Vì sao Bình Dương mua lại một trạm thu phí BOT rồi... xóa sổ?

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương quyết định không thu phí trạm BOT để giảm áp lực chi phí cho các doanh nghiệp vận tải và người dân.
Vì sao Bình Dương mua lại một trạm thu phí BOT rồi... xóa sổ?

UBND tỉnh Bình Dương vừa mua lại Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) từ CTCP Vật liệu và Xây dựng Bình Dương và xoá bỏ trạm này khiến cho các doanh nghiệp vận tải, tài xế, người dân vui mừng. Đây là tuyến đường huyết mạch có lượng lớn xe tải, xe container chở hàng đi vào các khu công nghiệp, cảng rất lớn như VSIP 1, ICD Tân Cảng - Sóng Thần… và kết nối trực tiếp các đường đi TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước.

Sau khi mua lại trạm thu phí này, UBND tỉnh Bình Dương triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường dài khoảng 5,3 km, xây bổ sung các cầu vượt tại các nút giao là điểm nóng thường kẹt xe như ngã sáu An Phú, ngã tư 550 và nút giao Sóng Thần. Tổng chiều dài dự án là 12,3 km với vốn đầu tư lên đến 1.330 tỉ đồng song khi dự án hoàn thành, Bình Dương vẫn không mở lại trạm thu phí.

Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cũng đang chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án hạ tầng giao thông từ thu phí hoàn vốn sang không thu phí.  Đơn cử, đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng dài hơn 64 km, là trục đường kết nối quan trọng của Bình Dương và của khu vực Đông Nam Bộ với vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Ngoài ra, hai tuyến đường ĐT 746, ĐT 747B cũng đang được mở rộng thành sáu làn xe với tổng chi phí gần 1.500 tỉ đồng.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết ngoài việc mua Trạm thu phí An Phú để xóa bỏ, tỉnh cũng nghiên cứu các giải pháp huy động khác ngoài ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, tính tới hình thức đối tác công tư (PPP) ở các dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường Thủ Biên - Đất Cuốc, cầu Bạch Đằng 2... 

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương cần khoảng 253.648 tỷ đồng vốn đầu tư cho giao thông vận tải, bình quân mỗi năm cần khoảng 50.730 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chưa có kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Tỉnh này có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, đổi lại, tỉnh sẽ có các chính sách để đảm bảo hoàn lại vốn cho nhà đầu tư nhưng không phải bằng cách thu phí.

Mặc dù mất đi nguồn thu ngân sách đáng kể, song lãnh đạo tỉnh đánh giá việc bỏ bớt trạm thu phí sẽ tạo điều kiện không nhỏ cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, thu hút được các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà máy các khu công nghiệp. 

 >> Phát hiện nhiều sai phạm ở BOT Bắc hầm Hải Vân

Có thể bạn quan tâm