Vội vã bổ sung siêu dự án thép Cà Ná để làm gì?

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam cho rằng, việc Bộ Công thương bổ sung dự án Thép Cà Ná vào Quy hoạch thép giai đoạn 2020 có xét đến 2025 là quá vội vã và th
Vội vã bổ sung siêu dự án thép Cà Ná để làm gì?

Bổ sung siêu dự án Thép Cà Ná 16 triệu tấn/năm vào Quy hoạch, phải chăng đang giúp “nối dài” danh sách trào lưu “làm thép”, theo cảm tính và mong muốn chủ quan của các địa phương?

Vội vã bổ sung siêu dự án thép Cà Ná để làm gì? ảnh 1
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ: "Ngu gì không làm thép" 
Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen tại Cà Ná (Ninh Thuận) với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn/năm, vừa được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch ngành Thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Điều này khiến nhiều người băn khoăn, đặt câu hỏi, liệu có hiện tượng bổ sung tràn lan các dự án thép vào Quy hoạch giống như trước đây?
Vội vã bổ sung siêu dự án
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim, hiện nay sản xuất thép của Việt Nam đang dư thừa. Chúng ta sản xuất được 4 sản phẩm chính là thép xây dựng, thép ống, thép cuộn cán nguội và tôn mạ màu, thì cả 4 đều dư thừa lớn về công suất.
Cụ thể thép xây dựng hiện có công suất 11,1 triệu tấn, nhưng năm 2015 tiêu thụ mới đạt 5,65 triệu tấn, thép ống công suất 2,1 triệu tấn, tiêu thụ đạt 1,2 triệu tấn, thép cuộn cán nguội, công suất 4,8 triệu tấn, tiêu thụ đạt 2,6 triệu tấn, tôm mạ màu, công suất 4,3 triệu tấn, tiêu thụ đạt 2,8 triệu tấn.
Như vậy, tính ra công suất vượt tiêu thụ khoảng 50%. Hiện nhà máy thép nào hoạt động tốt nhất mới đạt 60% công suất, nhiều nhà máy chỉ đạt 30% công suất. Thép cuộn cán nóng chưa sản xuất được, nhưng khi Khu Liên hợp Gang Thép Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động và đầu tư xong, dự kiến sẽ có sản lượng hơn 20 triệu tấn.
Thời gian qua, Bộ Công thương cũng đã bổ sung dự án Thép Nghi Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vào Quy hoạch với công suất 7 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD, thời gian thực hiện từ 2015 đến 2027. Hiện hệ thống cảng biển dự án này đã được khởi công và dự kiến khởi công giai đoạn 1 vào Quý 4/2016. Với các dự án trên đi vào hoạt động, tính tới 2030 Việt Nam có trên 40 triệu tấn thép mỗi năm.
Trong khi đó, theo tính toán, nhu cầu thép Việt Nam đến 2030 cũng chưa tới mức 40 triệu tấn/năm. Việc bổ sung thêm dự án Thép Cà Ná 16 triệu tấn vào Quy hoạch, có nguy cơ gây dư thừa lớn. Theo ông Cường, việc Bộ Công thương bổ sung dự án Thép Cà Ná vào Quy hoạch Phát triển Hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020 có xét đến 2025 là quá vội vã và thiếu thận trọng.
Quy hoạch Phát triển Hệ thống sản xuất và phân phối thép giai đoạn 2020 có xét đến 2025, do Bộ Công thương phê duyệt vào đầu năm 2013, có đưa ra sản lượng sản xuất, lên tới 39 triệu tấn thép, vào năm 2025, không dựa trên các tính toán khoa học. Thực chất đây chỉ là Quy hoạch "chữa cháy" cho Quy hoạch ngành Thép được Chính phủ phê duyệt năm 2007, nhưng bị phá vỡ. Theo Quy hoạch ngành Thép giai đoạn 2007- 2015, có xét đến 2025, thì đến năm 2025, tổng công suất thép cả nước mới đạt 20 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, chỉ tính riêng số dự án thép được cấp phép giai đoạn 2006-2008 đã có tổng công suất trên 30 triệu tấn/năm, gấp 1,5 lần với Quy hoạch.
