Vị đắng từ đầu tư Trung Quốc (*): Philippines lo mất đất

Giá nhà đất ở Manila - Philippines tăng chóng mặt do nhu cầu đột biến từ người Trung Quốc. Thị trường bất động sản vì thế lại dễ "tổn thương" hơn nếu gặp cú sốc lớn.
Vị đắng từ đầu tư Trung Quốc (*): Philippines lo mất đất

Chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể đang trượt vào chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc mà Manila có khả năng phải trả giá trên biển Đông.

Quá phụ thuộc

Đó là cảnh báo do nghị sĩ đối lập Gary Alejano của Philippines đưa ra hôm 8-5 khi ông lên tiếng hối thúc chính quyền nước này minh bạch hơn về các thỏa thuận với Bắc Kinh.

Tờ Phil Star dẫn lời ông Alejano: "Philippines có thể vẫn chưa đứng trước nguy cơ vỡ nợ nhưng việc chính quyền ông Duterte cứ liên tục vay những khoản khổng lồ không kiểm soát từ Trung Quốc để hoàn thành các dự án tham vọng có thể khiến chúng ta rơi vào bẫy nợ, đặc biệt là sẽ chứng kiến cảnh ông Duterte quá phụ thuộc vào Trung Quốc".

Nhà lập pháp này cho rằng Manila đang đối mặt với nguy cơ không chỉ mất các tài nguyên thiên nhiên giá trị và các tài sản chiến lược mà còn cả chủ quyền của mình. Từ đó, Manila cũng có thể sẽ đi đến kết cục tương tự trong câu chuyện tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc.

Ông Alejano vốn nổi tiếng khi có lập trường cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, ông thậm chí từng nộp đơn lên quốc hội Philippines yêu cầu luận tội Tổng thống Duterte vì không làm gì để ngăn chặn Trung Quốc ở biển Đông.

"Trung Quốc như một kẻ cho vay nặng lãi nhẫn tâm. Nước này cho các nước nghèo vay nhưng với lãi suất cực kỳ cao" - ông Alejano chỉ rõ. Theo phân tích của cây viết Tara Francis Chan trên trang Business Insider hồi tháng 3, các khoản vay của Philippines từ Trung Quốc phải chịu mức lãi suất lên tới 2%-3% trong khi mức lãi suất từ Nhật Bản chỉ ở mức 0,25%-0,75%.

Nhiều lo ngại bắt đầu dấy lên khi tình trạng đất tăng giá bùng nổ ở trung tâm tài chính chủ chốt của Manila (Manila Makati) cùng sự xuất hiện ồ ạt của gần 100.000 người Trung Quốc nhập cư. Theo mô tả của Bloomberg, ở khu vực này, ảnh hưởng của Trung Quốc hiện diện khắp nơi, như những nhà hàng bán lẩu và bánh bao Trung Quốc, Trung tâm Thương mại Mall of Asia phát hẳn tiếng Quan Thoại…

Rủi ro dồn tụ

Những cư dân mới nói trên đổ về nơi được mệnh danh là túi tiền của thủ đô Philippines này từ tháng 9-2016 và làm dậy sóng thị trường bất động sản ở đây.

Trong khi các nhà đầu tư Trung Quốc ráo riết thu mua hàng loạt nhà cửa hạng sang ở Hồng Kông, London và New York trong những năm qua để chuyển tiền ra nước ngoài, cơn sốt mới ở Philippines lại xuất phát từ một động lực rất khác: nền công nghiệp đánh bạc bùng nổ của Manila.

Hơn 50 công ty cờ bạc phục vụ cho những con bạc Trung Quốc ở nước ngoài đã được cấp phép hoạt động trong thành phố này kể từ khi chính phủ của ông Duterte bắt đầu cấp phép 19 tháng trước.

Trong khi các hoạt động cá cược có thể tiến hành từ xa, các nhà vận hành sòng bạc địa phương vẫn cần những người nói tiếng Trung Quốc ở Manila để xử lý mọi vấn đề, từ tiếp thị và chăm sóc khách hàng tới thanh toán cho khách hàng nước ngoài. Từ đó, người Trung Quốc dồn về đây đã đẩy giá nhà địa phương lên mức kỷ lục.

