Vì sao quyền mua cổ phần Vietnam Airlines phải đưa lên 'bàn nghị sự' tháng 9?

Việc Bộ GTVT bỏ tiền ra thực hiện quyền mua thực sự là vấn đề nan giải. Không chỉ vì ngân sách sẽ phải chi số tiền lên đến 578 tỷ đồng mà còn khiến phải mua cổ phiếu HVN với giá cao hơn thị giá. Do đó
Vì sao quyền mua cổ phần Vietnam Airlines phải đưa lên 'bàn nghị sự' tháng 9?

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có công văn về việc mua cổ phần của cổ đông Nhà nước khi Vietnam Airlines tăng vốn điều lệ.

Nội dung văn bản cho hay, xem xét đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vào ngày 19/7/2018 và ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước khi Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) phát hành thêm cổ phần tăng vốn điều lệ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến các Bộ GTVT, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2018 để thảo luận và quyết nghị.

Trước đó, Bộ GTVT đã đưa ra đấu giá 371,5 triệu quyền mua cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines thuộc sở hữu của bộ này. Giá khởi điểm cho mỗi quyền mua là 6.026 đồng.

Mặc dù trong phiên đấu giá ngày 22/5 đã có 9 nhà đầu tư mua tổng cộng 262.000 quyền mua với giá trúng bình quân tương đương giá khởi điểm, tuy nhiên sau đó các nhà đầu tư này đã bỏ cọc, không nộp tiền mua cổ phần. Đồng nghĩa, Bộ GTVT không bán được quyền mua nào.

Sở dĩ không có nhà đầu tư nào mặn mà với quyền mua trên là do theo điều khoản của quyền mua, cứ 100 quyền mua được mua 15,5753 cổ phiếu phát hành thêm của Vietnam Airlines với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines.

Theo tính toán của VietnamFinance, cứ 100 quyền mua được mua 15,5752 cổ phiếu nghĩa là cứ mỗi cổ phiếu cần 6,42 quyền mua, tương đương với hơn 38.600 đồng. Mỗi cổ phiếu được mua với giá 10.000 đồng. Như vậy, nếu sử dụng quyền mua, nhà đầu tư cần bỏ ra 48.600 đồng để sở hữu 1 cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines.

6 tháng trở lại đây, chưa lần nào cổ phiếu HVN vượt mốc 48.600 đồng, hầu hết giao dịch ở mức giá dưới 40.000 đồng. Do đó đương nhiên, không nhà đầu tư nào bỏ ra 48.600 đồng để mua một cổ phiếu mà họ có thể mua trên sàn với giá thấp hơn nhiều.

Để xử lý 371,5 triệu quyền mua cổ phiếu trên nhìn chung chỉ còn 2 cách. Một là Bộ GTVT hoãn thực hiện quyền mua để đem ra đấu giá vào một dịp khác thích hợp hơn, kéo theo Vietnam Airlines phải thay đổi kế hoạch tăng vốn điều lệ; nếu quyền mua là có thời hạn thì bộ này phải tiến hành gia hạn theo quy định pháp luật. Hai là Bộ GTVT phải bỏ tiền ra thực hiện quyền mua trên.

Việc Bộ GTVT bỏ tiền ra thực hiện quyền mua thực sự là vấn đề nan giải, bởi không chỉ ngân sách sẽ phải chi số tiền lên đến 578 tỷ đồng, mà như phân tích ở trên, việc thực hiện quyền mua còn khiến Bộ GTVT phải mua cổ phiếu HVN với giá cao hơn thị giá, do đó có thể bị quy trách nhiệm "làm thất thoát vốn nhà nước". Đây là lý do vì sao quyền mua cổ phần Vietnam Airlines phải đưa lên "bàn nghị sự" tháng 9 để Thủ tướng quyết định.

Theo Vietnamfinance

Có thể bạn quan tâm