Vì sao Nga quay trở lại bàn cờ Bán đảo Triều Tiên?

Chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 31/5 dường như là dấu hiệu cho thấy Nga không muốn đứng ngoài “ván cờ” trên Bán đảo Triều Tiên – nơi mà Moskva coi là chìa khóa để tiến v
Vì sao Nga quay trở lại bàn cờ Bán đảo Triều Tiên?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Bình Nhưỡng ngày 31/5. Ảnh: TASS

Quan điểm của Nga về vấn đề hạt nhân Triều Tiên

Hồi tháng 1, Tổng thống Nga Vladimir Putin chúc mừng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vì đã thiết lập được một chương trình vũ khí hạt nhân giải quyết được nhiệm vụ chiến lược, đồng thời ca ngợi ông Kim Jong Un là một chính trị gia chín chắn và có năng lực tốt.

Trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên dự kiến tiến hành hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 tới tại Singapore, ông Putin đã cử Ngoại trưởng Lavrov tới thăm Bình Nhưỡng để bày tỏ quan điểm của Nga về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Tại Bình nhưỡng, ông Lavrov đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un, một động thái mà CNN đánh giá là nhằm khẳng định vai trò của Nga trong khu vực.

Trước đó, phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho, ông Lavrov kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên theo giai đoạn, đề xuất rằng phi hạt nhân hóa sẽ chỉ có thể đạt được nếu đồng thời dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

CNN cho rằng bình luận của ông Lavrov có thể gây khó chịu cho Washington, nơi mà mọi nỗ lực đang được thực hiện gấp rút để thuyết phục Triều Tiên bắt đầu tiến trình giải giáp hạt nhân trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong Un.

Chính quyền Mỹ từ lâu đã coi dỡ bỏ trừng phạt tùy thuộc vào ý chí của Triều Tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Mỹ cho rằng Triều Tiên chịu ngồi vào bàn đàm phán là nhờ chính sách gây sức ép tối đa mà Mỹ và cộng đồng quốc tế áp đặt – điều bị Triều Tiên bác bỏ.

Tại Bình Nhưỡng, ông Lavrov cho biết ông hoan nghênh sự liên lạc ngày càng chặt chẽ giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời cho rằng Nga và Triều Tiên cần phải quan tâm hết mức tới những gì đang diễn ra như thiết lập liên lạc, bình thường hóa quan hệ liên Triều, Mỹ-Triều, tránh tâm lý đòi hỏi đạt được mọi thứ ngay lập tức.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga bày tỏ thận trọng về những động thái đột ngột, tăng tốc tiến trình phi hạt nhân hóa thiếu thực tế. Theo ông, tiến trình này cần rất nhiều thời gian.

Vai trò của Nga

Chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Nga chính thức đánh dấu sự trở lại của Nga trong vấn đề Triều Tiên. Đây là chuyến thăm đã lên kế hoạch từ trước nhưng diễn ra vào thời điểm các bên gấp rút tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, một sự kiện lịch sử.

Theo bình luận của USNews, cuộc gặp của Ngoại trưởng Nga với ông Kim Jong un là một phần trong chiến dịch làm ấm quan hệ với Triều Tiên của Nga. Đây là minh chứng mới nhất cho thấy Nga mong muốn tham gia vào cuộc đàm phán quốc tế này và tin rằng Nga có thể đóng vai trò trung gian giữa Bình Nhưỡng, Bắc Kinh và các bên tham gia đàm phán sáu bên về hạt nhân Triều Tiên.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Triều Tiên Ro Yong Ho tại Bình Nhưỡng ngày 31/5. Ảnh: KCNA

Nga và Triều Tiên thiết lập quan hệ cách đây 70 năm nhưng vai trò của Nga với Triều Tiên đã giảm do tầm ảnh hưởng cũng như kinh tế Nga giảm sút vì bị trừng phạt quốc tế.

Ông Bruce Bechtol, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Angelo State, nhận định: “Nga có ảnh hưởng với Triều Tiên ít hơn Trung Quốc, đó không phải là về vấn đề quân sự mà chỉ đơn thuần là kinh tế”. Ông Bechtol nói rõ: Trong Chiến tranh Lạnh, Nga trợ cấp mọi thứ cho Triều Tiên. Từ năm 1991, mọi thứ chấm dứt khi Liên Xô sụp đổ, Nga mở cánh cửa kinh tế tới phương Tây.

Việc Nga có thể đóng vai trò trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay không còn phụ thuộc vào việc Nga có thể thành công trong việc gây ảnh hưởng trong và xung quanh châu Á hay không.

Media player poster frame
Các nhà quan sát chính trị ở Nga cho rằng quan hệ Nga-Triều hiệu quả hơn quan hệ Nga-Trung vì Nga không ở vị trí cần phải gây sức ép kinh tế với Triều Tiên như Trung Quốc. Bà Elizabeth Wishnick, Giáo sư Đại học Montclair State ở New Jersey nhận định: Nga có ít đòn bẩy hơn nhưng nhiều lợi ích kinh tế lâu dài khi hợp tác với Triều Tiên.

Trong khi Trung Quốc phải gia nhập nỗ lực quốc tế gây sức ép kinh tế với Triều Tiên, thì Nga chần chừ áp đặt trừng phạt quốc gia này. Đây là một phần động trong nỗ lực đạt mục tiêu giảm tham vọng của Mỹ tại châu Á.

Giờ đây, Nga coi Bán đảo Triều Tiên là một yếu tố để đạt được các mục tiêu tại châu Á. Theo USNews, một Bán đảo Triều Tiên không bạo lực có lợi cho Nga rất nhiều.

Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và khôi phục hòa bình trong khu vực có thể giúp Nga mở đường ống đưa dầu tới Hàn Quốc cũng như Trung Quốc. Tàu của Nga có thể tiếp cận các cảng của Triều Tiên. Các đoàn tàu từ Hàn Quốc có thể đi qua Triều Tiên để tới Nga rồi tới châu Âu.

Cải thiện quan hệ ngoại giao còn có tác dụng giải quyết các vấn đề của Nga, như tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản để từ đó mở ra cơ hội đầu tư từ Tokyo vào Siberia.

Nga và Trung Quốc sẽ có lợi nếu Mỹ và Triều Tiên có thể đạt được một thỏa thuận hướng tới rút lực lượng Mỹ trong khu vực hoặc giảm tập trận chung với Hàn Quốc. Theo ông Walter Clemens thuộc Trung tâm Davis Nghiên cứu Nga và Á Âu của Đại học Harvard, cả Nga và Mỹ, cùng Trung Quốc đều sẽ hài lòng nếu Triều Tiên đóng băng, giảm bớt hoặc loại bỏ vũ khí hạt nhân.

Quay trở lại với chuyến thăm của ông Lavrov, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga đã bày tỏ lạc quan về vai trò tương lai của Nga trong khu vực, ca ngợi Tuyên bố Panmunjom mà Triều Tiên và Hàn Quốc mới ký kết. Ông Lavrov nói: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ việc thực thi hiệu quả tuyên bố này, đặc biệt là khi tuyên bố đề cập tới các dự án đường sắt có thể liên quan tới Nga trong tương lai”.

Theo Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm