Từ 2021, ADB thay đổi khung giá vay cho các nước đang phát triển

Khung định giá mới sẽ mang đến những điều khoản ưu đãi hơn cho các quốc gia dễ tổn thương hơn, ví dụ như các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia đang chuyển đổi từ Nhóm B sang Nhóm C, trong đó có Việt Nam.
Từ 2021, ADB thay đổi khung giá vay cho các nước đang phát triển

Các quốc gia nhận nguồn vốn của ADB được chia thành ba nhóm theo mức thu nhập bình quân đầu người và khả năng trả nợ. Các quốc gia Nhóm A được nhận viện trợ từ Quỹ Phát triển châu Á (ADF) và vốn vay ưu đãi, các quốc gia Nhóm B được tiếp cận cả vốn vay ưu đãi và vốn vay dựa vào thị trường, còn các quốc gia Nhóm C chỉ được tiếp cận các khoản vay dựa vào thị trường.

Những điều khoản tài trợ áp dụng cho các quốc gia Nhóm A và Nhóm B đã được đa dạng hóa với sự kết hợp giữa viện trợ, vốn vay ưu đãi và vốn vay dựa vào thị trường. Các quốc gia Nhóm C có phạm vi thu nhập bình quân đầu người rộng hơn, nhưng tất cả đều áp dụng các điều khoản tài trợ giống nhau.

Trong khung định giá mới, các quốc gia Nhóm C sẽ được chia thành một số tiểu nhóm tùy thuộc vào tổng thu nhập quốc dân (GNI) của họ - thu nhập trung bình thấp, thu nhập trung bình cao, và thu nhập cao. Các tiểu nhóm với thu nhập trung bình cao hơn sẽ trả phụ phí kỳ hạn cao hơn cho các khoản vay có kỳ hạn dài hơn. Ví dụ, các quốc gia thu nhập trung bình cao với GNI bình quân đầu người từ 6.976 USD tới 12.375 USD (theo giá năm 2018) sẽ trả phụ phí kỳ hạn cao hơn tới 30 điểm cơ sở tùy thuộc vào thời hạn vay.

Theo cách tính hiện nay của Tổng cục Thống kê, GDP đầu người Việt Nam chưa tới 2.600 USD/người/năm. Nhưng theo cách tính GDP mới thì thu nhập bình quân đầu người sẽ vào khoảng 3.000 USD/năm.

Hiện Việt Nam vay chủ yếu của nhóm 6 tổ chức tài chính gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

Theo báo cáo của ADB, đến hết năm 2018 các khoản vay của Việt Nam với ADB (bao gồm cả vay ưu đãi, vay thương mại, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật) là khoảng 16,7 tỉ USD, với tổng cộng 544 dự án. Trong số này, chiếm phần lớn nhất là các dự án về giao thông, hơn 5,68 tỉ USD, chiếm 34% tổng số khoản vay. Riêng năm 2018, tổng số vốn cam kết, giải ngân và hỗ trợ kỹ thuật là 881,8 triệu USD.

Từ đầu năm 2019, Việt Nam không còn được tiếp cận nguồn tài trợ ưu đãi vốn vay của ADB và chuyển sang vay thương mại. Hiện nay, tỉ lệ các khoản vay thương mại vẫn thấp so với vay ưu đãi.

Có thể bạn quan tâm