Điều đáng nói là sau đó việc cấp phép các siêu dự án thép vẫn diễn ra tràn lan, phải liên tiếp bổ sung vào Quy hoạch, dẫn đến công suất dự kiến lên tới trên 40 triệu tấn/năm. Và Quy hoạch 2020 có xét đến 2025, thực chất là cộng dồn số lượng các dự án thép lại, chứ không mang tính khoa học, ông Cường cho biết.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc bổ sung dự án vào Quy hoạch ngành cấp quốc gia, cần tuân thủ các trình tự pháp luật. Có nghĩa là phải có phê duyệt chủ trương điều chỉnh Quy hoạch, ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định quy hoạch, ý kiến của Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch, cuối cùng mới đến điều chỉnh.
Việc bổ sung Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025 đã đúng trình tự? "Hơn nữa, hiện tại Bộ Công thương đang chủ trì cùng 1 số cơ quan chức năng và các hiệp hội chuyên ngành để lập Quy hoạch về ngành Thép giai đoạn mới, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016. Khi quy hoạch mới còn đang bàn bạc, chưa ngã ngũ, đã vội vã bổ sung thêm 1 siêu dự án vào quy hoạch cũ vì mục đích gì?" ông Phạm Chí Cường đặt câu hỏi.
Tiếp tục "trào lưu" làm thép cảm tính?
Thế giới đang trong xu thế dư thừa thép. Tại Trung Quốc hiện dư thừa hàng trăm triệu tấn công suất, nếu xây dựng quy hoạch không tính đến thị trường thế giới là không được. Việt Nam đang mở cửa hội nhập, vì vậy sẽ khó ngăn thép ngoại tràn vào. Việc cạnh tranh trong ngành thép phải nói đến giá và chất lượng. Nếu giá thành khó cạnh tranh khi hội nhập, dễ dẫn đến môi trường bị ảnh hưởng. Việc xuất khẩu cũng không hề dễ dàng. Xuất khẩu thép của Việt Nam hiện chưa nhiều, nhưng liên tục phải đối mặt với việc các nước nhập khẩu yêu cầu điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo ông Cường, cơ quan quản lý cần xem xét lại tính khả thi khi cấp phép cho các dự án thép. Chính phủ cần dựa trên cơ sở uy tín và năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm của nhà đầu tư, từ đó tạo thuận lợi cấp giấy phép cho những dự án tốt, có tính khả thi. Bởi lẽ, các dự án thép liên hợp, chỉ có thể thành công khi chủ đầu tư là những công ty có kinh nghiệm, với nguồn lực tài chính lớn và công nghệ sản xuất thép hàng đầu. Kinh nghiệm tại các nước phát triển cho thấy, không khả thi khi xây dựng các nhà máy thép lớn tại 1 địa điểm với công suất trên 10 triệu tấn/năm.
Nếu đã xây dựng, đều phải được tiến hành bởi các tập đoàn sản xuất thép rất nổi tiếng và có công nghệ sản xuất thép từ hơn 50 năm. Sẽ rất rủi ro, nếu mong đợi các nhà đầu tư không có kinh nghiệm, trong sản xuất thép, đầu tư vào các siêu dự án thép, ông Cường nói. Theo quan điểm của Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim, Tập đoàn Hoa Sen vốn chỉ sản xuất tôn mạ, nay chuyển sang luyện kim là lĩnh vực hoàn toàn mới, chưa có kinh nghiệm. Chúng ta phải có Hội đồng đánh giá, phân tích lợi ích, tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm, tài chính của DN chứ không phải chấp nhận bừa bãi. Điều này cũng chẳng khác gì giúp “nối dài” danh sách trào lưu “làm thép” theo cảm tính và mong muốn chủ quan của các địa phương.

Theo Tuấn Hưng/Infonet

Có thể bạn quan tâm