Vì sao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được đề xuất “về lại” Bộ GTVT?

Do gặp vướng mắc về cơ chế, hiện nay các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích của ngành đường sắt như: Bảo trì, sửa chữa, tuần đường, gác chắn… đang hoạt động mà không có kinh phí, không được ký hợp đồng.
Vì sao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được đề xuất “về lại” Bộ GTVT?

Ngày 17/2, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UB QLVNN) đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hhội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) về những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải xoay quanh yêu cầu nêu trên của Chính phủ.

Được biết, đến thời điểm hiện tại, Tổng Công ty ĐSVN chưa được giao dự toán ngân sách hàng năm cho việc thực hiện dịch vụ công ích (bảo trì, sửa chữa, tuần đường, gác chắn…). Tổng Công ty ĐSVN đang thực hiện những công việc này như thế nào khi chưa được cấp vốn?

Ông Vũ Anh Minh: Thời điểm trước khi Tổng Công ty ĐSVN chưa chuyển về Uỷ ban QLVNN, việc giao dự toán ngân sách hàng năm được Bộ GTVT giao về trước tháng 12. Sau khi được giao dự toán, Tổng Công ty ĐSVN sẽ thực hiện đặt hàng dịch vụ công ích với 20 công ty trực thuộc để thực hiện đảm bảo an toàn chạy tàu (gồm: tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ…).

Tuy nhiên, sau khi Tổng Công ty ĐSVN chuyển về Uỷ ban QLVNN, Bộ GTVT không thể thực hiện việc giao dự toán ngân sách theo cơ chế như trên do vướng Điều 49, Luật Ngân sách Nhà nước về phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước: Sau khi được Chính phủ, Uỷ ban nhân dân giao dự toán ngân sách, các đơn vị dự toán cấp I ở trung ương và địa phương thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới.

Từ ngày 1/1/2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng Công ty ĐSVN đang thực hiện dịch vụ công ích mà không được ký kết hợp đồng. Việc này tiềm ẩn rủi ro an toàn chạy tàu rất lớn.

Do đó, mặc dù không đúng, nhưng Tổng Công ty vẫn phải chỉ đạo 20 doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện các dịch vụ công ích đang làm để đảm bảo an toàn chạy tàu. Nhưng chúng tôi hiểu rằng việc này không thể kéo dài lâu. Vì hiện nay các đơn vị đều báo cáo lên là không có nguồn để chi trả tiền lương cho công nhân, có những đoạn ray hỏng không có tiền mua vật tư.

Nếu như trong quý 1/2020, Tổng Công ty ĐSVN tiếp tục không được giao dự toán ngân sách, chúng tôi buộc phải báo cáo lên Chính phủ dừng chạy tàu vì không đảm bảo an toàn. Đây là việc hết sức cấp bách.

Từ tháng 1/2020 đến nay, mỗi tháng các doanh nghiệp công ích phải “ứng” bao nhiêu tiền để duy trì hoạt động công ích?

Ông Vũ Anh Minh: Trung bình mỗi tháng các doanh nghiệp công ích đang phải bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng cho việc đảm bảo an toàn chạy tàu. Tuy nhiên, nguồn lực này là có hạn.

Như vậy, khó khăn nêu trên xuất phát từ việc Tổng Công ty ĐSVN chuyển sang chịu sự quản lý của UB QLVNN, không thống nhất về cơ sở pháp lý để giao ngân sách bảo trì đang gây ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu? Xin ông phân tích rõ hơn về việc này? 

Ông Vũ Anh Minh: Cần phải khẳng định rằng, việc thành lập Ủy ban QLVNN là chủ trương hoàn toàn phù hợp của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu tách bạch việc quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể thấy trong việc chọn 19 doanh nghiệp đưa về thì có những doanh nghiệp hoạt động công ích không đưa về Uỷ ban QLVNN như: Tổng Công ty bảo đảm hàng hải miền Bắc, Tổng Công ty bảo đảm hàng hải miền Nam, Tổng Công ty quản lý bay…

Tổng Công ty ĐSVN là doanh nghiệp thực hiện một phần sản phẩm công ích vì nhận nhiệm vụ quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt của Nhà nước (không tính vốn doanh nghiệp), chạy tàu dân sinh phục vụ xã hội.

Khi chuyển về Uỷ ban QLVNN thì chúng tôi vẫn được giao nhiệm vụ vận hành, khai thác toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện hữu. Nhưng, kết cấu hạ tầng đường sắt lại thuộc sự quản lý của Bộ GTVT.

Việc này dẫn đến tình trạng “đầu đi chân ở lại” dẫn đến nhiều khó khăn. Tình trạng Bộ GTVT vướng luật Ngân sách dẫn đến không thể giao dự toán ngân sách năm 2020 cho Tổng Công ty ĐSVN thực hiện dịch vụ công ích hàng năm là một trong những khó khăn chúng tôi đang gặp phải. Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa “phủ” được hết những khó khăn này.

Tổng Công ty ĐSVN đã báo cáo lên Uỷ ban QLVNN, Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để tháo gỡ vấn đề cấp bách liên quan đến an toàn chạy tàu hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm