Vào Yên Tử lễ Phật phải mua vé: Bất hợp lý

Mỗi người đến lễ chùa Yên Tử phải mua vé với giá 40.000 đồng, vé trẻ em 20.000 đồng, điều này khiến du khách vô cùng bức xúc.
Vào Yên Tử lễ Phật phải mua vé: Bất hợp lý

Chùa Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh) được coi là nơi thiêng liêng nên hằng năm, vào những ngày đầu xuân, du khách thường đến đây tham quan, lễ Phật rất đông.

Muốn vào lễ Phật phải xùy tiền ra

Tuy nhiên, năm nay nhiều người dân ngỡ ngàng khi đến Yên Tử vì bị bắt buộc mua vé vào cổng với giá 40.000 đồng/người (trẻ em 20.000 đồng).

Đây là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ninh thu phí (bán vé) vào Yên Tử sau 10 năm dừng thu. Trước đó tỉnh này cũng đã từng thực hiện bán vé vào cổng chùa.

Việc thu phí khiến nhiều người dân bức xúc vì cho rằng xưa nay chùa chiền là chốn linh thiêng, nay con người kinh doanh tận thu đến mức các con nhang đến cửa Phật cũng phải đóng tiền.

Cụ bà Nguyễn Thị Hồng (79 tuổi, quê Bắc Giang) đặt câu hỏi: “Lễ chùa là quyền tự do của mỗi người. Tiền công đức được dùng để tu bổ chùa, vậy tại sao ở đây lại thu thêm khoản phí vãng cảnh chùa vô lý như vậy?”. Anh T.V. Nam (25 tuổi, quê Hải Dương) cho biết: “Đến Yên Tử chúng tôi mất rất nhiều khoản phí như gửi xe, phí cáp treo, xe điện, phí tham quan… Trong đó, chúng tôi bức xúc nhất là phí tham quan vì quá đắt và không hợp lý”. 

Ông Giáp Văn Phúc (59 tuổi, quê Bắc Giang) thì bức xúc: “Đầu năm người dân đi lễ chùa để cầu phúc, cầu an mà lại mất tiền mua vé thì quá vô lý. Sang năm tôi sẽ không đến Yên Tử nữa!”.

Lý do thu phí liệu có thuyết phục?

Theo Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử (BQL), khoản phí thu được sẽ chi 20% để đảm bảo hoạt động của bộ máy BQL, 80% còn lại nộp ngân sách nhà nước. Số nộp ngân sách này để bổ sung nguồn lực cho TP Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử. Cụ thể, số tiền này sẽ chi cho quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường...

Giá vé nhiều dịch vụ được ghi rõ trên biển hướng dẫn du khách trước khi vào mua vé. 

Trả lời VNN, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Hợp cho biết giá vé hiện hành đã được tỉnh cân nhắc, bàn bạc thông qua HĐND tỉnh rất kỹ. Tỉnh không thể xem xét để giảm mức thu xuống thấp hơn được. “Về sự công khai, minh bạch nguồn thu, tỉnh đã có chính sách rõ ràng. Số tiền thu được dùng vào đầu tư hạng mục công trình gì sẽ được tỉnh Quảng Ninh niêm yết công khai, minh bạch” - ông Hợp nói.

Nói về việc này, ông Phạm Quốc Duyệt, nguyên cán bộ ngành văn hóa, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, cho rằng Yên Tử là nơi tâm linh lớn nhất Quảng Ninh nên việc thu phí ở đây là không hợp lý. “Người dân khi đi lễ chùa thường có tiền công đức, đây là nguồn tiền dùng để tu bổ di tích. Du khách đến vịnh Hạ Long là để du lịch, còn đến Yên Tử bằng cái tâm và để cầu nguyện” - ông Duyệt nói. 

Đại đức Thích Đạo Hiển, Phó ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Việc thu phí vãng cảnh chùa Yên Tử là quyết định của HĐND tỉnh Quảng Ninh. Vừa qua GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cũng có góp ý về vấn đề này nhưng không được tiếp thu, họ cho rằng thu phí để góp phần trùng tu tôn tạo chùa. Tuy nhiên, trong bao năm qua, việc trùng tu tôn tạo chùa đều lấy kinh phí từ quỹ xã hội hóa GHPGVN tỉnh huy động nguồn từ công đức nhân dân. Tiền phí này chủ yếu phục vụ mục đích quản lý của chính quyền”.

Để hợp lý, Đại đức Thích Đạo Hiển cho rằng người dân dùng dịch vụ gì thì trả phí dịch vụ đó, nếu thu thêm phí vãng cảnh sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí. “Người dân đi lễ Phật để bày tỏ niềm tin. Họ đi lễ thể hiện đức tin với Phật nhưng lại yêu cầu họ nộp phí vãng cảnh là bất hợp lý. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng nhưng không được tiếp thu” - Đại đức Thích Đạo Hiển nói.

HĐND ra nghị quyết thu phí hẳn hoi

Ngày 13-12-2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết về quy định thu phí, lệ phí, trong đó có việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử. Theo đó, từ ngày 1-1-2018, tỉnh sẽ thực hiện việc thu phí tham quan danh thắng Yên Tử với giá vé 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em; việc miễn, giảm phí được áp dụng cho một số trường hợp theo chính sách của Nhà nước.

Theo Cù Hiền/Báo Pháp luật TP.HCM

Có thể bạn quan tâm