Vốn Nhà nước tại Viglacera đang bị bán rẻ?

Bộ Xây dựng đang thực hiện thoái vốn tại Viglacera trên cơ sở việc xác định giá trị phần vốn nhà nước và xử lý tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành CTCP, giá đất tại các lô đất của doanh ng
Vốn Nhà nước tại Viglacera đang bị bán rẻ?

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của công ty mẹ tại Tổng công ty Viglacera – CTCP (từ 1/1/2012 – 21/7/2014).

Theo báo cáo, tính tới 0h ngày 1/1/2012  (thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp), Tổng công ty Viglacera đang quản lý tổng diện tích đất 12.013.475,6m2 (hơn 12 triệu m2), trong đó thành phố Hà Nội gồm 10 lô đất, khu vực tỉnh Bắc Ninh 5 lô đất, Quảng Ninh 2 lô, Bình Dương 3 lô và TPHCM 1 lô đất.

Tổng công ty đã lập phương án sắp xếp lại nhà đất và đã được UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Tài chính chấp thuận và Bộ Xây dựng phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất.

Về xác định giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hoá tại thời điểm 31/12/2011, đơn vị thực hiện xác định lại giá trị trên cơ sở diện tích đang sử dụng, phương án sử dụng và giá đất tương ứng.

Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, đến thời điểm làm hồ sơ quyết toán bàn giao doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, giá đất tại các lô đất trên vẫn là giá tạm tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh công bố năm 2012. Giá đất tạm tính này là không phù hợp với Nghị định 59/2011/NĐ-CP và Luật Đất đai năm 2013.

Đến tháng 12/2018, các lô đất đã thực hiện chuyển tên trên Quyết định giao đất, đã ký hợp đồng thuê đất và được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, bao gồm: lô đất 340C/31 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình Tp.HCM; lô đất 200.000 m2 thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương… Sau khi cổ phần hóa, bàn giao cho CTCP, các lô đất vẫn được quản lý, sử dụng theo phương án sử dụng đất được duyệt.

KTNN kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét xử lý các tồn tại hạn chế, các vấn đề lưu ý tại phần kết quả kiểm toán trước khi phê duyệt báo cáo quyết toán bàn giao vốn, trong đó đề cập tới nội dung "đến thời điểm làm hồ sơ quyết toán bàn giao doanh nghiệp, giá đất của một số khu là giá tạm tính".

Bên cạnh đó, trên cơ sở ý kiến của các địa phương về giá đất, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét quyết định giá trị quyết toán vốn nhà nước theo quy định.

Hồi cuối năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước cũng có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về kết quả kiểm toán tại Tổng công ty Viglacera - CTCP sau 60 ngày thực hiện việc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của Viglacera.

Theo Kiểm toán nhà nước, Viglacera đã thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại thời điểm 31/12/2012 và chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP từ ngày 22/7/2014.

Như vậy, trong suốt giai đoạn 2012 – 2014 đến khi quyết toán báo cáo phần vốn nhà nước chuyển giao sang CTCP vẫn chỉ là tạm tính, có thể hiểu theo nghĩa là không chốt được số liệu chính xác khi cổ phần hóa.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, thực hiện lộ trình thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng đang thực hiện bán cổ phần giảm tỷ lệ sở hữu tại Viglacera còn 36%.

Lần gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã đăng ký bán 80,58 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 17,97% vốn điều lệ của Viglacera và đã bán thành công được 69 triệu cổ phiếu cho 3 nhà đầu tư tổ chức với giá trúng là 23.000 đồng/cp, tương đương 1.587 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu đặt mua chỉ bằng 86% lượng chào bán của Bộ Xây dựng. Như vậy, Bộ Xây dựng vẫn "ế" 14%.

Do đó, KTNN đã đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước theo Quyết định. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là việc bán vốn Nhà nước tại Viglacera đã và đang diễn ra trong bối cảnh giá trị tài sản đều là “tạm tính” vậy giá trị cổ phiếu VGC được mang ra đấu giá liệu có rẻ? Đáng chú ý, dự kiến trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ thoái hết vốn tại Viglacera nhằm thực hiện theo quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Cũng theo báo cáo, việc quản lý tài sản, nguồn vốn của Viglacera đã cơ bản chấp hành chính sách, chế độ tài chính – kế toán theo quy định hiện hành, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số điểm hạn chế như: đối chiếu nợ phải thu chưa đầy đủ; đối chiếu, xác nhận số dư nợ phải trả chưa cụ thể.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Viglacera báo cáo rằng số nợ phải thu của Công ty mẹ Tổng công ty chủ yếu là nợ phải thu khách hàng của các dự án bất động sản. Hiện nay Tổng công ty vẫn đang giữ sổ đỏ của khách hàng mua nhà, do đó khoản nợ phải thu này tiềm ẩn ít rủi ro.

Dù vậy, Kiểm toán Nhà nước vẫn yêu cầu VGC sớm xem xét, xử lý các khoản nợ phải thu, phải trả chưa đối chiếu được để xác định số nợ phải thu không có khả năng thu hồi hoặc số phải trả không phải trả (nếu có) tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần để xử lý theo quy định.

 >> 3 nhà đầu tư đã mua hết số cổ phần VGC đã đăng ký

Có thể bạn quan tâm