Trung Quốc nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài

Hôm nay (29/6), Trung Quốc đã thông báo một loạt lĩnh vực kinh tế sẽ được nới lỏng các quy định đối với đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ đang đến gần.
Trung Quốc nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài

Quy định mới, do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) thông báo, bao gồm các cải cách quan trọng trong lĩnh vực tài chính, đồng thời dỡ bỏ một số hạn chế trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo NDRC, số lĩnh vực bị hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ giảm từ 63 hồi năm ngoái, xuống còn 48. Cụ thể hơn, trong quy định mới, sở hữu vốn của nước ngoài trong các ngân hàng của Trung Quốc được phép tăng lên mức 51% trong 3 năm.

Các hạn chế cũng được dỡ bỏ liên quan đến quyền sở hữu nước ngoài đối với các trạm xăng dầu, hoạt động buôn bán ngũ cốc, hạ tầng điện lực, cũng như các ngành đóng tàu và sản xuất ô tô, máy bay.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực nhạy cảm như văn hóa và an ninh quốc gia vẫn tiếp tục được bảo vệ. Quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 28/7 tới.

Thông báo trên được xem là phản ứng của Bắc Kinh sau khi Mỹ và các nước phương Tây khác than phiền về việc khó tiếp cận với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Tuy nhiên, quyết định trên được đưa ra khi Trung Quốc đang chuẩn bị thực thi luật thuế mới đối với hàng hóa trị giá hàng chục tỷ USD của Mỹ, bắt đầu từ tuần tới, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng.

NDRC cho biết: "Đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ từ bên ngoài, Trung Quốc phải nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy mở cửa, cải cách, phát triển, sáng tạo thông qua mở cửa, và thúc đẩy sự phát triển của toàn cầu hóa kinh tế". Tuyên bố của ủy ban này cho biết hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc với các nước khác và các khu vực "sẽ sâu sắc hơn, với các trao đổi tăng cường về vốn, công nghệ, quản lý, và nhân lực".

Trong một diễn biến khác, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hoan nghênh Trung Quốc ra Sách Trắng với tiêu đề "Trung Quốc và WTO", trong đó khẳng định Bắc Kinh ủng hộ mạnh mẽ tổ chức thương mại đa phương này đóng vai trò lớn hơn trong quản trị kinh tế toàn cầu.

Theo đó, Sách Trắng trên nhằm nêu rõ việc Trung Quốc thực hiện đầy đủ các cam kết của nước này đối với WTO; giải thích những nguyên tắc, lập trường, chính sách của Trung Quốc về hệ thống thương mại đa phương, cũng như công bố tầm nhìn và hành động của Trung Quốc trong việc thúc đẩy mở cửa và cải cách ở cấp độ cao hơn.

Tài liệu này cũng nêu rõ cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của hệ thống thương mại đa phương.

Ngoài ra, Sách Trắng nhấn mạnh Trung Quốc phản đối mạnh mẽ cơ chế bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương, cho rằng chỉ có cơ chế tham vấn bình đẳng và nỗ lực chung mới có thể mang lại kết quả có lợi cho tất cả các bên.

Có thể bạn quan tâm