Vietnam Airlines bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Kiểm toán viên cho rằng, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, các khoản phải trả.
Vietnam Airlines bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét giữa niên độ 2020, được kiểm toán bởi Công ty Deloitte không có nhiều thay đổi về các chỉ tiêu tài chính và kết quả kinh doanh so với báo cáo tự lập trước đó.

Cụ thể, sau nửa đầu năm, doanh thu của hãng hàng không này đạt 24.944 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến hãng lỗ ròng 6.678 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm, trong khi cùng kỳ lãi 1.517 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dư nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines tính đến thời điểm 30/6/2020 tăng mạnh hơn 5.000 tỷ đồng so với đầu kỳ. Trong đó, Vietinbank hỗ trợ cho vay 288 tỷ đồng, Tẹchcombank cho vay 488 tỷ đồng, BIDV cấp thêm hơn 1.100 tỷ tiền vay ngắn hạn, Vietcombank đứng đầu với dư nợ tăng mạnh lên 3.200 tỷ (so với con số 769 tỷ đầu kỳ), Maritimebank cho vay hơn 303 tỷ ngắn hạn, DongABank cũng tăng dư nợ ngắn hạn từ mức 36 tỷ lên hơn 469 tỷ đồng. Các khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng hiện không được đảm bảo.

Tuy nhiên, bất chấp nhận được sự “tiếp sức” từ các ngân hàng, tại báo cáo lần này, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh tới khoản nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã vượt quá tài sản ngắn hạn, với số tiền là 18.444 tỷ đồng (đến cuối tháng 6). Trong kỳ hoạt động vừa qua, hãng hàng không này cũng ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ 6.678 tỷ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỷ.

Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng hàng không này.

Do đó, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay, khoản phải trả từ ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp cũng như diễn biến của dịch bệnh.

Kiểm toán viên cho rằng, những điều kiện này cùng với khoản nợ trên 18.000 tỷ đồng vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của hãng hàng không lớn nhất Việt Nam.

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, HĐQT và Ban giám đốc đã phải triển khai các kế hoạch ứng phó khủng hoảng để duy trì khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Trong tháng 5 và 6, hãng đã mở thêm 22 chặng bay trong nước, duy trì thị phần khách nội địa. Hãng cũng thực hiện biện pháp tăng chuyến bay chở hàng trong giai đoạn suy giảm vận tải hành khách quốc tế để bù đắp phần thiếu hụt. Ngoài ra, doanh nghiệp đã đàm phán thành công việc giãn, hoãn nợ vay; tìm kiếm các nguồn thu khác như thành lý máy bay, bán và thuê lại máy bay, thanh lý các khoản đầu tư.

Có thể bạn quan tâm