“Trái đắng” lên sàn và nỗi đau của nhà đầu tư

Lên sàn chỉ mới hai ba năm, chưa đem lại lợi ích gì cho nhà đầu tư mà cổ phiếu đã phải hủy niêm yết và kết quả kinh doanh cùng thị giá cực kỳ ảm đạm. Có thể nói vướng phải những cổ phiếu như vậy quả m
“Trái đắng” lên sàn và nỗi đau của nhà đầu tư

Doanh nghiệp muốn cổ phiếu được niêm yết trên các sàn chứng khoán như HNX, HOSE phải đáp ứng các tiêu chuẩn như vốn điều lệ, ROA, ROE, sức khỏe tài chính, cơ cấu cổ đông… Việc được niêm yết mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường, minh bạch thông tin, thu hút nhà đầu tư qua đó có thể huy động được vốn và mở rộng quy mô. Triển vọng, mục tiêu là thế nhưng không ít cổ phiếu vừa mới đặt được chân vào cuộc chơi mới chưa bao lâu thì đã bị đào thải và đem đến cho nhà đầu tư nỗi thất vọng lớn cùng tài khoản bỗng chốc hóa “giấy lộn”.

Một điển hình gần đây chính là cổ phiếu G20 của CTCP Đầu tư Dệt may G.Home. Vào tháng 3/2015, G20 chính thức đưa 9,6 triệu cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường UPCoM và 6 tháng sau thì chuyển lên niêm yết tại HNX với giá tham chiếu 11.300 đồng/CP. Tuy nhiên, chưa tròn 2 năm sau cổ phiếu G20 đã phải rời sân chơi HNX và xuống giao dịch lại tại UPCoM do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính kiểm toán 2016.

Theo đó, một loạt vấn đề trong BCTC kiểm toán 2016 của G20 bị kiểm toán viên từ chối đưa ra ý kiến như khoản trả trước cho người bán ngắn hạn bằng tiền mặt 7,2 tỷ đồng và khoản tạm ứng bằng tiền gửi ngân hàng 1,8 tỷ đồng đối với CTCP Texam, khoản tạm ứng tiền mặt cho cán bộ công nhân viên 15 tỷ đồng, cho các cá nhân vay bằng tiền mặt số tiền 8 tỷ đồng với mục đích phục vụ mục đích cá nhân, hay BCTC năm 2016 của công ty liên kết – Công ty TNHH Golden Vtec – bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến do liên quan đến hàng tồn kho, đến khoản vốn vay của Dệt may G.Home….

Hai năm lên sàn, giá cổ phiếu G20 chỉ có một xu hướng chủ đạo là giảm và giảm. Tính đến phiên ngày 08/8, giá của G20 đang giao dịch ở mức 1.900 đồng/cp, bốc hơi 83% so với mức giá thời điểm chào sàn. Xét về cổ tức thì Công ty có thông báo thanh toán cổ tức năm 2015 tỷ lệ 8% chia làm 2 đợt. Đợt 1 Công ty thanh toán tỷ lệ 5% trả trong tháng 10/2015. Đến tận tháng 1/2017 mới thông báo chi trả nốt 3% đợt còn lại vào ngày 12/1/2017, tuy nhiên do chưa hoàn thành tài khoản và thủ tục thanh toán cho cổ đông chưa lưu ký nên dời đến 24/1/2017.

Như vậy, phần lợi ích mà G20 đem lại cho các nhà đầu tư trót mua cổ phiếu quả là ít ỏi so với phần bị mất đi. Đồng thời, ngay từ lúc mới niêm yết, G20 cũng kịp tăng vốn từ 96 tỷ đồng lên 144 tỷ đồng qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/CP. Đáng chú ý là trong đợt chào bán này cả dàn lãnh đạo cùng cổ đông lớn Tập đoàn G.Home bán sạch quyền mua.

Mới đây, khi cổ phiếu rớt về 3.900 đồng/CP, G20 lại tiếp tục thực hiện phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/CP, nguồn vốn huy động được dự kiến bổ sung vốn hoàn thành xây dựng nhà xưởng và mua máy móc thiết bị cho nhà máy của CTCP Texnam trực thuộc Công ty. Cũng tương tự lần trước, cổ đông lớn G.Home cũng bán hết quyền mua. Song, kết quả khá thảm khi mà không một cổ phần nào trong đợt chào bán nào được mua, tức vốn điều lệ G20 vẫn duy trì ở mức 144 tỷ đồng. Cổ đông lớn sau đợt chào bán vẫn là G.Home sở hữu 3,6 triệu CP (25% vốn) và bà Trần Thị Kiều Nga nắm 26,7 triệu CP (18,5% vốn).

Nói về kết quả kinh doanh thì suốt trong khoảng thời gian từ quý I/2015 đến quý 4/2016, Công ty duy trì trên dưới 2 tỷ đồng, quý khởi sắc nhất là quý III/2017 ghi nhận lãi 4,7 tỷ đồng. Nhưng sang đến quý I/2017 thì lỗ 993 triệu đồng và quý II/2017 bất ngờ báo lỗ khủng 17,5 tỷ đồng do giá vốn quá cao vượt doanh thu.

Trước G20 thì CTCP Khoáng sản và Luyện kim Bắc Á (BAM) cũng khiến nhà đầu tư ăn trái đắng tương tự nhưng khác với G20 là nỗi đau từ từ thì BAM là ngay tức khắc. Chào sàn HNX vào ngày 04/11/2014, cổ phiếu BAM chỉ có vài phiên đầu tăng giá để tăng lên 18.500 đồng/CP và sau đó là chuỗi ngày đổ đèo rơi về mức giá “trà đá” trên dưới 3.000 đồng.

“Lay lắt” đến 10/11/2016 thì BAM chính thức bị HNX tuyên án tử do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin nghiêm trọng. Cụ thể, đến thời điểm bị hủy niêm yết, BAM chưa thực hiện công bố BCTC năm 2015, BCTN 2015, BCTC quý I/2016, BCTC quý II/2016, báo cáo quản trị bán niên 2016, BCTC bán niên 2016. Tính đến lúc bị hủy niêm yết, giá cổ phiếu rớt về mức 1.800 đồng, tức mất đi 87% giá trị.

Sau khi bị hủy niêm yết tại HNX, theo quy định cổ phiếu BAM được chuyển dữ liệu xuống giao dịch trên UPCoM nhưng để bảo vệ lợi ích cổ đông, từ 06/1 HNX đưa cổ phiếu BAM vào danh sách “đen” bị tạm ngừng giao dịch. Kể từ đó đến nay cổ phiếu BAM mất hút trên thị trường, không một thông tin liên quan được công bố và website Công ty thì không thể vào.

Chưa bị hủy niêm yết nhưng cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (FID) và CTCP Dầu thực vật Sài Gòn (SGO) đang nằm trong diện kiểm soát cũng gây thất vọng không kém, hiện giá hai cổ phiếu này đều đã về mức 1.800 đồng sau 2 năm được chấp thuận niêm yết tại HNX.

Theo Ngọc Điểm/ NDH

>> Dệt may G.Home tiếp tục báo lỗ 17,5 tỷ đồng

Có thể bạn quan tâm