VCCI đề nghị bỏ quy định nhập xe giống Thông tư 20

Ngày 5/9, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải ý kiến một số nội dung về dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ
VCCI đề nghị bỏ quy định nhập xe giống Thông tư 20
Ngày 5/9, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải ý kiến một số nội dung về dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Văn bản do Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phóng ký đề nghị bỏ quy định thành phần hồ sơ phải có bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng. VCCI cho rằng quy định này không khác gì Thông tư 20 của Bộ Tài chính yêu cầu phải có Giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất đang được dư luận phản ánh gần đây. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang đưa dự thảo này để lấy ý kiến của các bộ, ngành. Ông Hoàng Quang Phóng cho biết, thay vì giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho từng doanh nghiệp nhập khẩu xe, nay giấy tờ mới này cũng sẽ do nhà sản xuất cấp cho từng xe thông qua đó các hãng sản xuất hoàn toàn có thể bắt ép doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe từ nhà sản xuất thay vì có thể mua thông qua nhà phân phối. Đây chính là hành vi hạn chế nhập khẩu song song đã bị cấm theo Điều 125.2.b của Luật Sở hữu trí tuệ. VCCI cũng nhấn mạnh Việt Nam là nước đang phát triển, có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu các hàng hóa có nhãn hiệu nổi tiếng. Do đó Điều 125 cho phép nhập khẩu song song là vũ khí của Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong nước chống lại việc thu lợi bằng cách quyết định giá chênh lệch cho từng thị trường của các tập đoàn đa quốc gia. “Việc đặt ra các quy định như Giấy ủy quyền của nhà sản xuất tại Thông tư 20 hay Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất tại dự thảo Thông tư này đã trao một thương quyền quá lớn cho nhà sản xuất tại nước ngoài mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam”, VCCI nhận định. Cũng theo VCCI, việc yêu cầu gây ra khó khăn, thậm chí đến mức không thể đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua phân phối. Theo phản ánh của các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô, chỉ có xe nhập trực tiếp từ nhà máy sản xuất mới có thể có bản chính giấy tờ này đưa về Việt Nam, còn các xe nhập khẩu qua một bên phân phối trung gian thì không thể có. Nhà phân phối buộc phải giữ lại bản chính của giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng nhằm mục đích hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu. VCCI cho rằng nếu một phương tiện không có giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, nhưng vẫn vượt qua được vòng kiểm tra nghiêm ngặt của cơ quan Đăng kiểm Việt Nam, tức vẫn đáp ứng các yêu cầu chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam. Không có lý do gì để không cho một phương tiện như vậy được tham gia lưu thông. Kể cả trong trường hợp phương tiện không có bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đi kèm xe thì cơ quan đăng kiểm của Việt Nam vẫn có thể tra cứu các thông tin này thông qua số VIN của xe VCCI khẳng định, việc quy định trên tức là đã yêu cầu một phương tiện phải được kiểm tra hai lần, với nhiều nội dung trùng lặp, không cần thiết, gây tốn kém chi phí xã hội. “Các chi phí này cuối cùng sẽ được chuyển vào giá bán phương tiện đến tay người tiêu dùng. Trong trường hợp phương tiện được kiểm tra tại Việt Nam và không đáp ứng quy chuẩn của Việt Nam thì pháp luật đã có yêu cầu phải tái xuất (trả về). Đây là hình thức quản lý phù hợp…”- VCCI khẳng định. Vì những lý do nêu trên VCCI đề nghị bỏ quy định thành phần hồ sơ phải có bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Theo NDH

Có thể bạn quan tâm