Vấn đề Brexit: Nội các Anh vẫn chia rẽ về nhiều chủ đề đàm phán

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, tại cuộc họp về chiến lược Brexit ngày 7/2, các thành viên nội các Anh đã có những ý kiến trái ngược nhau về vấn đề đường biên giới với ​Cộng hòa Ireland, một vấn đề đượ
Vấn đề Brexit: Nội các Anh vẫn chia rẽ về nhiều chủ đề đàm phán

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đứng đầu nhóm ủng hộ Brexit "mềm" trong nội các cho rằng những quy định gần gũi và các thỏa thuận thuế quan chặt chẽ với EU có thể giúp ngăn chặn được việc hình thành một biên giới cứng giữa khu vực Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland theo đúng cam kết mà Chính phủ Anh đã đưa ra.

Một số bộ trưởng cũng cho rằng giải pháp kỹ thuật giúp tránh việc kiểm tra tại đường biên giới với Ireland sẽ cần có thời gian để phát triển, do vậy cần kéo dài thời gian tư cách thành viên của Anh trong liên minh thuế quan với EU hiện nay.

Trong khi đó, nhóm bộ trưởng vốn thuộc phe lựa chọn Brexit đứng đầu là Ngoại trưởng Anh Borish Johnson và Bộ trưởng Môi trường cho rằng có thể triển khai ngay các đề án sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề đường biên, tránh phải thiết lập đường biên cứng.

Biên giới với Cộng hòa Ireland cũng sẽ là biên giới giữa EU và Anh, là đường biên ngăn cách thị trường chung EU với thị trường Anh khi nước này rời EU.

Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland cho biết Chính phủ Anh quyết tâm sẽ không áp dụng đường biên cứng mới và sẽ duy trì khu vực tự do đi lại đối với EU.

Tuy nhiên, hiện Chính phủ Anh chưa đề ra kế hoạch cụ thể để tránh thiết lập đường biên giới cứng với sự hiện diện của các nhân viên thuế quan của hai bên tại cửa khẩu.

Nhiều quan chức cấp cao EU nhìn nhận biên giới với Cộng hòa Ireland sẽ nổi lên là vấn đề gây tranh cãi nhất tại các cuộc thảo luận từ nay đến trước hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng Ba tới.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, truyền thông Anh đưa tin giới chính trị gia nước này đồng loạt phản đối đề xuất dự thảo mới của EU về Brexit và giai đoạn chuyển tiếp. Nhiều chính trị gia đã gọi dự thảo đưa ra những quy định về việc trừng phạt Anh nếu vi phạm luật EU trong thời kỳ 21 tháng chuyển tiếp là "không thể chấp nhận nổi."

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng yêu cầu này cho thấy Anh sẽ bị đẩy vào thế "chư hầu" trong giai đoạn chuyển tiếp, không có tiếng nói riêng và phải chịu lép vế.

Khi được chất vấn về việc này tại phiên họp thường kỳ tại Hạ viện, Thủ tướng Anh hứa sẽ có những "phản hồi mạnh mẽ" với EU.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có quá nhiều bất đồng cần giải quyết trong khi chỉ còn khoảng 30 ngày nữa để EU và Anh tìm kiếm sự thống nhất về giai đoạn chuyển tiếp tại cuộc họp thượng đỉnh vào tháng Ba tới, vì vậy Anh sẽ khó có thể đạt được hàng loạt mục tiêu về thời kỳ chuyển đổi để có thể thuận lợi chuyển sang thảo luận về mối quan hệ tương lai cũng như một thỏa thuận Brexit sau cùng.

Gần một năm kể từ khi Anh chính thức kích hoạt theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon, bắt đầu tiến trình đàm phán đưa Anh rời EU, hai bên mới chỉ đạt được thỏa thuận nguyên tắc về hóa đơn "ly hôn" và vấn đề chia tách, vẫn còn rất nhiều bất đồng chưa thực sự được tháo gỡ, trong khi Chính phủ Anh liên tục chịu sức ép về kế hoạch chi tiết cũng như những tính toán cụ thể về những tác động có thể xảy ra.

Trước đó, ngày 7/2, hãng tin Tân Hoa xã dẫn một nghiên cứu mật của các nghị sỹ Anh cho thấy trong mọi tình huống, tất cả các địa phương tại Anh đều chịu tác động tiêu cực từ Brexit khiến Tổng sản phẩm nội địa của mỗi khu vực (GDP) sụt giảm.

Đây cũng là kết quả của một nghiên cứu do Buzzfeed tiết lộ hồi tuần trước vốn gây ra một làn sóng sức ép buộc chính phủ công bố những tài liệu nghiên cứu kể trên.

Chính phủ Anh đã lập tức bác bỏ các thông tin này, đồng thời cho biết đây là những nghiên cứu không toàn diện, chưa tính tới các chính sách của chính phủ cũng như những kết quả đạt được sau quá trình đàm phán.

Theo Vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm