Vietcombank, BIDV và VietinBank sẽ không lo bị “đòi” cổ tức tiền mặt?

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN và Bộ KH&ĐT cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn...
Vietcombank, BIDV và VietinBank sẽ không lo bị “đòi” cổ tức tiền mặt?

Chính phủ vừa ra Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”.

Quyết định có một điểm đáng chú ý được Chính phủ nhắc tới 3 lần khi yêu cầu trách nhiệm đối với Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Cụ thể, với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quyết định nêu rõ Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp cùng với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Còn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và NHNN cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nói trên.

Trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay có 3 ngân hàng đã cổ phần do Nhà nước nắm trên 50% vốn là BIDV, VietinBank và Vietcombank.

Còn 4 ngân hàng do Nhà nước nắm 100% vốn gồm Agribank, OceanBank, GPBank và VNCB. Tuy nhiên Agribank cũng đã có lộ trình cổ phần hóa từ nay đến 2020, trong khi 3 ngân hàng “0 đồng” sẽ có phương án riêng. Mới đây đại diện NHNN cho biết có ngân hàng nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng OceanBank và ngân hàng này đang thực hiện giai đoạn 2 trong quá trình soát xét, đánh giá mang tính toàn diện hoạt động của OceanBank. Vị đại diện cho biết thêm nhà đầu tư nước ngoài lần này rất nghiêm túc với thương vụ và rất muốn quá trình này thực hiện thành công.

Với 2 "ngân hàng 0 đồng" còn lại, hiện cũng có nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vấn đề bước đầu tham gia tái cơ cấu mua lại ngân hàng này và NHNN đã đồng ý cho các nhà đầu tư đó tiếp cận với các ngân hàng để có được thông tin bước đầu đánh giá và có được những quyết định các bước tiếp theo.

Tuy nhiên theo yêu cầu về tăng vốn điều lệ để đáp ứng chuẩn Basel II thì trong những ngân hàng trên chỉ có BIDV, VietinBank và Vietcombank là thuộc trường hợp buộc phải tăng vốn. Thời gian qua các ngân hàng này đã nỗ lực song việc tăng vốn còn gặp khó, trong đó Vietcombank chưa thể bán hơn 7% vốn cho đối tác nước ngoài do giá trên thị trường cao mà ngân hàng lại không được phép bán giá thấp hơn trong khi nhà đầu tư mua lô lớn luôn muốn giá rẻ. BIDV cũng chưa tìm được đối tác để bán tối đa 30% cổ phần như mục tiêu đề ra từ năm 2014 và VietinBank thì chưa nhận sáp nhập xong PGBank do còn vướng mắc về một số vấn đề trong đó có tỷ lệ hoán đổi…

Trong khi việc tìm kiếm nguồn vốn bổ sung còn khó, các ngân hàng này lại phải lo trích lợi nhuận để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, khiến cho con đường tăng vốn đã khó lại chồng thêm khó.

Còn nhớ hồi năm ngoái, đại hội cổ đông của VietinBank và BIDV đã đồng ý sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu để ngân hàng có nguồn vốn giữ lại phục vụ hoạt động kinh doanh cũng như vốn đáp ứng chuẩn Basel II, thế nhưng sau đó Bộ Tài chính lại yêu cầu hai nhà băng này phải trả cổ tức bằng tiền mặt và cuối cùng 2 ngân hàng cũng thuận theo và giúp ngân sách thu về hơn 4.000 tỷ đồng.

Năm nay, nếu như Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu trả cổ tức tiền mặt như nội dung đã được đề cập tại mùa đại hội cổ đông tháng 4 vừa qua thì Vietcombank, BIDV và VietinBank sẽ nộp về cho ngân sách thêm gần 6.000 tỷ.

Tuy nhiên, với quyết định 1058 vừa được Chính phủ ban hành với các yêu cầu về bố trí cân đối nguồn vốn cho các ngân hàng tăng vốn, theo nhận định của TS. Phan Minh Ngọc, trong vòng mấy năm tới đây có lẽ sẽ hiếm khi còn tình trạng Bộ Tài chính “đòi” các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước phải chia cổ tức như đã từng xảy ra vừa qua.

Vị tiến sĩ đồng thời cho biết thêm, tất nhiên là các ngân hàng thương mại này cũng có thể tiếp tục chia cổ tức cho cổ đông Nhà nước nếu họ “ăn nên làm ra”, lợi nhuận thu được vượt mức cần có để bổ sung vốn theo phương án được phê duyệt, nhưng điều này là không chắc chắn và còn tùy thuộc điều kiện thị trường.

Theo Tùng Lâm/ Trí thức trẻ

>> Bộ Tài chính muốn “quản” chia cổ tức tại các ngân hàng

Có thể bạn quan tâm