Thị trường bất động sản thương mại của Manila như được hồi sinh giữa lúc nhiều doanh nhân đang chuyển đổi các văn phòng, cửa tiệm thành những trung tâm đánh bạc chuyên nghiệp. Và tất nhiên, thị trường nhà đất sôi động cũng khiến công ty trong ngành tại địa phương như Ayala Land Inc. và SM Prime Holdings Inc. mở mày mở mặt.

Theo dữ liệu từ Công ty Địa ốc Santos Knight Frank Inc., tại khu vực vịnh tiếp giáp ở Manila Makati, giá nhà tăng vọt với mức kỷ lục 27% trong 3 tháng cuối năm 2017. Số lượng căn hộ bán ra ở thủ đô cũng tăng tới mức cao nhất chưa từng thấy, với 53.600 căn hộ trong năm 2017.

Trong khi các con số chính thức về những người Trung Quốc tới Manila chưa được tiết lộ, một số nguồn tin nói rằng các nhà vận hành sòng bạc nước ngoài ở Philippines tuyển dụng khoảng 200.000 nhân viên, chủ yếu là người Trung Quốc và hơn một nửa trong số đó đã tới từ cuối năm 2016.

Sự xuất hiện của lực lượng cư dân hùng hậu như vậy hứa hẹn thúc đẩy nền kinh tế của Philippines, đồng thời giúp nước này tăng cường quan hệ với Trung Quốc - vốn là ưu tiên của Tổng thống Duterte.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo điều này cũng khiến thị trường bất động sản dễ bị "tổn thương" trong trường hợp xảy ra những thay đổi đột ngột, chẳng hạn như đánh bạc trực tuyến lên ngôi hoặc những biến động về chính sách di trú từ cả hai nước.

Vùng Johor Bahru của Malaysia hồi năm ngoái từng thấm thía bi kịch về việc phụ thuộc quá mức vào khách mua bất động sản từ Trung Quốc. Sau cơn sốt nhà đất tương tự, Johor Bahru đang vật lộn với những ngôi nhà bỏ trống sau khi Bắc Kinh áp đặt kiểm soát đầu tư vào tài sản nước ngoài và nhu cầu đột ngột tuột dốc.

"Rủi ro dồn tụ có thể là mối lo ngại tiềm tàng" - chuyên gia kinh tế Emilio Neri thuộc Ngân hàng Philippines Islands tại Manila cảnh báo về tình trạng tăng giá bất động sản.

Thế chấp bằng tài nguyên?

Giới chuyên gia và các nhà lập pháp Philippines hồi tháng 3 từng lên tiếng báo động sau khi truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tin Manila dùng tài nguyên thiên nhiên để thế chấp vay tiền từ Bắc Kinh.

Theo báo Inquirer (Philippines), tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc tiết lộ thêm rằng nước này đã cho Philippines vay và tài trợ tổng cộng 7,34 tỉ USD để thực hiện 10 dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Tờ báo dẫn lời chuyên gia Zhuang Guotu thuộc ĐH Hạ Môn nói rằng các khoản vay luôn kèm theo những thỏa thuận chi trả, chẳng hạn dùng một số tài nguyên thiên nhiên thế chấp.

Phản ứng với thông tin này, ông Jay Batongbacal, Giám đốc ĐH Viện Philippines về các vấn đề hàng hải và luật biển, nhận định nếu điều này có thật thì thỏa thuận nói trên sẽ tác động nghiêm trọng đối với lãnh thổ Philippines. Trong khi đó, Nghị sĩ Carlos Isagani Zarate của Philippines cảnh báo cần cảnh giác để tránh rơi vào "bẫy nợ Trung Quốc" và phải đánh đổi nhiều thứ. Trước các luồng thông tin trên, ông Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, đã lên tiếng bác bỏ và cho rằng điều đó không đúng sự thật. 

Theo Đỗ Quyên/Người lao động 

Có thể bạn quan tâm