ngoài bắt mắt và mác ngoại, trái cây ngoại rất dễ "hớp hồn" người tiêu dùng, đặc biệt các "thượng đế" lắm tiền.

"Khác với trái mãng cầu trong nước, mãng cầu Đài Loan có vị ngọt đặc trưng và gai nhô nhiều. Còn táo, nho đen không hạt, lê... ngoại đều có giấy tờ minh chứng nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm và nhà nhập khẩu, còn cam kết sẽ bồi thường cho khách hàng nếu có phát hiện giả mạo và hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc", chị Nguyễn Thị Lệ, chủ một sạp trái cây trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) cho hay.

Khảo sát của phóng viên, nhiều loại trái cây vốn quá đỗi quen thuộc với người dân trong nước so với trái cây ngoại có sự chênh lệch "giật cả mình". Ví dụ, mãng cầu nhập khẩu từ Đài Loan giá gần 500.000 đồng/kg, đắt hơn 10 lần; thanh long nội có giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg loại ruột trắng, thanh long được nhập khẩu từ Malaysia có giá cao gấp hơn 20 lần; dưa vàng Hàn Quốc có màu vàng và sọc tựa dưa gang nhưng kích thước nhỏ hơn cũng có giá hơn 250.000 đồng/kg...

"Đó là chưa tính đến những loại trái cây đặc biệt không trồng được trong nước có giá cao hơn nhiều. Cụ thể như kiwi, cherry, việt quất... đến từ những quốc gia nổi tiếng về nông nghiệp sạch là New Zealand, Mỹ... có giá tiền triệu", chị Lệ nói thêm.

Khảo sát của ngành nông nghiệp, lượng trái cây ngoại nhập về Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh. Chỉ tính trong năm 2016, các doanh nghiệp đã chi hơn 700 triệu USD nhập trái cây ngoại. Còn 2 tháng đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu trái cây cũng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài con đường chính ngạch, trái cây ngoại xâm nhập vào thị trường trong nước còn theo con đường xách tay, tiểu ngạch và chiếm số lượng không hề nhỏ.

"Có chất lượng và cạnh tranh về giá không chưa đủ, muốn giành phân khúc cao cấp ở thị trường trong nước, trái cây nội còn rất nhiều việc để làm. Đầu tiên là chọn lựa những loại giống tốt, sản phẩm chất lượng và khắc phục được điểm yếu của trái cây nội về truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất hiện đại, chuỗi cung ứng sản phẩm cũng như làm tốt công tác bảo quản sau thu hoạch. Khi đến tay khách hàng, mẫu mã, hình dáng... cũng phải được chú trọng sao cho bắt mắt hơn", Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nhận định.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm