Vốn ngoại rộng cửa tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

Đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xác định: “Toàn bộ tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém đã được nhận diện, ba ngân hàng 0 đồng, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Sacombank sẽ là trọng tâm xử lý của NH
Vốn ngoại rộng cửa tái cơ cấu ngân hàng yếu kém

Đến nay, phương án tái cơ cấu cho 4/5 ngân hàng này vẫn chưa được thông qua (ngoại trừ Sacombank). Tuy nhiên, một cán bộ của NHNN(*) cho biết Ngân hàng OceanBank đang được một ngân hàng châu Á thực hiện rà soát đặc biệt (Due Diligence), đồng thời Ngân hàng GPBank và CB cũng được một số nhà đầu tư ngoại quan tâm. Trong khi đó, các chính sách mới đang cho thấy sự khuyến khích đặc biệt của Chính phủ đối với vốn ngoại trong việc tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Ngân hàng yếu kém có gì hấp dẫn?

Mặc dù vẫn tồn tại nhiều khó khăn nhưng các ngân hàng yếu kém đã có sự phục hồi nhất định sau khi được NHNN mua lại hay kiểm soát đặc biệt. OceanBank liên tục kinh doanh có lãi trong năm 2015, 2016 và sáu tháng đầu năm 2017. DongA Bank đạt mức tăng trưởng huy động vốn trên 700 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm 2017, trong đó dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng gần 400 tỉ đồng và số nợ xấu được thu hồi là 1.260 tỉ đồng.

Sự hấp dẫn của các ngân hàng yếu kém trước hết là do tiềm năng của ngành ngân hàng Việt Nam với một nền kinh tế tăng trưởng tốt, dân số đông và tỷ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng chưa cao. Mặc dù vậy, rào cản gia nhập ngành vẫn còn khá lớn và việc thành lập một ngân hàng ở Việt Nam hiện nay còn nhiều khó khăn, kể cả là ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Trong khi đó, room ngoại đối với ngành ngân hàng vẫn duy trì ở mức 30%. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định nới room đối với các ngân hàng yếu kém lên đến 100%. Sự đánh đổi giữa chi phí xử lý ngân hàng yếu kém và giấy phép hoạt động trong ngành ngân hàng đáng để các nhà đầu tư nước ngoài suy ngẫm. Ngoài ra, các ngân hàng yếu kém còn có những giá trị khác đáng quan tâm.

Về mạng lưới: Việc mua lại một ngân hàng giúp nhà đầu tư tiết giảm thời gian và nguồn lực trong việc xây dựng, mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch. Trên thực tế, việc mở rộng mạng lưới ngân hàng hiện nay rất khó khăn do bị hạn chế bởi Thông tư 21/2013/TT-NHNN. Có thể chứng minh điều này thông qua một phép so sánh nhỏ: Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua DongA Bank thì sẽ có ngay mạng lưới rộng lớn ở 55 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với 223 chi nhánh, phòng giao dịch; nhưng nếu nhà đầu tư thành lập một ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam thì phải mất ít nhất 12 năm để có được số lượng chi nhánh như trên (giả sử ngân hàng hoạt động có lãi ngay và liên tục, mức vốn điều lệ đáp ứng đủ theo quy định).

Lượng khách hàng hiện hữu: Mua lại một ngân hàng thì nhà đầu tư sẽ có ngay một lượng khách hàng hiện hữu thay vì bắt đầu từ con số 0. Ví dụ, tính đến cuối tháng 12-2016, DongA Bank có hơn bảy triệu khách hàng cá nhân, gần bằng 1/10 dân số của Việt Nam. Với lượng khách hàng này, nếu làm tốt công tác bán chéo sản phẩm thì lợi nhuận thu được sẽ rất lớn mà chi phí bỏ ra thấp hơn nhiều so với việc phát triển khách hàng mới.

Chất lượng tài sản lớn hơn kiểm toán: Giá trị vốn chủ sở hữu của các ngân hàng yếu kém được các công ty kiểm toán độc lập công bố chắc chắn dựa trên nguyên tắc thận trọng. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, nhiều tài sản cố định (phần lớn là các trụ sở) sẽ không được định giá theo giá thị trường. Các khoản nợ cũng đang được trích lập dự phòng theo mức cao nhất, trong khi thực tế, có thể chỉ cần bơm thêm một ít vốn cho các dự án hoặc hoàn thiện hồ sơ tài sản đảm bảo thì mức trích lập dự phòng sẽ thấp hơn nhiều.
Ngoài ra, giá trị thương hiệu, nguồn nhân lực, các quy trình hoạt động cũng là những tài sản đáng giá và phải tích lũy nhiều năm mới có được.

Những rào cản lớn nhất đã được tháo bỏ

Giải pháp cho nguồn vốn ngoại tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém đã được khuyến khích từ lâu nhưng chưa được thực hiện do vướng phải hai rào cản lớn về xử lý nợ xấu và thương lượng giá mua bán ngân hàng. Nguyên nhân đẩy các ngân hàng vào tình trạng yếu kém đều liên quan đến chất lượng tài sản, nên cốt lõi của việc xử lý ngân hàng yếu kém cũng chỉ xoay quanh vấn đề xử lý nợ xấu. Đối với việc thương lượng giá mua bán, các ông chủ ngân hàng luôn mong muốn bán giá cao nên khó đạt được thỏa thuận với người mua (sự thất bại của thương vụ GPBank-UOB là một điển hình).

Tuy nhiên, các rào cản trên nay đã được tháo bỏ.

Sau khi mua lại các ngân hàng yếu kém, quyền định giá bán giờ là của NHNN. Khi lựa chọn đối tác mua lại ngân hàng yếu kém, NHNN có lẽ sẽ đặt sự quan tâm chính vào khả năng tái cơ cấu thành công các ngân hàng này hơn là băn khoăn về giá bán. Hơn nữa, việc NHNN đích thân đứng ra lựa chọn đối tác sẽ tránh được trường hợp ngân hàng lại tiếp tục bị biến thành công cụ để phục vụ các hoạt động sân sau như trường hợp của Ngân hàng CB.

Hoạt động xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ tiến triển mạnh sau sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14. Nghị quyết này đã thông qua việc hỗ trợ pháp lý cho quá trình xử lý khối tài sản bảo đảm khổng lồ đằng sau những khoản nợ xấu; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua bán nợ của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); đồng thời cho phép các ngân hàng linh hoạt phân bổ lãi dự thu và chênh lệch khi mua bán nợ xấu, giúp đảm bảo kết quả hoạt động kinh doanh hàng năm của ngân hàng không bị âm.

Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2010 cũng đang đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ trong trường hợp ngân hàng yếu kém được chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, vốn góp. Theo đó, NHNN cho phép các ngân hàng này được trích lập dự phòng rủi ro dựa trên chênh lệch thu, chi từ kết quả kinh doanh hàng năm; được bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm đang bị kê biên, không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ cho VAMC, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC); được phân bổ các khoản lỗ do bán nợ, khoản phải thu và khoản đầu tư góp vốn trong 10 năm; được miễn các loại thuế, phí về chuyển nhượng tài sản trong quá trình sáp nhập, hợp nhất và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp.

Với các ưu đãi thực sự hấp dẫn từ Chính phủ, cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn một ngân hàng Việt Nam thông qua việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chưa bao giờ rộng mở như hiện nay. Một thương vụ như vậy, nếu thành công, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích to lớn cho ngành ngân hàng, cho nền kinh tế và cho nhà đầu tư ngoại.

Theo Chính Lê - Phong Hiếu /TBKTSG

>> Moody’s: Việc cho phép thu giữ tài sản đảm bảo có lợi cho ngân hàng Việt

Có thể bạn quan tâm