Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sáng 12/6.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Quá trình thảo luận, góp ý xây dựng Luật, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định tại Điều 42 Dự thảo Luật.

Theo đó trường hợp hết thời hạn thẩm tra chính thức mà Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ban hành hoặc không gửi đến doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế quyết định về việc tập trung kinh tế thì việc tập trung kinh tế được thực hiện để tránh chậm trễ, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Việc tập trung kinh tế phải chuyển từ thẩm định sơ bộ sang thẩm định chính thức là những trường hợp tập trung kinh tế có thể gây tác động hoặc có khả năng gây tác động một cách đáng kể trên thị trường.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần thẩm định kỹ, đánh giá tổng hợp khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng tác động tích cực của tập trung kinh tế để làm cơ sở xem xét, quyết định về việc tập trung kinh tế. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải có trách nhiệm thẩm định chính thức và ra quyết định về việc tập trung kinh tế đúng thời hạn nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh, đồng thời bảo đảm quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia không ra quyết định đúng thời hạn, nếu gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Điều này được quy định tại khoản 3 Điều 41 Dự thảo Luật.

Trước đó, thảo luận về Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao những nội dung mới của Dự thảo Luật. Đặc biệt là việc kiểm soát tập trung kinh tế đã có cách tiếp cận mới.

Đó là kiểm sát tập trung kinh tế theo hướng trao quyền cho các cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế; tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế.

Với những điểm mới này, các hoạt động tập trung kinh tế dự báo sẽ được kiểm soát, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, thị trường và người tiêu dùng.

Theo Pháp luật Việt Nam 

Có thể bạn quan tâm