Vì sao lợi nhuận VPBank “bốc hơi” 131 tỷ đồng sau kiểm toán?

Do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, giảm lãi... nên ngân hàng VPBank điều chỉnh giảm lợi nhuận 131 tỷ đồng, xuống còn 3.935 tỷ đồng sau kiểm toán. Khối nợ nghìn tỷ từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã
Vì sao lợi nhuận VPBank “bốc hơi” 131 tỷ đồng sau kiểm toán?

VPbank phải điều chỉnh giảm 131 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán 

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng vừa công bố BCTC năm 2016 đã được kiểm toán độc lập bởi Công ty Ernst & Young Việt Nam. Một số chỉ tiêu tài chính đã thay đổi so với báo cáo ngân hàng này tự lập trước đó.

Nợ xấu tăng cao, lợi nhuận “hao hụt”

Tại thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của VPBank tăng gần 18% so với đầu năm, đạt 228.770 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 17.177 tỷ đồng và vốn điều lệ năm vừa qua tăng lên mức 9.181 tỷ đồng.

Trong đó, tiền gửi của khách hàng sụt giảm hơn 6.483 tỷ đồng xuống còn 123.787 tỷ đồng, tức giảm gần 5%. Cho vay khách hàng tăng lên 23,82%, đạt mức 142.583 tỷ đồng. Ngoài ra, chứng khoán đầu tư của ngân hàng cũng tăng đáng kể từ 43.965 tỷ đồng cuối năm 2015 lên tới 51.948 tỷ đồng cuối năm 2016. VPBank đã phải trích lập dự phòng rủi ro chứng khoán đầu tư 744,87 tỷ đồng…

Về kết quả kinh doanh, BCTC kiểm toán cho thấy, thu nhập lãi thuần cả năm 2016 tăng mạnh tới 46,5% lên mức 15.167 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng gần gấp đôi lên mức 1.261 tỷ đồng.

Hoạt động dịch vụ ghi nhận lãi gần 853 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Chứng khoán đầu tư báo lãi gần 92 tỷ đồng, giảm 16 tỷ đồng so với báo cáo Quý 4/2016 công bố trước đó. Còn hai hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh đều bị lỗ lần lượt là 319 tỷ đồng và 149 tỷ đồng.

Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng rủi ro tín dụng đạt 10.242 tỷ đồng, tăng tới 60,7% so với năm 2015. Số liệu lãi thuần sau kiểm toán bị giảm 11 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.

Do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh lên tới 5.313 tỷ đồng (năm 2015 chỉ có 3.277 tỷ đồng). Số liệu trích lập dự phòng này tăng thêm 15 tỷ đồng so với trước khi kiểm toán. Do đó tổng lợi nhuận trước thuế của VPbank chỉ đạt 4.929 tỷ đồng và bị giảm 26 tỷ đồng so với báo cáo tự lập.

Tổng lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 đạt 3.935 tỷ đồng, tăng hơn 1.540 tỷ đồng so với năm 2015 và là nhà băng dẫn đầu lợi nhuận ở khối ngân hàng TMCP. Trong khi trước đó VPBank công bố mức lợi nhuận sau thuế 4.066 tỷ đồng. Tức lãi ròng bị “bốc hơi” 131 tỷ đồng sau khi kiểm toán xem xét số liệu tài chính.

Đáng chú ý, việc phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro của VPBank cũng có thay đổi đáng kể sau kiểm toán. Cụ thể, BCTC do ngân hàng tự lập cho biết, tổng nợ xấu đến cuối năm 2016 là 4.040,5 tỷ đồng, chiếm 2,79% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Tuy nhiên, sau kiểm toán, tổng nợ xấu của VPbank phải điều chỉnh tăng thêm 167 tỷ đồng, lên mức 4.207 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng lên mức 2,91% dư nợ.

Trong cơ cấu nợ xấu, tại BCTC tự lập của VPBank nợ nhóm 3 – dưới tiêu chuẩn ở mức 2.320 tỷ đồng (gần gấp đôi năm 2015), nợ nhóm 4 có 828 tỷ đồng và nợ nhóm 5- có khả năng mất vốn là 892 tỷ đồng.

Song BCTC đã kiểm toán, nợ nhóm 3 phải điều chỉnh số liệu tăng thêm 15 tỷ đồng lên 2.335 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng thêm 147 tỷ đồng lên mức 975 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng thêm 4 tỷ đồng lên 896 tỷ đồng… Sau khi nợ xấu được “trả lại tên” thì dư nợ nhóm 2- cần chú ý đã giảm tương ứng 167 tỷ đồng.

“Cứu” nợ cho Hoàng Anh Gia Lai

Theo báo cáo tự lập trước đó, VPBank không ghi nhận 2.957 tỷ đồng giá trị các hợp đồng tín dụng trả chậm được tài trợ bằng nguồn tiền vay các TCTD khác.

Báo cáo đã kiểm toán cho thấy, ngân hàng đã đầu tư gần 52 nghìn tỷ đồng vào chứng khoán đầu tư, trong đó, có hơn 4.136 tỷ đồng chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn. Trong số này, VPBank đã đầu tư hơn 15.089 tỷ đồng vào trái phiếu của các tổ chức tín dụng khác, 21.721 tỷ đồng vào Trái phiếu Chính phủ, 14.022 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

VPbank không thuyết minh cụ thể về danh tính các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp mà ngân hàng hiện đang “ôm” trái phiếu, chỉ cho hay thời hạn trái phiếu các loại từ 1-10 năm, lãi suất từ 5% đến 12,7%/năm… Nhất là các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang đem về cho VPbank khoản thu nhập lãi suất tời 15%/năm.

Dù vậy, theo các tài liệu hiện có, được biết VPBank là một trong số 13 chủ nợ ngân hàng lớn của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) mà thời gian qua, Chính phủ và NHNN cùng các ngân hàng cho vay đã phải thương thảo, tìm cách “giải cứu nợ” cho HAGL.

Như Tạp chí Thương Gia từng đề cập, tổng quy mô nợ vay của HAG tăng nhẹ so với đầu năm, lên mức hơn 27.366 tỷ đồng tính đến cuối năm 2016, mà chủ yếu là nợ vay dài hạn.

Trong số đó, chủ nợ lớn thứ 2 của HAG là Công ty Chứng khoán VPBS của ngân hàng VPBank. Mới đây, khi HAG công bố báo cáo tài chính đã cho biết, VPBS đã thực hiện cơ cấu lại nợ trái phiếu HAG. Cụ thể, số nợ 1.614 tỷ đồng trái phiếu (phát hành ngày 28/11/2014) được giãn thời gian đáo hạn tới khoảng thời gian từ ngày 28/11/2019 đến 28/11/2021.

Khoản nợ trái phiếu 600 tỷ đồng do VPbank và công ty chứng khoán FPT đầu tư (phát hành ngày 27/8/2015) cũng được đáo hạn trả nợ tới ngày 1/8/2019 đến ngày 1/8/2021.

Với việc cơ cấu hàng nghìn tỷ đồng nợ vay cho HAG, ngân hàng VPBank và công ty con đã giảm bớt “gánh nặng” thu hồi nợ trong ngắn hạn. Nhất là giảm bớt áp lực phải thực hiện phân loại nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro cho vay để hạn chế ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của VPbank trong năm 2017.

Hải Hà   

 >> VPBank lãi ròng 2.600 tỷ, nợ xấu vượt trên 3%

Có thể bạn quan tâm