TS Lê Văn Bảnh: VFA vẫn làm ăn như thời bao cấp

Đã là hiệp hội thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải làm đúng chức năng của mình, không phải cứ tranh mua tránh bán để cuối cùng giá gạo Việt Nam bị thiệt hại.
TS Lê Văn Bảnh: VFA vẫn làm ăn như thời bao cấp

Đó là quan điểm của TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT) trước việc VFA muốn hai Tổng công ty lương thực (Vinafood 1, Vinafood 2) độc quyền bán gạo vào một số thị trường tập trung.

Phải làm đúng chức năng

Sau khi dư luận và nhiều doanh nghiệp lên tiếng phản đối, ngày 20/6, VFA đã có văn bản cho phép tất cả các doanh nghiệp được ký hợp đồng thương mại ở thị trường tập trung với lý do Vinafood 1, Vinafood 2 đã kết thúc giao dịch và ký hợp đồng tập trung với thị trường Malaysia và Bangladesh.

Tuy nhiên, phản ánh trên báo chí, chủ một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay, năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm đàm phán các thị trường tập trung thì VFA lại ra văn bản buộc các doanh nghiệp phải tạm ngừng xuất khẩu vào các thị trường này.

Đến khi Vinafood 1, Vinafood 2 đấu thầu xong thì những đơn vị khác mới được xuất khẩu trở lại.

TS Lê Văn Bảnh: VFA vẫn làm ăn như thời bao cấp ảnh 1

"Đã là hiệp hội thì VFA phải làm đúng chức năng của mình"

TS. Lê Văn Bảnh 

Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối Lê Văn Bảnh khẳng định, chủ trương của Chính phủ hiện nay là làm theo cơ chế thị trường. Thủ tướng cũng nhiều lần chỉ đạo, phải để các doanh nghiệp chủ động buôn bán, cạnh tranh lành mạnh.

"Đối với những đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện thì phải cho họ xuất khẩu gạo, chứ không phải không cho họ ký hợp đồng trực tiếp, bắt phải qua hợp đồng tập trung.

Hiệp hội cứ nói lý lẽ là xuất khẩu tập trung để có số lượng gạo lớn, nhưng cuối cùng thì ai là người làm? Vẫn là Vinafood 1, Vinafood 2 đóng vai trò chủ yếu. Đó là một dạng độc quyền".

Cũng theo TS Lê Văn Bảnh, dù là thị trường tập trung nhưng như thị trường Philippines, họ vẫn để cho doanh nghiệp tự do tìm nguồn hàng rồi tự nhập. Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam không phải e sợ gì nữa.

Trở lại với vai trò của VFA, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối chỉ rõ, khi gặp gỡ Thủ tướng nhân chuyến công tác của ông tại An Giang hồi tháng 3/2017, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng phản đối cách làm của VFA và đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của đơn vị này.

Chẳng hạn: Vai trò của VFA hiện nay là gì? Từ thời bao cấp chuyên mua thu gom cho tới giờ, VFA có chuyển biến gì mới không hay vẫn như vậy? VFA giúp được gì cho các doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải có ý kiến của VFA?

Nói rồi ông Bảnh trả lời: "VFA là hiệp hội của doanh nghiệp thì phải làm đúng chức năng của mình, tham mưu, dự đoán, dự báo giúp doanh nghiệp kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt pháp lý, cơ chế chính sách, cái nào trói buộc thì tháo gỡ để doanh nghiệp làm việc tốt hơn.

Doanh nghiệp làm hiệu quả hơn, đó là thành tích của hiệp hội, chứ không phải hiệp hội giành đăng ký hợp đồng với doanh nghiệp.

Ví dụ, hiện nay Việt Nam xuất khẩu, làm thương hiệu gạo, VFA cần phối hợp với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ có vốn, có nguồn lực để xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để chất lượng gạo tăng lên, xây dựng thương hiệu gạo.

Vai trò của hiệp hội là phải giúp cho doanh nghiệp, còn đằng này VFA cứ chăm chăm lấy cái nào có lợi cho thành viên, cho nhóm của mình.

Từ thời bao cấp tới giờ, không thấy VFA đổi mới gì, vẫn cứ thu gom, các doanh nghiệp thành viên làm rồi đóng góp cho hiệp hội. Mà trước đây, cánh tay VFA còn dài thì họ còn nắm được, giờ giãn ra thì họ tìm cách xiết lại".

Đừng chỉ lo đầu ra

Đề cập đến vai trò của Bộ Công thương, theo TS Lê Văn Bảnh, lâu nay Bộ Công Thương chỉ lo đầu ra mà chưa lo công việc của doanh nghiệp, hiệp hội, sản xuất...

Bởi thế, ông cho rằng cần có sự phối hợp giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT chặt chẽ hơn từ khâu sản xuất, chế biến tới khâu xúc tiến thương mại, tìm thị trường xuất khẩu...

"Nhà nước phải có sự công tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp để họ tâm phục khẩu phục, cái gì ích nước lợi dân, doanh nghiệp phát triển thì nên làm.

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải ưu tiên giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách các bộ, ngành, chuyên ngành thấy gì khúc mắc, trói buộc doanh nghiệp thì phải tháo gỡ.

Vì thế, Bộ Công thương cùng Bộ NN-PTNT cần ngồi lại với doanh nghiệp xem họ kẹt ở chỗ nào, vì sao kẹt, cái nào cần tháo gỡ thì tháo gỡ, không phải lúc nào cũng cầm tay chỉ việc", Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối nhấn mạnh.

Theo Thành Luân/baodatviet.vn

Có thể bạn quan tâm