Tranh chấp cách tính diện tích căn hộ: Vì sao khó giải quyết?

Tranh chấp về cách tính diện tích căn hộ chung cư đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, Luật chưa có quy định về vấn đề này, dẫn đến hiện tượng “kẻ nói đủ, người bảo thiếu” vẫn tiếp diễn, không có hồi kết, kh
Tranh chấp cách tính diện tích căn hộ: Vì sao khó giải quyết?

Mỗi căn hộ một m2, cả dự án "lời" trăm tỷ

Thời gian qua, việc tranh chấp diện tích căn hộ chung cư ngày càng gay gắt, xảy ra tại nhiều dự án lớn nhỏ.

Nguyên nhân chủ yếu do đa phần khách hàng ít quan tâm đến cách tính diện tích căn hộ khi ký kết hợp đồng. Đến khi nhận bàn giao mới “ngã ngửa” diện tích căn hộ bị thiếu, dẫn đến nội thất mua cho căn hộ không phù hợp khiến khách hàng bức xúc tố cáo chủ đầu tư.

Mới đây nhất là tranh cãi "nảy lửa" giữa cư dân và chủ đầu tư tại dự án Mon City (số 2 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư Địa ốc Hải Đăng ,về cách tính diện tích căn hộ.

Cụ thể, nhiều khách hàng mua căn hộ tại dự án Mon City do Công ty CP Đầu tư Địa ốc Hải Đăng làm chủ đầu tư có đơn tố giác là thiếu diện tích. Theo nội dung phản ánh thì nhiều căn hộ ở đây đã thiếu diện tích so với hợp đồng mua bán từ 1m2 đến 3m2.

Sau khi nhận căn hộ và sử dụng, khách hàng nảy sinh nghi ngờ việc diện tích căn hộ của mình bị thiếu hụt so với diện tích căn hộ đã nêu trong hợp đồng mua bán. Từ nghi ngờ trên, một số khách hàng đã tiến hành kiểm tra lại diện tích căn hộ của mình bằng cách thuê một đơn vị có tính pháp nhân độc lập, có giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ do Nhà nước cấp.

Sau khi đơn vị này tiến hành đo đạc lại thì phát hiện giữa hồ sơ hoàn công, hồ sơ diện tích và diện tích thực tế của một số căn hộ bị thiếu hụt so với Hợp đồng mua bán đã ký trước đó.

Tuy nhiên, trước phản ánh của khách hàng Chủ đầu tư lại cho rằng cách tính diện tích của khách hàng là "có vấn đề".

“Công ty có nhận được đơn đề nghị của khách hàng phản ánh về việc căn hộ của mình có dấu hiệu bị thiếu hụt diện tích so với HĐMB. Tôi là dân chuyên môn, cũng có kiểm tra cách tính của khách hàng và nhận thấy rằng cách tính của khách hàng “có vấn đề”. Đại diện Công ty CP Đầu tư Địa ốc Hải Đăng cho biết.

Căn hộ tại dự án chung cư cao cấp Mon City phải đập tường hộp kỹ thuật mới để vừa cục nóng điều hòa 

Tranh chấp tại Mon City kéo dài đến hiện nay và rất khó giải quyết, do cả hai đều có cái lý về việc tính diện tích căn hộ.

Cũng phải nhìn nhận từ thực tế, phát sinh mâu thuẫn về cách tính diện tích do cách hiểu là khó tránh khỏi và đã từng xảy ra tại nhiều dự án. Tuy nhiên, tranh chấp này dai dẳng và khó giải quyết do luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về việc tính diện tích căn hộ, dẫn đến tình trạng diện tích căn hộ là bao nhiêu là do “cách hiểu” của mỗi người.

Khách hàng cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?

Tranh chấp về diện tích căn hộ sau khi bàn giao cho khách hàng không phải là chuyện gần đây mới xảy ra.

Vào năm 2012, hàng chục cư dân mua nhà tại Keangnam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã khởi kiện chủ đầu tư là Công ty TNHH Keangnam Vina ra TAND quận Nam Từ Liêm sau một thời gian tranh cãi về việc thiếu hụt diện tích căn hộ.

Theo tố cáo của người mua nhà, căn hộ hụt mất 3 m2 theo cách đo quy định trong hợp đồng. Không những thế, diện tích của toàn bộ các cột bê tông chịu lực thuộc hàng khủng và các hộp kỹ thuật thuộc phần sở hữu chung của cư dân đều được Keangnam tính nằm trong diện tích riêng của căn hộ.

Đáng chú ý, việc thiếu hụt diện tích chỉ bị phát hiện sau khi các hộ dân này nộp đủ hết tiền và nhận nhà. Trước đó, Keangnam có trưng bày sản phẩm một số căn nhà mẫu nhưng ngay trước khi bàn giao căn hộ, toàn bộ khu nhà mẫu đã được giải tán không còn dấu vết.

Sau đó, một trong 10 người khởi kiện Chủ đầu tư Keangnam Vina được Tòa án TP. Hà Nội xử thắng kiện tại phiên xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ. Theo đó, tòa án buộc Chủ đầu tư phải hoàn trả người mua toàn bộ số tiền mua căn hộ nộp trước đó là hơn 781 triệu đồng.

CEN Invest bị khách hàng tố đã tự ý nâng mật độ căn/tầng tại Parkview Residence từ 9 lên 10

Vào năm 2017, dự án chung cư Parkview Residence (phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng vướng phải lùm xùm về việc bàn giao thiếu diện tích căn hộ cho cư dân.

Theo thiết kế ban đầu của dự án là 9 căn/tầng, tổng diện tích sàn 67.950 m2, tương đương 627 căn hộ. Tuy nhiên, cư dân phản ánh CEN Invest đã tự ý nâng mật độ căn/tầng tại Parkview Residence  từ 9 lên 10 mà không trình ra được bản thiết kế sửa đổi được phê duyệt. Việc chồng thêm căn trên một tầng khiến diện tích của những căn ban đầu “co lại”, diện tích thiếu.

Tuy nhiên, nghiêm trọng hơn cả là với việc nâng mật độ căn/tầng và chia nhỏ diện tích, cư dân Parkview Residence đang phải đối mặt với việc không được cấp sổ đỏ do thi công sai thiết kế.

Trở lại tranh chấp tại dự án Mon City, với tổng số 900 căn hộ đã được bán, nhiều khách hàng đặt vấn đề về việc chủ đầu tư đã “kiếm” được một khoản tiền có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng từ khoản diện tích thiếu này.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, khiến nhiều chủ đầu tư tìm cách “co dãn” để thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Trước thực trạng này, khách hàng không còn cách nào khác là phải tự bảo vệ quyền lợi ngay từ khâu ký kết hợp đồng.

Theo một chuyên gia pháp lý: “Để tránh rủi ro phát sinh khi có sai lệch diện tích, ngay khi đặt bút ký hợp đồng mua căn hộ, người mua nhà cần làm rõ cách tính và thỏa thuận luôn với chủ đầu tư. Ngoài ra, người mua căn hộ cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin về chủ đầu tư, nên tránh chọn những dự án do chủ đầu tư từng có tranh chấp thực hiện, mà lựa chọn các chủ đầu tư uy tín, có quy định rõ biên độ sai số diện tích chấp nhận được trong hợp đồng để tránh tranh chấp về sau”.

Có thể bạn quan tâm