Vinaconex: Nợ xấu tăng trước khi SCIC rút vốn

Chỉ trong 10 ngày đầu tiên của tháng 10, cổ phiếu của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) đã tăng 3,76% bất chấp sự đi xuống của thị trường.
Vinaconex: Nợ xấu tăng trước khi SCIC rút vốn

Điều này được hỗ trợ sau khi thông tin Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) muốn thoái toàn bộ 57,71% vốn điều lệ đang sở hữu tại Vinaconex vào quý IV/2018.

Lợi nhuận 6 tháng 2018 giảm mạnh

Theo báo cáo tài chính quý II/2018, doanh thu thuần Vinaconex 6 tháng đầu năm 2018 đạt 4.158 tỷ đồng, gần như không đổi so với cùng kỳ 2017. Trong đó, 65% đến từ mảng xây lắp, đạt 2.723 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu từ bất động sản, sản xuất công nghiệp và các hoạt động khác. Tuy nhiên, chi phí giá vốn lại tăng 4,26%, từ 3.546 tỷ đồng lên 3.697 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 461 tỷ đồng, giảm 181 tỷ đồng so với cùng kỳ (tương ứng 28,22%).

Doanh thu tài chính tăng 27 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017, trong đó thu lãi tiền vay khoảng 100 tỷ đồng, tăng 10,9 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong quý II/2018, Vinaconex ghi nhận thêm hơn 17 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá trong khi cùng kỳ chưa đến 300 triệu đồng. Tại thời điểm cuối quý II/2018, khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng của doanh nghiệp này là 208 tỷ đồng, giảm 977 tỷ đồng so với đầu kỳ. Ngoài ra Vinaconex còn có 1.987 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, tăng 784 tỷ đồng so với đầu năm.

Về chi phí, tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 là 243 tỷ đồng, gần như không đổi so với cùng kỳ. Kết quả, dù doanh thu tăng nhưng tỷ lệ tăng giá vốn còn cao hơn, nên lợi nhuận sau thuế còn hơn 182,4 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái (363,2 tỷ đồng) và mới đạt gần 38% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nợ xấu gia tăng

Một điểm đáng chú ý khác là tình hình nợ đọng của Vinaconex. Đây cũng là vấn đề làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Vinaconex trong nhiều năm qua.

Theo báo cáo tài chính của Vinaconex, nợ phải thu của doanh nghiệp này có xu hướng giảm, song vẫn khá lớn. Vào thời điểm ngày 31/12/2014, nợ phải thu của Vinaconex là 5.819 tỷ đồng, đến ngày 31/12/2015 giảm xuống còn 5.332 tỷ đồng và đến ngày 31/12/2016 ở mức 5.311 tỷ đồng. Sang năm 2017, con số này có dấu hiệu tăng trở lại, tính đến 30/6/2018 là 5.663 tỷ đồng. Tương ứng với sự gia tăng của nợ phải thu, nợ xấu của Vinaconex cũng tăng thêm 37% trong 6 tháng đầu năm 2018, từ 488,1 tỷ đồng lên 668,9 tỷ đồng.

" 2 khách hàng đang có khoản nợ lớn với Vinaconex là Sở Xây dựng Hà Nội (liên quan đến Dự án Bảo tàng Hà Nội) và Ban Quản lý dự án Thăng Long (liên quan đến Dự án Đường Láng - Hòa Lạc)

Việc nợ xấu gia tăng sẽ khiến Vinaconex sẽ phải trích lập thêm các khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi. Điều này sẽ gia tăng chi phí của Vinaconex và ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Tổng công ty.

Báo cáo tài chính của Tổng công ty từ năm 2014 đến thời điểm 30/6/2017 cho thấy, 2 khách hàng đang có khoản nợ lớn với Vinaconex là Sở Xây dựng Hà Nội (liên quan đến Dự án Bảo tàng Hà Nội) và Ban Quản lý dự án Thăng Long (liên quan đến Dự án Đường Láng - Hòa Lạc).

Cụ thể, vào thời điểm 1/1/2015, Sở Xây dựng Hà Nội nợ Vinaconex 1.601 tỷ đồng, đến thời điểm 31/12/2015 là 88 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 30/6/2018, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn đang nợ Vinaconex 88 tỷ đồng. Như vậy đã hơn 3 năm nay nhưng Sở Xây dựng Hà Nội vẫn chưa thanh toán toàn bộ số tiền nợ cho Vinaconex. Đối với Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị này nợ Vinaconex hơn 60 tỷ đồng, tính đến thời điểm 30/6/2018. Tại thời điểm 1/1/2015 con số này là 147 tỷ đồng.

The baodauthau.vn

Có thể bạn quan tâm