Vàng đang nguội - cơ hội huy động vốn cho nền kinh tế

Mất dần vai trò bản vị (kim loại quý được sử dụng trong thanh toán làm tiêu chuẩn tiền tệ), thời gian gần đây, kênh đầu tư vàng đang trở nên èo uột. Thị trường trầm lắng, nhà đầu tư “quên” bơm tiền và
Vàng đang nguội - cơ hội huy động vốn cho nền kinh tế

Thị trường vàng gần đây rơi vào cảnh “chợ chiều”

Chính phủ thúc giục, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra chiến lược huy động nguồn lực này để sớm phục vụ nền kinh tế. Liệu đây có phải là thời cơ để biến ý tưởng thành hiện thực?

Theo phản ánh thực trạng kinh doanh của nhiều “nhà vàng”, hơn một quý trở lại đây, thị trường vàng khá ảm đạm, thậm chí có người còn nói vàng đang dần dần bị “lãng quên”.

Đánh giá về những phiên giao dịch gần đây, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho rằng, nhu cầu khá trầm lắng khi giá vàng trong nước không ghi nhận thêm bất cứ điều chỉnh tích cực nào. Xuyên suốt phiên, các giao dịch phát sinh chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ.

Ngay phiên cuối tuần vừa qua, giá vàng trong nước ghi nhận lần tăng điểm thứ thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên lưu lượng giao dịch trong ngày được ghi nhận không cùng tỷ lệ với đà tăng của giá vàng. Nhà đầu tư tỏ ra lưỡng lự trước ngưỡng cao được thiết lập trong 2 tuần trở lại đây. Bởi vậy, tâm lý ngóng chờ xu hướng giá ở phiên tiếp theo đã khiến lượng lưu thông trở nên yếu hơn.

Giới kinh doanh cho rằng thường thì với thị trường vàng phải có “sóng” giá mới thấy sự sôi động, còn nếu giá vàng cứ ổn định ở mức như hiện nay thì rất khó hấp dẫn nhà đầu tư, cho dù giá vàng thế giới vẫn có dao động nhất định.

Dù thanh khoản cao, nhưng lợi nhuận ít khiến cho nhiều người cảm thấy “nản” khi đầu tư vào vàng. Hiện nay xu hướng đầu tư của người dân cũng đã thay đổi. Thay vì mua vàng cất vào tủ chờ giá tăng mang ra bán thì họ lại đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản hay gửi tiết kiệm ngân hàng.

Sự thực, nếu đem so sánh với các kênh đầu tư khác, vàng đang tỏ ra “lép vế”. Giả sử với người có tiền nhàn rỗi vào thời điểm đầu năm mà mua vàng để chờ tăng giá chốt lời thì đến nay không đạt được mục tiêu này. Nhưng nếu có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không chỉ có lãi mà còn đảm bảo an toàn cho đồng vốn.

Trước thực tế này, các cửa hàng kinh doanh vàng cũng đang chuyển dịch cơ cấu hàng hóa kinh doanh, chuyển sang đẩy mạnh việc sản xuất vàng trang sức với nhiều mẫu mã hấp dẫn tạo sức hút cho khách hàng. Các chuyên gia nhận định với chính sách quản lý thị trường vàng là giữ ổn định thị trường của Nhà nước, thì xu thế ngày càng đuối của thị trường vàng miếng sẽ tiếp tục kéo dài.

Trong bối cảnh đó, câu chuyện huy động nguồn vàng trong dân để đưa vốn vào phục vụ nền kinh tế lại được đề cập riết róng, cho thấy quyết tâm của Chính phủ về vấn đề này.

Chuyên gia Đào Xuân Tuấn - Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) nhận định việc nhu cầu vàng miếng trong nền kinh tế ngày càng suy giảm, tình trạng vàng hóa được từng bước ngăn chặn, bản thân nền kinh tế không bị tiêu tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, một phần nguồn lực vàng được chuyển hóa phục vụ nhu cầu sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, doanh số mua, bán vàng suy giảm, trong khi đó tiền gửi bằng VND trong hệ thống gia tăng qua các năm. Tuy nhiên, để huy động được vàng trong dân là điều không dễ và chúng ta cần nhìn nhận một cách thẳng thắn những lý do khiến người dân nắm giữ vàng, từ đó tìm cách “gỡ”.

Ông Tuấn sơ lược các nguyên nhân chính như trải qua lịch sử chiến tranh kéo dài và những giai đoạn kinh tế - xã hội thăng trầm, tập quán và tâm lý nắm giữ vàng của người Việt Nam đã được hình thành trong thời gian dài, trở thành thói quen lâu đời và khó thay đổi.

“Trên cơ sở phân tích về những nguyên nhân người dân nắm giữ vàng, có thể thấy giải pháp cốt lõi để huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chính là làm sao để thay đổi thói quen, văn hóa nắm giữ vàng, cũng như giảm động cơ đầu tư, đầu cơ vàng của người dân.

Vàng là tài sản hợp pháp của người dân, việc nắm giữ hay chuyển đổi vàng thành tài sản khác do người dân toàn quyền quyết định. Huy động vàng thông qua chuyển hóa nguồn lực vàng thành tiền, về bản chất, là làm thay đổi thói quen, nhu cầu nắm giữ vàng của người dân, làm suy giảm sức hấp dẫn của vàng miếng, ngăn chặn tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.

Quá trình chuyển hóa dựa trên việc người dân tự quyết định chuyển từ nắm giữ vàng sang tài sản khác, vì vậy, sẽ không gây xáo trộn tâm lý, không tạo ra hiệu ứng kích thích tâm lý đầu cơ vào vàng; đồng thời, sẽ tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhất định do không phải nhập khẩu vàng”.

Thống đốc Lê Minh Hưng khi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng mới đây cũng khẳng định trong những năm qua chúng ta không mất ngoại tệ để nhập vàng, người dân cũng không đổ nguồn lực mua vàng như trước nữa, chuyển hóa nguồn lực vào nền kinh tế. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đã có các giải pháp để huy động nguồn lực vàng, USD trong dân.

“Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp huy động nguồn lực tốt nhất trong điều kiện của chúng ta mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát. Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực nhưng làm sao bảo đảm ổn định”, Thống đốc khẳng định.

Theo Lệ Thúy/CAND

>> “Có môi trường kinh doanh thuận lợi, dân sẽ tự bán vàng, USD để kinh doanh” 

Có thể bạn quan tâm