Trung Quốc quyết định tiêm chủng cho hàng nghìn người trước khi các thử nghiệm hoàn thành

Trung Quốc đang tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 thử nghiệm cho hàng chục nghìn công dân của mình, bất chấp sự lo ngại từ các chuyên gia về tính an toàn của các loại thuốc chưa hoàn thành thử nghiệm tiêu chuẩn.
Trung Quốc quyết định tiêm chủng cho hàng nghìn người trước khi các thử nghiệm hoàn thành

Trung Quốc đã khởi động một chương trình tiêm chủng vắc-xin khẩn cấp vào tháng 7, cung cấp 3 mũi tiêm thử nghiệm được phát triển bởi một đơn vị của Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Quốc Sinopharm và Sinovac Biotech. Loại vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 4 được CanSino Biologics phát triển đã được quan đội Trung Quốc chấp thuận để sử dụng từ tháng 6. 

Bắc Kinh hiện chưa công bố dữ liệu chính thức về sự tiếp nhận vắc-xin của các nhóm thử nghiệm trong nước, chỉ biết rằng họ sẽ bao gồm nhân viên y tế, vận tải và thị trường thực phẩm. Nhưng Tập đoàn China National Biotec Group (CNBG), đơn vị Sinopharm đang phát triển hai loại vắc xin sử dụng khẩn cấp, và Sinovac đã xác nhận rằng ít nhất hàng chục nghìn người đã được tiêm chủng. Ngoài ra, CNGB cũng cho biết họ đã tiêm hàng trăm nghìn liều, trong đó một trong các loại vắc-xin của họ yêu cầu mỗi cá nhân được tiêm 2- 3 mũi. 

Bắc Kinh đã thực hiện một cách tiếp cận công khai từ trên xuống để xác nhận các vắc-xin thử nghiệm và thúc đẩy sự hỗ trợ của cộng đồng. Trong số những người xếp hàng để tiêm thử có cả giám đốc điều hành của Sinovac và Sinopharm cùng giám đốc nghiên cứu của quân đội. 

Chuyên gia trưởng về an toàn sinh học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) trong tuần này tiết lộ rằng bà cũng đã được tiêm vào tháng 4 khi đưa ra thông báo về khả năng có ít nhất một số loại vắc-xin sẽ sẵn sàng để sử dụng công khai vào đầu tháng 11. “Cho đến này, trong số những người đã tiêm phòng, chưa có một ai bị bệnh,” bà Guizhen Wu nói trên truyền hình nhà nước. “Chương trình tiêm chủng đang hoạt động rất tốt. Chưa có tác dụng phụ nào xảy ra.”

Lo ngại về tính an toàn

Cách tiếp cận này của Trung Quốc đi ngược với cách tiếp cận của nhiều nước phương Tây, nơi mà các chuyên gia cảnh báo không cho phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin chưa hoàn thành thử nghiệm, với lý do thiếu thông tin chắc chắn về hiệu qủa lâu dài cũng như tác dụng phụ tiềm ẩn. 

Anna Durbin, một nhà nghiên cứu vắc-xin tại ĐH Johns Hopkins đã mô tả chương trình sử dụng khẩn cấp của Trung Quốc là “có nhiều vấn đề đáng lo ngại”, cho rằng không thể đánh giá hiệu quả mà không có nhóm đối chứng tiêu chuẩn từ thử nghiệm lâm sàng. 

“Bạn đang tiêm vắc-xin cho mọi người và bạn không biết liệu nó có bảo vệ được họ hay không,” bà Durbin chia sẻ với Reuters, nói thêm rằng những người nhận vắc-xin thử nghiệm có thể sẽ vin vào đó để trốn tránh các biện pháp bảo vệ, ngăn ngừa khác. 

Sự an toàn trong thử nghiệm vắc-xin đã trở thành trọng tâm chú ý vào tuần trước khi AstraZeneca tạm dừng các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối đối với loại vắc-xin Covid-19 tiên tiến nhất đang được phát triển hiện nay. Công ty sau đó đã nối lại thử nghiệm khi nhận được “đèn xanh” từ các cơ quan giám sát và cam kết duy trì tiêu chuẩn khoa học đồng thời sẽ từ chối mọi áp lực chính trị để “đẩy nhanh” quá trình. 

Khách hàng nước ngoài

UAE hiện đã cho phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Sinopharm trong tuần này - cũng là đợt kiểm tra khẩn cấp quốc tế đầu tiên đối với một trong những loại vắc-xin của Trung Quốc, chỉ 6 tuần sau khi bắt đầu thử nghiệm trên người ở quốc gia Ả Rập vùng Vịnh. Các quan chức UAE đã báo cáo về vài tác dụng phụ nhẹ như dự kiến, nhưng không có tác dụng phụ nào nghiêm trọng trong các thử nghiệm đó. 

Nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận tiết lộ với Reuters rằng CanSino đã được một số quốc gia tiếp cận, nhờ vào sự chấp thuận của quân đội đã giúp thu hút sự quan tâm từ nước ngoài. Người này từ chối nêu tên các quốc gia tham gia đàm phán. 

Zhang Yuntao, Phó chủ tịch Tập đoàn China National Biotec Group nói với Reuters rằng công ty của ông đã nhận được sự quan tâm từ nước ngoài để cung cấp khoảng 500 triệu liều vắc-xin thử nghiệm. 

“Trung Quốc rõ ràng muốn định hướng lại câu chuyện mà theo đó họ sẽ được coi là một giải pháp chứ không phải nguyên nhân gây ra đại dịch,” Yanzhong Huang, Thành viên cấp cao về Y tế toàn cầu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ. 

“Trớ trêu thay, câu chuyện đó có thể trở nên thuyết phục hơn khi cách tiếp cận của nước Mỹ, trên hết là của TT Trump đã từ chối cơ hội cho nhiều quốc gia trong việc tiếp cận vắc-xin do Hoa Kỳ sản xuất.” 

TT Philippines Rodrigo Duterte vào thứ Hai (14/9), tuyên bố sẽ ưu tiên Trung Quốc và Nga trong việc mua vắc-xin ngừa Covid-19, nói rằng chính phủ của mình đã đàm phán với cả hai. “Một điều tốt ở Trung Quốc là bạn không cần phải cầu xin hay năn nỉ. Điều sai lầm ở một số nước phương Tây là họ chỉ chú trọng vào lợi nhuận, lợi nhuận và lợi nhuận.”

Nguồn: Reuters

Có thể bạn quan tâm