Văn hóa đốt vàng mã đang bị lạm dụng

Việc đốt vàng mã cho ông bà tổ tiên với suy nghĩ "dương sao âm vậy" ngày càng bị lạm dụng với việc đốt nhà, xe, điện thoại… Mê tín đang ẩn dưới vỏ bọc tín ngưỡng
Văn hóa đốt vàng mã đang bị lạm dụng

Trên địa bàn TP HCM, thị trường vàng mã "được mùa" vào thời điểm trước và sau Tết nguyên đán. Sôi động nhất là tại các hẻm khu Hưng Phú, đường Dã Tượng (quận 8), đường Lê Quang Sung (quận 6), khu chợ Bình Tây, đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5). Nhiều người nói đùa khu chợ này có giá hàng tỉ đồng, vì mỗi món vàng mã tại đây có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.

Đốt vàng giả, đốt… tiền thật

Các mặt hàng vàng mã đi cùng nhang, đèn cũng là vật không thể thiếu ở nhiều ngôi chùa, đền để phục vụ nhu cầu của người đi cúng. Đặc biệt những ngày lễ lớn như vía Thần tài, rằm tháng giêng, Vu lan…, các mặt hàng này được bày bán nhan nhản trước cửa chùa, miếu.

Mới đây, trong ngày cúng vía Thần tài (25-2), đủ các loại vàng mã được bày bán hai bên đường trước cổng chùa Ngọc Hoàng trên đường Mai Thị Lựu (quận 1). Bên trong chùa, lò hóa vàng cũng rực lửa. Người đi cúng thi nhau đốt vàng mã. Vợ chồng anh Trần Thế Bình (ngụ quận 2, TP HCM) cho biết đến chùa để đốt vàng mã cầu bình an, may mắn cho gia đình. Khác với nhiều người khác, vàng mã được anh chuẩn bị chỉ là tiền vàng truyền thống, đơn giản.

"Theo tôi, việc đốt vàng mã không phải là sự mê tín mà mang ý nghĩa tinh thần, thể hiện tấm lòng đối với tổ tiên để cầu xin ông bà độ trì trong năm mới. Mặc dù không biết người đã mất có nhận được không nhưng cũng thể hiện sự tưởng nhớ, biết ơn của con cháu. Tuy nhiên, tôi nghĩ lòng chân thành là thứ quan trọng hơn lễ nghi hình thức vì thế, không cần quá cầu kỳ, lãng phí" - anh Bình nhận xét.

Thấy nhiều người đốt vàng mã liền tay không ngơi nghỉ, anh Trương Anh Tuấn (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) phê phán: "Giờ tôi thấy dân mình đốt đủ thứ "vàng mã biến tướng" như: ô tô, nhà cửa, điện thoại... Rẻ thì vài trăm, đắt thì vài triệu đồng. Dù hành động là đốt vàng mã nhưng thực ra họ đang đốt… tiền thật".

Cần luật để tránh lạm dụng

Sư Thích An Nhiên - Ủy viên Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, trụ trì Tịnh viện Thanh Lương (huyện Củ Chi) - cho rằng bản chất việc đốt vàng mã thực ra không xấu; nó là một biểu tượng tâm linh, thể hiện niềm tin của mọi người vào cuộc sống, kính nhớ tổ tiên. Nhưng nhiều người đã lạm dụng việc đốt vàng mã, gây lãng phí lớn.

Theo sư Thích An Nhiên, việc đốt vàng mã đã gắn sâu vào cuộc sống và tiềm thức của người dân. "Nhà nước và các cơ sở Phật giáo cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trong cuộc sống thường ngày lẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc đốt vàng mã khó có thể cấm hoàn toàn nhưng chúng ta có thể khuyến nghị, giải thích ý nghĩa của hành động này để người dân nhận thức đúng. Qua đó, việc đốt vàng mã sẽ được hạn chế ở mức hợp lý, mang ý nghĩa tinh thần tốt đẹp".

Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Chánh văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Hòa thượng Thích Huệ Thông - cũng có ý kiến về Công văn 31 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành. Theo ông, công văn này chỉ hướng dẫn các phật tử và người dân loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Hòa thượng Thích Huệ Thông chia sẻ: "Hiện tại, chúng tôi hy vọng loại bỏ bớt được một phần tình trạng đốt vàng mã trong đời sống tín ngưỡng, nghi lễ. Còn về lâu dài, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có kế hoạch, phương pháp để có tác dụng trong hiện thực".

Theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, tục lệ đốt vàng mã đã xuất hiện từ rất lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ, nên không thể thay đổi, loại bỏ hoàn toàn trong một thời gian ngắn. Do đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có những chương trình mới để triển khai các nội dung trong Công văn 31, cũng như lồng ghép những nội dung này vào các buổi sinh hoạt của giáo hội.

Những chương trình này sẽ tuyên truyền, giáo dục cho Phật tử hiểu rằng tục đốt vàng mã này không phải chánh pháp, đức Phật cũng không dạy điều đó mà nếu là Phật tử làm như vậy thì không đúng.

"Công văn 31 chỉ nhằm mục đích giáo dục, khuyên răn phật tử loại bỏ việc đốt vàng mã, chứ không thể cấm hay ngăn chặn hoàn toàn. Công văn này của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ có thể ảnh hưởng trên phạm vi các cơ sở Phật giáo và giáo dục phật tử. Khi luật pháp quy định rõ ràng thì vấn đề đốt vàng mã mới được giải quyết triệt để" - Hòa thượng Thích Huệ Thông phân tích.

Hòa thượng Thích Huệ Thông nhận định nếu nội dung cấm đốt vàng mã có trong Luật Tín ngưỡng Tôn giáo (vừa có hiệu lực vào đầu năm 2018) thì sẽ đạt được nhiều hiệu quả hơn.

Theo Báo Người Lao Động

Có thể bạn quan tâm