VDSC: Chứng khoán sẽ có kết thúc năm 2018 tốt đẹp

Sự gia tăng của biến động tiền tệ, lợi nhuận kém của các cổ phiếu tại Đông Nam Á, và việc giảm đầu tư trong mùa hè có thể hàm ý rằng thị trường chứng khoán trong khu vực đang ở mức rủi ro thấp.
VDSC: Chứng khoán sẽ có kết thúc năm 2018 tốt đẹp

VDSC kỳ vọng từ tháng 10, cho dù có khả năng căng thẳng địa chính trị gia tăng, thì thị trường chứng khoán vẫn có thể khởi sắc hơn và kết thúc năm 2018 tốt đẹp.

Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận thấy đang có sự chuyển biến rõ nét về mối tương quan giữa VN-Index và các thị trường chứng khoán khác trong 6 tuần qua. Chẳng hạn, hệ số tương quan giữa VNIndex và MSCI Frontier Market Index đã giảm từ +52% (tháng Sáu) về -20%, trong khi với S&P 500 lại tăng lên 30%.

Cùng với đó, tỷ suất sinh lời của các chỉ số trong giai đoạn này cũng xuất hiện sự đảo chiều, với khu vực Nam Á ghi nhận kết quả tích cực hơn khu vực Bắc Á.

Điều gì là nguyên nhân?

Giải thích cho hiện tượng trên, VDSC cho rằng có hai nguyên nhân:

(1) Tỷ suất sinh lợi có xu hướng quay lại mức trung bình – đây là điều khá rõ ràng;

(2) Giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade), đây là nhân tố chính theo đơn vị chứng khoán này.

Mặc dù dòng vốn nước ngoài tiếp tục rút khỏi một số thị trường trái phiếu châu Á trong vòng vài tháng qua, đặc biệt ở Indonesia và Ấn Độ, cơ hội giao dịch chênh lệch lãi suất vẫn còn rất hấp dẫn. Mức độ chênh lệch lãi suất có vẻ vẫn đang "ưu ái" các thị trường trái phiếu châu Á hơn so với các thị trường phát triển, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đồng tiền trong khu vực thị trường mới nổi đang yếu đi.

Chênh lệch lãi suất tại hầu hết các nước Asean, trừ Singapore, đang khiến việc đầu tư trái phiếu trở nên hấp dẫn. Dưới tác động của hiệu ứng lan tỏa (spill-over effect), dòng vốn nước ngoài vào khu vực này cũng sẽ trở lại kênh đầu tư chứng khoán.

Nếu nhìn nhận dưới góc độ tiền tệ, độ biến động ẩn (implied volatility - được suy ra từ dữ liệu tỷ giá hiện tại) đã tăng rất mạnh, không chỉ ở châu Á mà trên toàn thế giới. Điều này cho thấy rủi ro tiền tệ các nước bị phá giá sâu hơn so với USD hầu như đã được thị trường phản ánh (ngoại trừ trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ), VDSC cho biết.

Tóm lại, sự gia tăng của biến động tiền tệ, lợi nhuận kém của các cổ phiếu tại Đông Nam Á, và việc giảm đầu tư trong mùa hè có thể hàm ý rằng thị trường chứng khoán trong khu vực đang ở mức rủi ro thấp. VDSC kỳ vọng từ tháng 10, cho dù có khả năng căng thẳng địa chính trị gia tăng, thì thị trường chứng khoán vẫn có thể khởi sắc hơn và kết thúc năm 2018 tốt đẹp.

Theo Trí thức trẻ

Có thể bạn quan tâm