Vietcombank sẽ “mất” 100 tỷ đồng vì giảm lãi suất

Với việc cắt giảm mạnh lãi suất cho vay lần này, lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết, doanh thu năm 2016 sẽ bị ảnh hưởng, dự tính giảm khoảng 100 tỷ đồng. Được biết, từ ngày 15/10 đến hết năm
Vietcombank sẽ “mất” 100 tỷ đồng vì giảm lãi suất

Với việc cắt giảm mạnh lãi suất cho vay lần này, lãnh đạo ngân hàng Vietcombank cho biết, doanh thu năm 2016 sẽ bị ảnh hưởng, dự tính giảm khoảng 100 tỷ đồng. Được biết, từ ngày 15/10 đến hết năm 2016, Vietcombank đã thực hiện cắt giảm lãi suất ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và doanh nghiệp khởi nghiệp, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn áp dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên hiện còn dư nợ trên 6%/năm sẽ được điều chỉnh giảm về mức lãi suất tối đa 6%/năm, giảm sâu 1%/năm so với hiện tại. Đặc biệt, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được ưu đãi lãi vay 6%/năm cho cả dư nợ vay cũ và vay mới, tức giảm tới 2%/năm so với mức hiện tại. Sự hỗ trợ này dành cho doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm… Vietcombank cũng xem xét điều chỉnh giảm sâu hơn, có thể là 5%/năm đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, sử dụng tổng thể các sản phẩm dịch vụ của nhà băng. Chia sẻ với báo chí, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết ngân hàng hiện đang niêm yết mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường và liên tục có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. “Do dư nợ của 5 lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 35% trên tổng dư nợ của Vietcombank nên việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này chắc chắn có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động Vietcombank trong năm 2016. Dự tính, doanh thu sẽ bị giảm khoảng 100 tỷ đồng”- ông Thành nói, song cho biết Vietcombank sẽ thực hiện nhiều cách như: tiếp tục tiết giảm các chi phí quản lý, cải cách các thủ tục hành chính, áp dụng các chuẩn mực quản trị, cũng như nâng cao năng lực quản trị tài chính để đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh. Cùng với Vietcombank, trước đó, hàng loạt ngân hàng như Sacombank, Hdbank, VIB, BIDV cũng thực hiện giảm lãi suất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Theo đánh giá của ông Nghiêm Xuân Thành, động thái giảm lãi suất lần này có thể kéo giảm mặt bằng lãi suất. Vì hiện nay thanh khoản của các ngân hàng khá tốt, thậm chí các ngân hàng lớn còn dồi dào về thanh khoản. “Việc Vietcombank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn này chắc chắn sự cạnh tranh của các ngân hàng sẽ gia tăng, khiến các ngân hàng tính đến phương án điều chỉnh giảm lãi suất. Đây là thời điểm phù hợp để giảm lãi suất cho các doanh nghiệp bởi hai yếu tố là thanh khoản và chủ trương định hướng của Chính phủ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, doanh nghiệp có khỏe thì ngân hàng mới khỏe được”- Ông Thành phân tích. Việc ép lãi suất về ngang với lãi suất huy động, theo chủ tịch Vietcombank, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng, nhưng chỉ trong ngắn hạn. Còn về mặt dài hạn, các ngân hàng cũng sẽ có những phương thức khác nhau để vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp, vừa làm sao để tiết giảm các chi phí, hỗ trợ đầu vào mà không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2017, căn cứ diễn biến thực tế và chủ trương điều hành vĩ mô, Vietcombank sẽ xem xét mức lãi suất phù hợp và ở mức tốt nhất cho doanh nghiệp. Trước băn khoăn vốn có thể “chảy chỗ trũng” sang ngân hàng có lãi suất huy động cao hơn, ông Thành tỏ ra lạc quan vì 4 ngân hàng quốc doanh hiện chiếm trên 50% tổng huy động nguồn vốn. Các ngân hàng TMCP có huy động cao hay thấp hơn thì cũng phải cho vay ra và tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, nhất là room tín dụng… khiến ngân hàng phải cân đối mức huy động vào. Đến hết 30/9/2016, huy động vốn của Vietcombank từ dân cư đạt 312.000 trên tổng số 573.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 60% và tăng trưởng khoảng 32%... là minh chứng vốn vẫn chảy mạnh vào nhà băng này.

Hải Hà

Có thể bạn quan tâm