Trên những bước đường doanh nhân: Chưa về Tây Bắc đã say...

Nếu chỉ đến mảnh đất này với tâm thế của một người khai thác dịch vụ du lịch, hẳn nhiên sẽ ít người nghĩ sâu sa hơn cho đời sống của cộng đồng bản địa.
Trên những bước đường doanh nhân: Chưa về Tây Bắc đã say...

Nếu bạn muốn tìm một sự thử thách để chinh phục thiên nhiên, nếu muốn tìm một nơi chốn để tĩnh lặng, nếu muốn tìm một nơi để khám phá… tất cả sẽ có trong một chuyến đi, điểm đến là Sapa. Đó là cảm nhận của Sapa những mùa xưa cũ. Giờ thì Sapa giống như một cô gái Dao đỏ đã biết làm duyên của phố thị, phai phôi đi ít nhiều nét riêng có. Lựa chọn phát triển du lịch “nóng” hay bền vững, đó không phải là chuyện người Dao có thể bàn đến, dù họ là chủ nhân của nét đặc thù văn hóa và thổ nhưỡng này. Nhưng làm sao để người bản địa có được chỗ của mình trong dòng chảy của đa dạng bản sắc du lịch xứ núi, thì là điều mà những ai làm du lịch có tâm hẳn sẽ phải nghĩ đến.

Người Dao đỏ một thời đã bị hút về thị trấn, học nói những câu tiếng Anh bồi để có thể chào mời khách ngoại quốc. Rồi khi những nhà đầu tư tìm đến Sapa, thị trấn ngổn ngang những công trình xây dựng, cơ hội kinh doanh mở ra như một lực hút khó cưỡng…

Dù muốn dù không, du lịch cũng đã biến đổi mảnh đất này sâu đến độ, người Dao đã thôi không ngơ ngác, họ học cũng nhanh thôi những gì người dân tứ xứ đến nơi này tìm kiếm cơ hội làm sinh sôi những đồng tiền. Có những gia đình trong bản làm rất giỏi chuyện “home stay”, có những đứa trẻ Dao vào nhà hàng làm việc chuyên nghiệp chẳng kém người xuôi.

Nhưng cuộc sống của số đông thì cơ bản vẫn trong một vòng xoáy chẳng có điểm ra, những đồng tiền thu về chưa thể cho đứa con đi học, chưa thể mang đến ánh sáng cho những ngôi nhà ẩn trong vách núi… Trung tâm thị trấn hay những điểm du lịch vẫn còn cảnh người Dao đỏ địu nhau, mẹ địu con, đứa lớn địu đứa bé lang thang theo gót chân khách du lịch, chỉ để xòe ra những sản phẩm không còn là thuần khiết và mời chào. Cứ như vậy cuộc sống của họ trôi đi trong Xuân – hạ - thu- đông…

Nếu chỉ đến mảnh đất này với tâm thế của một người khai thác dịch vụ du lịch, hẳn nhiên sẽ ít người nghĩ sâu sa hơn cho đời sống của cộng đồng bản địa. Những trang phục kết hợp kiểu nửa dân tộc nửa hiện đại xuất hiện nhiều hơn trên phố, những dãy cửa hàng dài bán những sản phẩm truyền thống đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc, những sản phẩm thủ công truyền thống đã lùi xa nơi chốn nào? Điều gì sẽ giữ lại sức sống riêng cho cộng đồng dân sở tại? Cũng là câu hỏi ấy nhưng theo cách, điều gì sẽ khiến cho du khách còn thấy cảm giác say miên man trong thứ men riêng có của sản vật từ đất, và từ con người ?

Lễ hội Rượu – Ẩm thực Tây Bắc tổ chức lần đầu tiên tại Sa Pa, Lào Cai từ ngày 8 -16/7, là một sáng kiến của tập đoàn Sun Group, khi mà đời sống của người Dao đỏ được tái hiện tại một Khu du lịch hiện đại và quy mô lớn như Sun World Fansipan Legend. Sẽ cảm nhận không gian văn hóa Tây Bắc độc đáo bắt đầu từ hương rượu lan tỏa theo gió của những bếp rượu được nấu tại chỗ, từ những món ăn đặc sản thơm ngon hòa trong hương men say cùng những điệu khèn, điệu múa, tái hiện lễ cưới của người Dao đỏ Sa Pa.

Du khách không chỉ háo hức lên với đỉnh cao Fan, mà còn có thể đắm mình với nét duyên, nét đẹp của văn hóa bản địa. Rượu được múc lên bằng những ống tre nhỏ, chiêu ra chén và du khách được mời có thể nhâm nhi từng chút một, để cho men từ thóc ấy lan tỏa thật sâu trong mình. Tiếng khèn như càng đưa người ta trôi lâng lâng giữa những tầng mây… Cặp vợ chồng trẻ bên lò rượu nồng, ngượng ngùng nói không ra những câu tiếng Kinh bình thường, chỉ nhìn vào mắt nhau rồi cùng cười. Có hề chi, nụ cười ấy là đủ cho những tò mò của du khách được khỏa lấp...

