Vì sao Bộ xây dựng muốn bán cổ phiếu VGC cao hơn thị giá?

Theo phương án thoái vốn Nhà nước, Bộ xây dựng sẽ bán bớt gần 80,6 triệu cổ phiếu VGC, tương đương gần 18% vốn nhà nước tại công ty mẹ - Tổng công ty Viglacera – CTCP, với mệnh giá không thấp hơn 26.
Vì sao Bộ xây dựng muốn bán cổ phiếu VGC cao hơn thị giá?

Trong Hội thảo Thoái vốn Nhà nước – Cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Viglacera được tổ chức ngày 25/05, Ban lãnh đạo của Tổng CTCP Viglecera và đại diện của cổ đông lớn Bộ Xây dựng đã có phần trao đổi về phương án thoái vốn đối với nhà đầu tư.

Theo kế hoạch thoái vốn, trong năm 2018, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thoái vốn tại VGC từ 53,97% xuống còn 36%.

Trong giai đoạn 1, Bộ sẽ thoái 80,57 triệu cổ phần, tương ứng với 17,97% vốn điều lệ của VGC cho nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bằng phương thức khớp lệnh trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hoà Nội (HNX).

Giá thoái vốn là giá trần của ngày giao dịch, nhưng không thấp hơn mức 26.100 đồng/cp và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin.

Dự kiến, với mức giá 26.100 đồng/cổ phiếu, Bộ Xây dựng có thể thu về khoảng 2.100 tỷ đồng sau thoái vốn và vẫn còn giữ 36% vốn điều lệ của VGC theo đúng lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty trong giai đoạn 2018 – 2019.

Cổ phiếu VGC đang giao dịch ở mức 24.300 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, VGC đạt mức giá trên 26.000 đồng từ giai đoạn cuối tháng 1/2018, từ đó đến nay VGC luôn giao dịch ở mức dưới 26.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, VGC liên tục bị khối ngoại bán ròng trong thời gian vừa qua.

Lý giải về nguyên nhân đưa ra mức giá cao hơn thị giá, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng giá thoái vốn này không cao, bởi thương hiệu vật liệu xây dựng Viglacera đứng đầu đối với các đơn vị xây dựng, diện tích các khu công nghiệp của Tổng công ty cũng đứng thứ tư với tỷ lệ lấp đầy đứng thứ nhất. VGC có những công ty con năm 2017 trả cổ tức đến 90%.

Cũng theo đại diện của Bộ, đơn vị thẩm định giá đưa ra giá khởi điểm tối thiểu dựa trên 4 phương pháp. Theo dòng tiền chiết khấu, giá cổ phần VGC đạt 11.232 đồng/cp; theo phương pháp so sánh là 21.644 đồng/cp; theo phương pháp tài sản là 21.599 đồng/cp; theo giá trị thị trường là 24.100 đồng/cp (giá bình quân của 30 phiên liên tiếp ngay trước ngày công bố thông tin). Trong đó vị đại diện nhấn mạnh phương pháp tính theo tài sản là quan trọng nhất và Chính phủ ưu tiên nhất.

Lý giải việc dùng phương pháp khớp lệnh trên sàn mà không dùng đấu giá, đại diện Bộ Xây dựng nói VGC đã niêm yết HNX, số lượng cổ phiếu giao dịch nhiều, thanh khoản lớn, tạo thành giá mặt bằng chung. Hình thức đấu giá thích hợp với đơn vị giao dịch trên UPCoM thanh khoản kém.

Với việc thoái vốn lần này, Ban lãnh đạo của VGC kỳ vọng thị giá cổ phiếu sẽ tăng lên với tiềm năng trong dài hạn của Công ty. 

Trong quý I/2018, VGC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.829,6 tỷ đồng và 147 tỷ đồng. So với kế hoạch năm 2018, Công ty đã thực hiện được 20% kế hoạch doanh thu và 15,5% kế hoạch lợi nhuận.

>> Lợi nhuận quý I/2018 Viglacera (VGC) giảm 40% so với cùng kỳ

Có thể bạn quan tâm