Vì sao doanh nghiệp tư nhân không muốn “lớn”?

Có một thực trạng là bên cạnh nhiều doanh nghiệp tư nhân không thể lớn được thì còn có một bộ phận doanh nghiệp tư nhân còn không muốn lớn lên. Điều gì đã đẩy doanh nghiệp tư nhân vào tình cảnh này?
Vì sao doanh nghiệp tư nhân không muốn “lớn”?

Câu hỏi này đã được các diễn giả trả lời trong hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới” do Hội đồng Lý luận Trung ương, HBA và VACOD, tạp chí Thương Gia tổ chức sáng nay (13/4) tại Hà Nội.

Quá nhiều rào cản

“Chúng tôi có dịp trao đổi với hộ kinh doanh gia đình nuôi lợn ở một xã có liên kết với hộ kinh doanh nước ngoài ở Thái Lan, hộ này cho biết, phía Thái Lan cung cấp vốn, giống; còn hộ kinh doanh tại Việt Nam sẽ xây dựng chuồng trại, dịch tễ… Với mỗi kg lợn hơi bán ra, hộ Thái Lan sẽ trả cho hộ Việt Nam 300.000 đồng. Gần đây, mô hình kinh doanh của họ phát triển khá tốt, hộ Thái Lan có mong muốn để hộ Việt Nam nâng cấp mô hình từ cấp xã lên cấp tỉnh và tiến tới lên cấp Quốc gia. Tuy nhiên, khi bàn bạc và xem xét kỹ họ đã quyết định không nâng cấp với lý do phát sinh quá nhiều chi phí không chính thức đối với từng cấp”.

Ví dụ này đã được PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Trường Đại học kinh tế - ĐHQGHN đưa ra để chứng minh cho việc doanh nghiệp không muốn lớn lên. Ở ví dụ thứ hai, ông Sơn lại đưa ra một trường hợp doanh nghiệp chấp nhận “chết yểu” bởi quá nhiều yếu tố: “Một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực phân phối bán lẻ ở Hà Nội cho tôi biết rằng 1 tuần có tới 3 đoàn kiểm tra đến và họ phải dành ra 3 lãnh đạo liên quan để làm việc chưa kể cộng với hững chi phí bỏ ra. Chính vì lý do đó đã khiến cho doanh nghiệp này phải từ bỏ việc kinh doanh”.

Từ những ví dụ trên, ông Sơn đã đánh giá và đưa ra những rào cản cụ thể làm hạn chế khả năng phát triển hoặc gây ra sự “không muốn lớn” hoặc “lớn không được” của khối doanh nghiệp tư nhân.

Thứ nhất là các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh như rào cản về gia nhập thị trường; rào cản đối với tiếp cận thông tin và nguồn lực (vốn, đất đai).

Thứ hai, các rào cản có liên quan đến việc thực thi các quy định đối với hoạt động của khối khu vực kinh tế tư nhân khi vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi các luật này.

Thứ ba, các rào cản liên quan đến chi phí không chính thức, các rào cản liên quan đến sự bất bình đẳng trong cơ chế chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân trong tương quan so sánh với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực FDI; các rào cản do năng lực nội tại thấp và trong nhiều trường hợp, văn hoá kinh doanh còn nhiều bất cập…

Đồng quan điểm, TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI cho biết thêm, hệ thống chính sách pháp luật nhiều điểm chưa nhất quán. Cụ thể như hệ thống chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, hay sự thay đổi trong tư duy hỗ trợ cho DN còn chưa nhiều. “Cách tiếp cận của chúng ta còn “thưởng” cho những người thắng cuộc như nếu có lãi sẽ giảm được thuế thu nhập trong khi đó các nước lại chia sẻ rui ro trong kinh doanh cho doanh nghiệp. Cần xem xét lại” – Bà Hằng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký VCCI còn đưa ra nguyên nhân khác nữa đó là thiếu sự chuỗi phát triển DN. Theo bà Hằng, các khu công nghiệp chưa kết nối được với nhau nên làm cho chi phí kinh doanh rất lớn; trong khi đó tình trạng “lấn sân” của các tập đoàn Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân diễn ra khá rõ....

Giải pháp nào thúc doanh nghiệp tư nhân “lớn lên”?

Để doanh nghiệp tư nhân “chịu lớn”, ông Sơn nhấn mạnh, cần phải nhanh chóng phá bỏ những rào cản mới giúp cho doanh nghiệp tư nhân phát triển được như: Đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo lập môi trường thực sự bình đẳng, dỡ bỏ các rào cản cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; nâng cao chất lượng thể chế và quản trị của khu vực kinh tế tư nhân…

Theo đề xuất của bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần giảm thiểu sự lấn sân của các DNNN đối với khu vực tư nhân đồng thời có chính sách tăng cường phát triển khối doanh nghiệp tư nhân theo cả chiều dọc và chiều ngang, nhằm giải quyết những cản trở chung đối với nền kinh tế vừa tạo nên những đột phát trong phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, để kinh tế tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Việt Nam cần tạo ra nhiều các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, xuất khẩu và hỗ trợ DN nhỏ. Đây chính là yếu tố then chốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, chưa có nước nào phát triển mà nhờ vào nền kinh tế nhà nước. Ở Việt Nam cũng chưa có địa phương nào phát triển mà nhờ vào nền kinh tế nhà nước. Theo ông Cung, những doanh nghiệp tư nhân “lớn lên” được thì lại phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, rất rủi ro...Giải pháp ông Cung đưa ra là cần kiên trì mức thị trường, cần tự do, tự do hơn! An toàn, an toàn hơn trong kinh doanh.

“Cần phải kiên quyết để có thị trường. Cơ chế xin cho phổ biến và tràn lan khắp nơi. Muốn hết cơ chế xin cho này NN cần thay đổi. muốn bỏ xin cho thì cần phát triển ngay nền kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó phải cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tăng quyền khởi kiện của doanh nghiệp bởi hiện có nhiều  chính sách làm doanh nghiệp “chết tức tưởi”” – ông Cung nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp tư nhân, ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đã đưa ra kiến nghị: Thứ nhất, cần sự cam kết từ phía Chính phủ, các Sở, ban ngành về sự minh bạch, về môi trường đầu tư, về quy định pháp luật…

Thứ hai, các chương trình kêu gọi ủng hộ doanh nghiệp, kêu gọi Chính phủ liêm chính cần phải thực hiện được xuống dưới. Bởi vì nhiều khi chủ trương mới chỉ nằm ở cơ quan đầu não chứ chưa đi xuống từng cấp xã, huyện.

“Tôi thiết nghĩ, chúng ta đã có những chỉ cố PCI, rồi chấm điểm bộ, ngành thì nên chăng cũng nên có chỉ số chấm điểm các Sở, Ban, ngành do chính người dân và doanh nghiệp chấm. Có như thế mới thực sự đi sâu đi sát được đến tận cùng giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp” – ông Đoàn nói.

Có thể bạn quan tâm