Những đứa trẻ Dao đỏ được sinh ra, hũ rượu đã thơm một góc nhà. Dần dà, hương rượu ngấm vào máu thịt, men rượu theo chấm đũa mỗi ngày cùng đứa trẻ lớn lên. Đời cha truyền đời con nối, những hũ rượu năm này qua năm khác chất đầy trong góc nhà, thơm chất ngất, nhất là những ngày cuối năm.

Với đồng bào người Dao đỏ, rượu có ý nghĩa rất đặc biệt, vì vậy, để làm nên thứ rượu thơm, ngon, người nấu phải rất cầu kỳ, kỹ càng từ chọn nguyên liệu đến chế biến. Ngoài việc chọn loại thóc nương ngon, còn phải có thêm các nguyên liệu để làm men lá và nước tinh khiết từ khe núi đá. Khi rượu đã ủ xong, người ta sẽ đem thóc lên men vào nồi để nấu, dùng thứ nước suối từ mạch núi chảy ra để chưng cất lên từng giọt thơm nồng.

Những ngày đầu tháng 7, mưa giăng mắc khắp những triền núi xanh thẳm của Sapa. Cảnh vật nhuốm màu u hoài, may mà mắt du khách gặp được những sắc đỏ thắm rực trên trang phục của người Dao, rồi tự bị hút theo những nhịp chân nhún nhảy, để thấy thị trấn trong mây vẫn sống, một cách riêng có, trong một chiều sâu tâm thức. Sapa cất giữ trong mình “thứ men” để người ta còn muốn say!

Người ta đặt chiếc chảo gang có nước lên trên bếp, rồi để một cái đó (được đục từ gốc cây gỗ lớn) có đường kính từ 70 - 80 cm và chiều cao khoảng 1 m lên trên chiếc chảo, xung quanh viền bịt bằng lá cho kín hơi. Bên trong tiếp tục đặt một cái đó nhỏ bằng gỗ, đẽo theo hình cái máng dài, thuôn nhỏ một đầu dùng để dẫn rượu ra ngoài. Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong và lửa trong bếp cũng được nổi lên, người nấu sẽ làm nốt công việc cuối cùng là đặt chảo gang có chứa nước lạnh lên trên đó, rồi cầu khấn trước nồi rượu mong cho được mẻ rượu ngon.

Nấu rượu cũng là nghệ thuật, đòi hỏi kinh nghiệm, công phu, sự khéo tay của con người. Nấu rượu chủ yếu là phụ nữ, bởi họ khéo tay, biết điều chỉnh độ to, nhỏ của lửa, độ ấm của nước. Phải chăng, vì sự kỳ công này mà người phụ nữ luôn xuất hiện bên bếp lửa nhiều hơn cánh đàn ông? Vì thế mà người ta luôn nói phụ nữ là người giữ và truyền lửa trong mỗi ngôi nhà.

Những hũ rượu sau khi đổ đầy thứ men “ngất ngây” được xếp vào một góc trong căn nhà, xuất hiện trong những bữa ăn và những khi người vùng cao đãi khách… Nấu rượu đã trở thành một nét riêng của người dân nơi đây, rượu khiến họ tình hơn, nhưng rượu cũng khiến họ mỏi mòn bên bếp lửa vùi… Nhưng khi nét riêng có này được khai thác, trở thành một sản phẩm du lịch, thì rượu thóc, rượu táo mèo… lại trở thành thương hiệu của địa phương, thu hút du khách đến thưởng thức và mang theo về trong hành trình hẹn ngày trở lại…

Không khó để kể ra những sản vật được chắt lọc từ tinh hoa núi rừng, nhưng rất khó để đưa sản vật ấy trở thành sản phẩm du lịch được bảo hộ của địa phương… Vậy nên, sẽ còn cần đến những lễ hội để tạo nên sản phẩm văn hóa đặc sắc đón những dòng khách đổ về. Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái, biến di sản văn hoá thành tài sản, tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc cho địa phương và các trải nghiệm về văn hóa cho du khách trong nước và quốc tế... là những mục tiêu to lớn vẫn đặt ra cho cả lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp khai thác du lịch nơi chốn này.

Nhưng những điều ấy, nhiều khi được bắt đầu từ chính việc, người Dao đỏ muốn đến với các sự kiện để tái hiện cuộc sống thường nhật của mình. Họ tái hiện với niềm yêu và tự hào, chứ không phải là một sự phô diễn để thu về một khoản tiền cho bữa chợ. Để họ thấy mình được là chủ của không gian ấy, có khó không!? Câu trả lời, tiếc là vẫn cần thời gian minh chứng… Nhưng những chuyển động trong cách thức tư duy làm du lịch đang bù đắp phần nào cái giá mà người dân bản địa phải trả khi chia sẻ cuộc sống vốn êm đềm và giản đơn của mình…

Có thể bạn quan tâm