Từ chuyện tàu lá chuối gần 500.000 đồng

Mới đây, một tàu lá chuối tươi được rao bán trên trang Amazon Nhật Bản với giá 2.280 yên, gần 500.000 đồng, tiếp tục làm ngỡ ngàng dân ta.
Từ chuyện tàu lá chuối gần 500.000 đồng

Cũng trên trang này, nếu mua 2 lá giá chỉ còn hơn 400.000 đồng/ lá, mua 3 lá, tổng cộng khoảng 760.000 đồng, nếu cần sử dụng nhiều thì mua theo combo 5 chiếc lá chuối với giá 1.168.000 đồng.

Nếu đảm bảo “đầu ra”, chỉ cần trồng chuối có thể làm đổi đời bao gia đình người Việt Nam. Chưa kể chuối rừng còn nhiều vô kể. Chát với đứa bạn ở quê, nhân tiện kể chuyện lá chuối. Nó ngạc nhiên quá thể, bảo nếu thế mỗi tháng chỉ bán vài chục lá chuối là đủ trang trải cuộc sống. Làng mình nhà nào chuối cũng đầy vườn.

Chiếc lá chuối như thứ bỏ đi ở ta, nhưng lại đắt đỏ ở các nước tiên tiến (cụ thể là Nhật Bản), không có gì lạ lắm. Tất nhiên nguồn gốc của chiếc lá chuối bán trên Amazon kể trên còn đang xác minh (có tin cho rằng đó là giống chuối ở Okinawa (Nhật Bản) chứ không phải chuối Việt Nam).

Trước đây, quả tầm bóp mọc hoang dại khắp nơi ở Việt Nam, sang Nhật có giá 700.000 đồng/kg. Tía tô màu xanh giống Nhật trồng ở Việt Nam xuất khẩu giá 500 - 700 đồng/lá. Cùng với đó, ở Nhật Bản người dân còn thường xuyên mua bèo Tây (lục bình) trong siêu thị về ăn, làm gỏi, chữa bệnh hoặc dùng để lọc nước, giá rất đắt đỏ. Những hộp dầu cao Sao Vàng, cây chổi chít, chiếc nón quai thao... của Việt Nam cũng từng được rao bán trên Amazon, với giá cao đến ngỡ ngàng.

Rồi đây, còn có thứ nào “vớ vẩn” xung quanh ta, lại trở thành của hiếm trong các siêu thị bên trời Tây, trong niềm khao khát của người dân nghèo với những thứ vô cùng thân thiết với họ, lại dễ trồng, nuôi, nhưng lãng quên, rẻ rúng nơi xứ mình?

Nước ta giàu tài nguyên, “rừng vàng, biển bạc”, khí hậu ôn hòa, đặc biệt phù hợp với phát triển nông - thủy sản. Nhưng, nếu người nông dân không được sự soi rọi của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, không được dẫn dắt bởi những cơ chế tốt, thì rất khó thoát ra khỏi cảnh “được mùa nhưng mất giá”, liên tục cần “giải cứu”, chưa nói đến tạo bước đột phá về xuất khẩu.

Thật đáng lo ngại khi đánh giá mới đây của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện có đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta vẫn chưa được xây dựng thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Về xuất khẩu, mặc dù có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu, 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, chủ yếu theo đường tiểu ngạch nên giá trị thấp, thị trường tiêu thụ rất bấp bênh. Nói chung là xuất khẩu nhiều nhưng giá trị chưa cao, lại phụ thuộc thị trường truyền thống.

Điều đó lý giải vì sao chúng ta là quốc gia xuất khẩu gạo và cà phê lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan và Brazil, nhưng khó tạo dựng được những thương hiệu riêng về gạo và cà phê. Thế mới thấy, thương hiệu không hình thành trên những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, hay những khu vườn cà phê mướt mắt, mà cần phải có những “đầu bếp” thượng thừa để chế biến các nguyên liệu thành các sản phẩm vi tế. Nước Mỹ không trồng cà phê nhiều như Việt Nam, Brazil, nhưng họ vẫn tạo dựng thương hiệu Starbucks hay Maxwell House.

Chúng ta không thiếu thương hiệu quốc gia. Vấn đề, làm sao củng cố các tên tuổi đó thành niềm tự hào dân tộc, tạo nền tảng để nâng tầm thành những thương hiệu quốc tế (không riêng nông - thủy sản)? Những thách thức đó phải cần rất nhiều thời gian, nhiều thế hệ chung tay.

Cũng không nên quá bi quan bởi chúng ta vẫn có thể xây dựng nhiều thương hiệu quốc gia, ở các lĩnh vực không phải là thế mạnh tiêu biểu của đất nước. Nhiều quốc gia tài nguyên hạn chế, xuất phát thấp, nhưng họ vẫn biết cách để phát triển kinh tế đất nước, tạo những thương hiệu toàn cầu đình đám, điển hình như Singapore.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hy vọng rồi đây, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh, theo hướng chiều sâu, đa dạng thị trường. Nhiều thương hiệu của Việt Nam sẽ được thế giới biết đến. Nhiều giá trị xung quanh ta được khai thác, định giá chân xác ngay trên “sân nhà”. Lúc đó, không còn nhiều tiếc nuối như chuyện tàu lá chuối, quả tầm bóp, thân phận lục bình mãi buồn bã… “bèo dạt, mây trôi”.

 Theo Thể Thao Văn Hóa

Có thể bạn quan tâm