Vinaland có đang “lập lờ đánh lận con đen”?

Kế hoạch rao bán dự án không thành, CTCP Đầu tư bất động sản Việt Nam (Vinaland - VNI) đột ngột tuyên bố sẽ xây dựng dự án và đang bắt tay với đơn vị môi giới huy động vốn bằng hình thức nhận tiền giữ
Vinaland có đang “lập lờ đánh lận con đen”?

Căn hộ Dự án Vinaland Tower đang rao bán trên thị trường

Nhưng khi vụ lùm xùm khiếu kiện của hàng trăm khách hàng mua chứng chỉ nhà ở tiết kiệm của đơn vị này chưa giải quyết rốt ráo thì thị trường vẫn rất băn khoăn trước những động thái mới của Vinaland.

Những kế hoạch dang dở

Báo Đầu tư Bất động sản vừa đăng tải các bài viết “Nguy cơ tan giấc mộng chứng chỉ nhà ở Vinaland” và “Nội chiến tại Vinaland, khách hàng lãnh đủ”, phản ánh việc công ty này phát hành chứng chỉ quyền mua nhà, dưới hình thức khách hàng cho VNI vay tiền như một khoản tiết kiệm để được mua nhà tại các dự án do Công ty làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay đã quá hạn, nhà thì chưa có, tiền không lấy lại được, trong khi đó nội bộ HĐQT Vinaland có nhiều mâu thuẫn, xung đột, rao bán dự án, lơ là quyền lợi của khách hàng.

Sau những bài viết này, ngày 22/12, Công ty Vinaland đã có công văn do ông Trần Bình Long, Tổng giám đốc Công ty ký gửi một số cơ quan truyền thông với nội dung cho rằng, hiện Công ty đang xây dựng án Trung tâm thương mại - Dịch vụ và Chung cư Vinaland Tower tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM.

Công văn này còn nhấn mạnh rằng, “thời gian qua có nhiều thông tin một chiều được đăng tải về chương trình Quỹ tiết kiệm nhà ở và tình hình thực hiện dự án của Công ty, gây hoang mang cho khách hàng đang sở hữu Chứng chỉ quyền mua nhà và uy tín công ty”.

Kèm theo công văn này, Vinaland có thông cáo báo chí với nội dung cho rằng, ngày 12/12/2016, Vinaland đã có thông báo gửi tới toàn bộ khách hàng đang sở hữu chứng chỉ về việc thực hiện trả nợ, trong đó khách hàng có thể lựa chọn phương án tiếp tục quyền mua mua nhà với đơn giá xây dựng gốc hoặc quyền nhận lại tiền cả gốc và lãi theo Quy chế quỹ tiết kiệm nhà ở.

Trong thông cáo báo chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinaland khẳng định: “Trong 2 năm 2015 và 2016, Công ty đã trả nợ được hơn 30 tỷ đồng bằng sạp kinh doanh tại Chợ Phước Long, tức là đã trả được hơn 60% tổng số nợ của khách hàng chứng chỉ”.

Trước hết, cần ghi nhận phản ứng kịp thời của Vinaland về động thái thể hiện trách nhiệm với khách hàng sau khi có sự phản ánh của truyền thông. Tuy nhiên, xâu chuỗi lại sự việc, động thái của Vinaland có khá nhiều điều cần tiếp tục giải thích.

Chỉ mới cách đây hơn 1 tháng, vào ngày 5/11/2016, Công ty Vinaland đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thảo luận và biểu quyết kế hoạch chuyển nhượng 2 dự án Vinaland Tower và dự án Chợ Phước Long (quận 7, TP.HCM) với mức giá chuyển nhượng được ấn định đối với dự án Vinaland Tower là 140 tỷ đồng và chuyển nhượng dự án chợ Phước Long với giá 250 tỷ đồng.

Động thái này bị các khách hàng cho rằng đã không hề đả động gì đến quyền lợi của họ. Những nội dung này sau đó đã không được thông qua do không nhận được sự đồng thuận của cổ đông. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tháng, kế hoạch của Vinaland đã có sự thay đổi khá bất ngờ như trên.

Chưa hết, theo như khẳng định của ông Trần Bình Long: “Trong 2 năm 2015 và 2016, Công ty đã trả nợ được hơn 30 tỷ đồng bằng sạp kinh doanh tại Chợ Phước Long, tức là đã trả được hơn 60% tổng số nợ của khách hàng chứng chỉ”. Việc Vinaland gán nợ của khách hàng mua Chứng chỉ nhà ở đổi lấý sạp kinh doanh tại chợ Phước Long là một hình thức chuyển khoản vay tiết kiệm nhà ở sang góp vốn để sở hữu sạp chợ. Tuy nhiên, có một câu hỏi cần được đặt ra ở đây là vì sao dự án chợ Phước Long đã chuyển nhượng hầu hết sạp cho tiểu thương, nhưng tại Đại hội đồng cổ đông vẫn đặt vấn đề chuyển nhượng tới 250 tỷ đồng? Có phải là Công ty định chuyển nhượng tài sản không thuộc sở hữu của mình? 

