Từ 2018, chỉ bộ trưởng trở lên mới được sắm xe công

Báo cáo Quốc hội việc thẩm tra các vấn đề ngân sách, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thể hiện sự nhất trí với đề nghị của Chính phủ năm 2018, chỉ bố trí mua xe ôtô công theo chức danh từ cấp
Từ 2018, chỉ bộ trưởng trở lên mới được sắm xe công

Khi thật sự cần thiết phải bổ sung các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu, tiến tới thực hiện khoán chi, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết.

Năm 2018 cũng sẽ không bố trí ngân sách để khởi công, khánh thành các công trình, chi cho hoạt động không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Không ban hành chính sách mới khi không có nguồn lực bảo đảm. Không nợ chính sách chi cho con người.

Nhất trí tăng lương

Đối với chi cải cách tiền lương đa số ý kiến trong Ủy ban thẩm tra tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7% theo nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thực hiện tinh thần nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong điều kiện tăng trưởng kinh tế còn thấp, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thu cân đối của ngân sách Trung ương, đề nghị việc điều chỉnh tiền lương phải gắn liền với việc phân bổ chi trên tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công việc, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công.

Đồng thời, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công gắn với việc cắt giảm chi thường xuyên ngân sách Nhà nước và giao dự toán phải đi đôi với giao biên chế hàng năm.

Việc thực hiện cơ chế này đối với lĩnh vực y tế năm 2018 dự toán chỉ cắt giảm 90 tỷ đồng so với năm 2017, lĩnh vực giáo dục - đào tạo chỉ giảm 153 tỷ đồng so với năm 2017 là khá thấp, theo đó tác động của việc giao tự chủ đến việc giảm chi thường xuyên ngân sách Nhà nước không nhiều.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, căn cứ lộ trình tăng mức lương cơ sở khoảng 7% hằng năm từ nay đến năm 2020, đề nghị Quốc hội cho phép một số địa phương có điều tiết về ngân sách Trung ương trên cơ sở cam kết bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, được sử dụng 50% số dư từ nguồn cải cách tiền lương của địa phương để bổ sung vốn đầu tư phát triển.

Vì qua giám sát cho thấy, nguồn cải cách tiền lương của một số địa phương còn dư khá lớn sau khi đã bố trí đủ thực hiện tăng lương theo quy định và một số chính sách, chế độ chi do Trung ương ban hành nhưng không được sử dụng, gây lãng phí trong khi vốn đi vay rất khó khăn và mức bội chi bị khống chế thấp hơn so với nhu cầu vay vốn

Bội chi cao hơn 2017

Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018 khoảng 3,7%GDP, tăng 0,2% GDP so với năm 2017.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc nâng mức bội chi năm 2018 cao hơn năm 2017 cần có căn cứ lý giải thuyết phục hơn. Theo đó, bội chi ngân sách Trung ương và bội chi ngân sách địa phương đều tăng so với dự toán năm 2017.

Tuy nhiên, do khả năng tăng thu ngân sách còn hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư lớn, nhiều nhiệm vụ chi cần được bảo đảm, nên đa số ý kiến cơ bản tán thành với phương án Chính phủ trình.

Đồng thời, đề nghị trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải giảm chi. Trường hợp tăng thu thì ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Đây là một nguyên tắc quan trọng, cần được quán triệt thống nhất trong điều hành ngân sách Nhà nước trong giai đoạn ổn định ngân sách, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh

Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc giảm mức bội chi xuống 3,5%GDP như năm 2017, theo đó đề nghị Chính phủ rà soát, cắt giảm những khoản chi thường xuyên và chi đầu tư chưa thật sự cần thiết, các khoản bố trí không đúng quy định, tích cực thu hồi nợ thuế.

Liên quan đến nợ công, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, tuy nợ công dự kiến đến cuối năm 2018 vẫn trong giới hạn cho phép, song Chính phủ kiên quyết cần rà soát chặt chẽ các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh vay nợ của Chính phủ, tăng cường quản lý, giám sát vay nợ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công trong điều kiện bức tranh về ngân sách không nhiều khả quan, thiếu vững chắc như dự báo.

Tỷ lệ huy động GDP thông qua thuế, phí vào ngân sách Nhà nước giảm, tỷ lệ thu nội địa tăng thấp, bội chi có xu hướng tăng, khả năng trả nợ gốc của ngân sách Trung ương còn hạn chế.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, đây thực sự là những khó khăn cần tập trung khắc phục trong những năm tới, bảo đảm việc hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 đã đề ra, đặc biệt không để vượt mức trần nợ công 65%GDP đã được Quốc hội quyết định.

Theo Nguyên Vũ/VnEconomy

Có thể bạn quan tâm