VEPR: Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng

Theo VEPR, đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi.
VEPR: Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng

Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2017 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố chiều 10/7 cho thấy, trong bối cảnh phục hồi của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam trong Quý II đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực, với mức tăng trưởng 6,17%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,78%). Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,73%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng tốt được cho là động lực chính đóng góp vào sự phục hồi trong Quý II khi đạt đạt mức tăng 2,01% trong nửa đầu năm 2017. Tăng trưởng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp trong nửa đầu năm đạt 2,65%, thậm chí cao hơn mức tăng 2,22% của năm 2015. Riêng ngành thủy sản tăng trưởng mạnh nhờ những thuận lợi về cả thời tiết và giá cả.

Đáng chú ý, tiêu dùng cải thiện mạnh mẽ cả về giá và lượng trong Quý II, tăng trưởng tương ứng 10,1% và 8,4%. Đầu tư phục hồi nhẹ, chủ yếu nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Lượng vốn FDI đăng ký mới tăng vọt lên mức 8,92 tỷ USD trong Quý II, chủ yếu do một số dự án lớn mới được triển khai.

"Đại diện VEPR cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Đã đến lúc nên đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng một cách thực tế, hay là hướng đến một mức tăng trưởng chung đạt cao nhưng có phản ánh thực lực của nền kinh tế hay không?

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, các biện pháp nêu ra để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành. Đặc biệt, ngành dầu khí được chỉ thị tăng cường sản lượng khai thác để tăng mức đóng góp vào GDP.

“Tuy nhiên, việc áp đặt chỉ tiêu cho từng bộ ngành có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, do không tạo ra động lực phát triển cho các thành phần kinh tế”, TS. Nguyễn Đức Thành cho hay.

Nhận xét về Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2017 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) công bố ngày 10/7, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện nay nền kinh tế đang tăng trưởng dưới tiềm năng. Vì thế, Chính phủ muốn đạt mức tăng trưởng năm 2017 ở mức 6,7% là hợp lý và phù hợp với yêu cầu.

Tuy nhiên, theo TS. Lê Đăng Doanh, nếu tăng trưởng năm nay không đạt được như mức Chính phủ đã đề ra sẽ là 2 năm liên tục không đạt được tăng trưởng theo Nghị quyết Quốc hội. Khi đó, chi ngân sách và nợ công vượt ngưỡng đề ra.

TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, tiềm năng để đạt được mức tăng trưởng vẫn là ở mục tiêu cải cách. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước cần phải nâng cao hiệu quả, tăng năng suất, giảm chi phí khi đó hiệu quả đạt được sẽ rất lớn.

“Thủ tướng yêu cầu năm 2017 là năm giảm chi phí, nhưng tôi chưa thấy chi phí nào giảm và giảm ở đâu. Chỉ thấy lãi suất giảm một cách thận trọng, trong khi các chi phí khác như vận tải, chi phí ngoài quy định vẫn còn cao. Giá đất tại một số địa phương đang muốn tăng để tăng thu ngân sách. Cần thực hiện có hiệu quả và kịp thời chỉ đạo của Thủ tướng thì giảm chi phí hoàn toàn ở trong tầm tay”, TS. Lê Đăng Doanh phân tích.

Đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển kinh tế tư nhân, TS. Lê Đăng Doanh lưu ý chủ trương phát triển khu vực này cần phải được xem xét thấu đáo, bởi vì các báo cáo hiện nay đều ghi nhận, kinh tế tư nhân không phát triển được bao nhiêu.

Cụ thể là, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn còn than phiền bởi hiện tượng chính quyền phường-xã, quận-huyện bảo kê cho doanh nghiệp tư nhân nộp thuế khoán.

Trong khi đó, theo Luật Doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể có sử dụng quá 10 lao động phải đăng ký chuyển thành doanh nghiệp. Nhưng quá trình này còn đang gặp khó khăn vì luật quá phức tạp, nhiều hộ cá thể vẫn không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.

TS. Lê Đăng Doanh cũng lưu ý đến khả năng phát triển rất tiềm năng của thị trường chứng khoán: “Nếu thưc hiện tốt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và đưa ra mức giá cổ phiếu hấp dẫn sẽ tăng làm điểm trong thu hút về nguồn vốn cũng như hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”.

Bên cạnh đó, theo TS. Lê Đăng Doanh, việc chi tiêu ngân sách hiện nay còn chưa tiến bộ, nhất là thực trạng hiện nay chi thường xuyên lên đến 71%, mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chưa có chuyển biến. Do đó, việc cần và có thể làm tốt hiện nay để giải quyết tăng trưởng kinh tế vĩ mô chính là tái cơ cấu ngân sách, giảm chi thường xuyên và giảm số lượng công chức.

Có thể bạn quan tâm