VNPT, MobiFone sẽ quay lại vị trí doanh nghiệp "thống lĩnh thị trường"?

Với những quy định mới, nếu được thông qua, rất có thể trong thời gian tới, VNPT và MobiFone sẽ quay trở lại vị trí doanh nghiệp viễn thông "thống lĩnh thị trường"...
VNPT, MobiFone sẽ quay lại vị trí doanh nghiệp "thống lĩnh thị trường"?

Những quy định được đưa ra trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011 mà Bộ Thông tin và Truyền thông mới công bố, nếu thông qua, VNPT và MobiFone có thể sẽ phải trở lại doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (SMP).

Cụ thể, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ sung Điều 11b: Xác định doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường. Theo đó, doanh nghiệp viễn thông được xác định có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường viễn thông liên quan hoặc có sức mạnh thị trường đáng kể theo quy định tại khoản 3 Điều này.

Khoản 3 quy định: Doanh nghiệp viễn thông được xác định có sức mạnh thị trường đáng kể trên thị trường viễn thông liên quan nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (a), có tổng tài sản trong Báo cáo tài chính của năm kế trước chiếm từ 30% trở lên trên tổng tài sản trong Báo cáo tài chính của năm kế trước của tất cả các doanh nghiệp viễn thông trên thị trường; (b), có dung lượng đường trục Bắc Nam chiếm 30% tổng dung lượng đường trục Bắc Nam của các doanh nghiệp.

Và (c), ngoài các tiêu chí quy định tại điểm a, điểm b khoản này, đối với thị trường dịch vụ thông tin di động mặt đất, doanh nghiệp được xác định có sức mạnh thị trường đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp:

- Có số lượng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do doanh nghiệp thiết lập chiếm từ 30% trở lên trên tổng số lượng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do các doanh nghiệp thiết lập trên thị trường.

- Chiếm giữ từ 30% trở lên trên tổng số trạm gốc vô tuyến mạng thông tin di động mặt đất.

- Được cấp giấy phép sử dụng các băng tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ.

Có thể thấy, với những quy định trên, nhất là các quy định về doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể, thì phạm vi xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường được mở rộng ra rất nhiều, thay vì trước đây chỉ dựa vào yếu tố thị phần (thuê bao) của các doanh nghiệp viễn thông.

Tháng 6/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 15, xác định Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, bao trọn cả 3 mảng dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet. Tại thời điểm tháng 5/2015, Viettel chiếm 52,2% thị phần (số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông).

Nhiều năm trước đó, tại Thông tư số 18/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông, hai doanh nghiệp được xác định có thị phần thống lĩnh là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Đến tháng 7/2014, khi MobiFone được tách khỏi VNPT và chuyển giao về Bộ Thông tin và Truyền thông, thị phần của hai doanh nghiệp này tách ra, do đó, cả VNPT-VinaPhone và MobiFone đã không còn thuộc doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường nữa, tức dước 30% thị phần với mỗi nhà mạng.

Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp thống lĩnh khi thay đổi giá cước và thực hiện khuyến mại giảm giá dịch vụ thì sẽ phải đăng ký với Cục Viễn thông và chỉ được phép triển khai sau khi Cục chấp thuận. Tương tự, họ cũng không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành; Phải thống kê, kế toán riêng để xác định giá thành dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế.

Trong khi đó, các doanh nghiệp không nằm trong nhóm thống lĩnh sẽ chỉ cần thông báo với Cục Viễn thông khi điều chỉnh giá cước và thực hiện khuyến mãi giảm giá đối với dịch vụ thông tin di động, cũng như không bị cấm ban hành giá cước thấp hơn giá thành. Tuy vậy, các doanh nghiệp viễn thông dù không là SMP đều không được điều chỉnh giá cước tăng hoặc giảm không hợp lý so với giá thành, tăng hoặc giảm bất bình thường so với giá cước trung bình, gây mất ổn định thị trường.

Cũng chính vì thế mà rất nhiều lần lãnh đạo Viettel đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông bỏ quy định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị phần như hiện tại, vì rằng, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông như những năm qua thì quy định này đã "không còn phù hợp" nữa.

Lãnh đạo tập đoàn này cũng cho rằng, với quy định trên đã hạn chế đến khả năng cạnh tranh của Viettel, đồng thời sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là giữa các nhà mạng lớn. Và, việc "đưa" VNPT và MobiFone ra khỏi doanh nghiệp thông có vị trí thống lĩnh là không hợp lý, không thể coi hai nhà mạng này là doanh nghiệp nhỏ được.

Tuy nhiên, với những quy định như trên trong dự thảo, và với tài sản hiện tại, hiện trạng cơ sở hạ tầng mạng lưới, tài nguyên tần số, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông… thì có khả năng cao, tới đây, VNPT và MobiFone sẽ "trở lại" doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường cùng với Viettel.

Theo Thuỷ Diệu/Vneconomy

Có thể bạn quan tâm