Dự án còn tranh chấp kéo dài mà đã được rao bán, nhận đặt tiền giữ chỗ 

Cẩn trọng với những bất thường

Kế hoạch rao bán dự án không thành, Vinaland công bố kế hoạch mới là sẽ chuyển sang xây dựng dự án. Tuy nhiên, kế hoạch mới này lại cho thấy những điều không bình thường khi dự án Vinaland Tower vẫn còn nằm trên giấy, nhưng Vinaland đã âm thầm bắt tay với một số đơn vị môi giới lên kế hoạch bán căn hộ dự án này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những kế hoạch của Vinaland gần đây là “bắt tay” với CTCP Đô Thành Land tiến hành nhận giữ chỗ của khách hàng mua sản phẩm dự án Vinaland Tower.

Mặc dù trong phiếu giữ chỗ của Đô Thành Land có thỏa thuận, trong trường hợp khách hàng không tiến hành giao dịch, Công ty sẽ tiến hành trả lại số tiền đặt chỗ trong vòng 03 ngày tại nơi khách hàng đã đăng ký và đóng tiền đặt chỗ trong hệ thống giao dịch của Công ty Đô Thành Land.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao lại có sự vội vàng đến vậy. Bởi lẽ, hiện nay thủ tục pháp lý dự án Vinaland Tower chưa biết ra sao, đến lúc nào dự án mới được xây dựng, Công ty lấy tiền đâu để xây dựng... là những câu hỏi chưa có lời giải. Đó là chưa kể, với một doanh nghiệp đã có tiền sử gặp nhiều lùm xùm với khách hàng thì sự thận trọng là không thừa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Hoàng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaland, là một cổ đông lớn của Vinaland cho rằng, hiện nay nhóm cổ đông nắm giữ 40% cổ phần Công ty không hề biết về việc Vinaland sẽ xây nhà, trong khi trên thị trường đã có nhiều công ty môi giới phát tán tờ rơi bán nhà tại dự án Vinaland Tower mà đơn vị phát triển dự án là Công ty Đô Thành Land.

“Trên nguyên tắc, mọi hợp đồng hợp tác phát triển dự án hoặc hợp đồng thầu xây dựng đối với dự án Vinaland Tower đều phải được trình Đại hội đồng cổ đông thông qua, vì các hợp đồng này đều có giá trị trên 35% tài sản Công ty theo kiểm toán gần nhất nên phải thông qua ĐHCĐ theo điều 162 Luật doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, Đại hội đồng cổ đông thông qua các hợp đồng này chưa hề được triệu tập thì không thể có căn cứ để ký hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng thầu xây dựng với Đô Thành Land. Không có căn cứ để Đô Thành Land trở thành đơn vị phát triển dự án theo quảng cáo và thu tiền của người mua nhà”, ông Hoàng nói và cho rằng, hiện nhóm cổ đông nắm giữ 40% cổ phần còn chưa được biết Công ty đã đóng tiền sử dụng đất cho dự án hay chưa?

Nếu chưa đóng, không có căn cứ để Công ty được cấp phép xây dựng dự án theo Luật Kinh doanh bất động sản nên càng không có căn cứ để ký hợp đồng thu tiền của khách hàng.

Vẫn theo ông Hoàng, theo quy chế Quỹ tiết kiệm nhà ở của Công ty thì khách hàng sở hữu chứng chỉ sẽ được ưu tiên chọn căn hộ trước khi bán ra thị trường. Hiện nay, các khách hàng tham gia chứng chỉ tiết kiệm nhà ở chưa được mời lên chọn nhà thì không thể có căn cứ để Công ty nhận tiền của người mua nhà khác, bởi rất có thể sẽ dẫn đến việc một căn hộ bán trùng cho 2 người.

Ngoài những sự việc trên thì việc tranh chấp con dấu và người đại diện pháp luật tại Công ty Vinaland hiện đang được Tòa án TP.HCM thụ lý và việc nhiệm kỳ HĐQT hiện tại sẽ kết thúc vào 31/12/2016 cũng sẽ khiến khách hàng đặt chỗ mua nhà gặp rủi ro hơn.

Các đơn vị môi giới đang rao bán Vinaland Tower là có thật, nợ khách hàng chứng chỉ nhà ở là có thật và đang tiếp tục một cuộc huy động vốn của khách hàng mua căn hộ cũng là sự thật. Báo Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin về vụ việc này cũng như những yếu tố pháp lý của dự án để thông tin đến bạn đọc trong các số báo sau.  

Theo Tăng Triển/Đầu tư BĐS

>> Dự án Imperia Sky “đè” đất nghĩa trang?

Có thể bạn quan tâm