Vụ án thất thoát 800 tỷ đồng: Công văn của Bộ Tài chính nêu gì về việc PVN góp vốn?

Ngày xét xử thứ 3 vụ án Cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng góp vốn Oceanbank, đại diện Bộ Tài chính đã có mặt để trả lời các cơ quan tiến hành tố tụng.
Vụ án thất thoát 800 tỷ đồng: Công văn của Bộ Tài chính nêu gì về việc PVN góp vốn?

Đại diện cho Bộ Tài chính là ông Phạm Văn Hưng (Cục Tài chính doanh nghiệp). Trước khi trả lời, ông Hưng cho biết ông nhận ủy quyền và được giao nhiệm vụ thông báo về nội dung 2 công văn của Bộ Tài chính ban hành vào năm 2008 và năm 2010 liên quan việc góp vốn của PVN tại Oceanbank. Các vấn đề khác ngoài phạm vi nội dung của 2 văn bản này, ông chưa thể trả lời ngay tại phiên tòa mà phải về báo cáo cấp có thẩm quyền và trả lời sau.

Về hai công văn của Bộ Tài chính, ông Hưng cho biết, công văn thứ nhất, số 121441 ngày 14/10/2008, là để trả lời công văn của Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến về đề xuất của PVN.

Đại diện Bộ Tài chính có mặt tại tòa để thông tin về nội dung 2 công văn của Bộ Tài chính ban hành vào năm 2008 và năm 2010 liên quan việc góp vốn của PVN tại Oceanbank.

Công văn trả lời Bộ Tài chính có nội dung: PVN có đủ điều kiện theo quy định hiện hành để tham gia góp vốn vào Oceanbank. Theo các nội dung thỏa thuận với Oceanbank thì hoạt động đầu tư của PVN mới chỉ đảm bảo hiệu quả của các chi phí chuẩn bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt và nguyện vọng của các cán bộ công nhân viên - đã góp vốn thành lập Ngân hàng Hồng Việt – đến nay chưa rút vốn và muốn đầu tư vào ngân hàng khác.

Do vậy để đảm bảo tính hiệu quả đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank, đặc biệt là danh mục cho vay, danh mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng như việc trích lập các khoản dự phòng cho các hoạt động kinh doanh của Oceanbank, xác định giá trị thực cổ phiếu của Oceanbank để tránh rủi ro trước khi quyết định việc đầu tư. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm về hiệu quả của hoạt động đầu tư này.

Công văn này, Bộ Tài chính có gửi cho PVN trong phần nơi nhận.

Công văn thứ hai số 12400 ngày 16/9/2010 về việc tham gia góp vốn tăng vốn điều lệ tại Oceanbank. Công văn này cũng như công văn trước, Bộ Tài chính trả lời Văn phòng Chính phủ và đồng thời gửi cho PVN.

Văn bản này có nội dung: Sau khi nghiên cứu đề nghị của PVN, báo cáo hoạt động Oceanbank năm 2009, Nghị quyết ĐHCĐ Oceanbank năm 2010, Bộ Tài chính có ý kiến, theo quy định hiện hành, thì PVN có đủ các căn cứ để tham gia góp vốn.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận thấy PVN là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực khai thác thăm dò khai thác chế biến dầu khí đòi hỏi vốn đầu tư lớn, có nhiều dự án PVN đề nghị Nhà nước hỗ trợ vốn ưu đãi và các dự án trọng điểm về dầu khí còn phải được Nhà nước cho phép cho sử dụng nguồn lãi dầu khí.

Do vậy Bộ tài chính đề nghị Thủ tướng chỉ đạo PVN rà soát tình hình thực hiện, cân đối nguồn vốn cho các dự án dầu khí, đặc biệt là các dự án dầu khí trọng điểm trên cơ sở đó xác định nguồn vốn để đầu tư góp vốn vào Oceanbank. Việc đầu tư góp vốn phải đảm bảo tính hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn đầu tư. Trường hợp không đủ nguồn vốn để góp vốn thì thực hiện chuyển nhượng quyền mua.

Theo đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tài chính không nắm được việc PVN báo cáo lại với các cơ quan khác. Bộ Tài chính không biết việc triển khai thực hiện cụ thể ra sao.

Các luật sư tham gia thẩm vấn đã hỏi đại diện Bộ Tài chính về việc PVN trích lập dự phòng 800 tỷ đồng cho khoản góp vốn này. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính để trả lời được vấn đề này thì phải xem lại các báo cáo cũng như thuyết minh BCTC mới biết được trích lập như thế nào, vì sao.

Với một khoản đầu tư tài chính ra ngoài doanh nghiệp, trên cơ sở đánh giá khoản đầu tư trong năm có nguy cơ mất an toàn thì phải trích lập. Về việc có thiệt hại hay chưa thì chưa đánh giá được. Oceanbank là ngân hàng niêm yết, giá cổ phiếu biến động, do đó năm nay có thể trích lập nhưng năm sau có thể không phải trích lập. Muốn biết rõ phải xem BCTC, thuyết minh mới biết rõ.

Một số vấn đề khác luật sư nêu ra, đại diện Bộ Tài chính đề nghị sẽ về báo cáo cấp có thẩm quyền rồi trả lời. Luật sư Phan Trung Hoài đã chuyển tới đại diện Bộ Tài chính một văn bản câu hỏi dài 6 trang.

Được biết, trong ngày xét xử thứ 2, ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank đã có mặt tại phiên tòa với tư cách người làm chứng và trình bày về lý do vì sao không báo cáo theo yêu cầu tại văn bản của Bộ Tài chính.

Theo ông Thắm, để phục vụ quá trình xem xét đánh giá trước khi tham gia góp vốn Oceanbank, Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt đã lấy các số liệu dữ liệu của ngân hàng đến ngày 30/6.

Từ đó đến ngày 30/9, Oceanbank không cấp thêm tín dụng, do đó, việc đánh giá danh mục cho vay không có gì thay đổi.

Về chứng khoán sẵn sàng để bán, ông Thắm khai do BCTC của các ngân hàng nhập chung chứng khoán và trái phiếu vào chung hạng mục là giấy tờ có giá nên trên bảng thể hiện Oceanbank có đầu tư vài trăm tỷ. Thực chất đây là trái phiếu, Oceanbank không đầu tư chứng khoán.

Vì việc đánh giá 2 tiêu chí này đã thực hiện từ trước và đến 30/9 không có gì thay đổi nên không báo cáo lại.

Theo cáo buộc của cơ quan công tố, mặc dù Bộ tài chính có văn bản yêu cầu PVN báo cáo rõ tình hình hoạt động của Oceanbank nhưng ông Đinh La Thăng không chỉ đạo cấp dưới thực hiện mà vẫn tiếp tục tham gia góp vốn vào Oceanbank.

Có thể bạn quan tâm