World Bank: Người Việt chưa kịp giàu đã già

So với các nước giàu trong khu vực Đông Á và các nước OECD thì Việt Nam bắt đầu già hóa với mức thu nhập thấp hơn nhiều. Ngày 19/7, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) công bố Báo cáo Cập nhật t
World Bank: Người Việt chưa kịp giàu đã già
So với các nước giàu trong khu vực Đông Á và các nước OECD thì Việt Nam bắt đầu già hóa với mức thu nhập thấp hơn nhiều.
Ngày 19/7, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) công bố Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm. Với chuyên đề "Hướng tới cuộc sống khỏe mạnh và năng động cho người cao tuổi ở Việt Nam", WB cho rằng tốc độ già hoá dân số tại Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới từ trước đến nay. “Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới, hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều đó lại đang diễn ra khi Việt Nam còn ở mức thu nhập thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay”, ông Philip O’Keefe, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới đánh giá. Theo WB, vào thời điểm năm 2016, có khoảng 7% dân số Việt Nam, tương đương 6,5 triệu người từ 65 tuổi trở lên và có trên 10% dân số từ 60 tuổi trở lên. Vào năm 2040, số người từ 65 tuổi trở lên dự báo sẽ tăng gấp 3 và đạt 18,4 triệu người, chiếm 17% dân số. Nói cách khác, tỷ lệ phụ thuộc, tức số người từ 65 tuổi trở lên so với số người trong độ tuổi lao động, dự báo sẽ tăng gần gấp 3, từ 10% hiện nay lên 26% vào năm 2040. WB cho rằng, nguyên nhân chính dẫ đến quá trình già hóa nhaanh là tỷ lệ sinh giảm mạnh. Tỷ lệ sinh gộp đã giảm từ 6 xuống còn 1,95 - 2,09 trong giai đoạn 1970 - 2015 do thu nhập tăng, trình độ văn hóa tăng và chính sách mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con được áp dụng từ những năm 1980 và chính thức áp dụng từ năm 1993. Trong cùng thời gian đó, tuổi thọ trung bình đã tăng từ 60 lên 76 (năm 2014). Tuổi thọ trung bình tại các nước có thu nhập thấp trên thế giới là 67 (năm 2016). Mặc dù số người trong độ tuổi lao động của Việt Nam chưa giảm ngay như trường hợp tại Thái Lan hoặc Trung Quốc nhưng lợi thế dân số mà Việt Nam đã hưởng lợi đáng kể từ khi thực hiện Đổi mới (dân số trong độ tuổi lao động đã tăng lên gấp 2 lần) sẽ giảm dần tác dụng. Xu thế này sẽ bị đảo ngược vào cuối những năm 2030, WB dự báo. "Do vậy, khả năng dựa vào lực lượng lao động của Việt Nam, coi đó là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đã gần cạn kiệt. Trong tương lai, tăng trưởng sẽ dựa vào nâng cao nguồn vốn con người và năng suất lao động", Ngân hàng Thế giới nhận định. Cũng theo ngân hàng này, một điểm đáng chú ý khác cũng giống với các nước lân cận trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là quá trình già hóa nhanh chóng đã bắt đầu tại Việt Nam khi mức GDP/người còn thấp. So với các nước giàu trong khu vực Đông Á và các nước OECD thì Việt Nam bắt đầu già hóa với mức thu nhập thấp hơn nhiều, hay nói cách khác, năng lực tài chính và hành chính cần có để quản lý quá trình này sẽ bị hạn chế. "Ngay cả khi duy trì được mức tăng trưởng mạnh và bền vững thì tốc độ già hóa tại Việt Nam cũng làm cho Việt Nam già trước khi giàu", WB đánh giá. WB cũng đề cập đến một thực trạng đó là phần lớn người cao tuổi Việt Nam vẫn làm việc sau khi đã vượt tuổi được coi là "tuổi lao động" trên thế giới (từ 15 - 64). Khác biệt giữa các nhóm cao tuổi cũng rất dễ thấy. Người cao tuổi vùng nông thôn, cả hai giới đều có số năm làm việc cao hơn đáng kể so với khu vực thành thị. Tình trạng này phổ biến tại các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Hậu quả của hiện tượng này, theo WB, là lực lượng lao động tay nghề cao lại thoái lui sớm hơn và đây chính là một mối quan ngại khi Việt Nam đang phấn đấu tăng năng suất lao động. Cả khu vực nông thôn và thành phố, tỷ lệ tham gia lao động của nam giới cao hơn một chút so với nữ giới. Nhưng sự khác biệt này tại vùng nông thôn không thể hiện rõ nét như khu vực Nam Á hoặc các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia, hay Hàn Quốc. 70% nam giới 65 tuổi trở lên vẫn còn làm việc, chủ yếu trong nông nghiệp, trong khi tỷ lệ này trong nhóm nữ tại khu vực đô thị chưa đến 1/3. Nổi bật hơn nữa, 40% nam giới 75 tuổi tại khu vực nông thôn vẫn còn làm việc. Qua đó, có thể thấy rằng khá nhiều người cao tuổi vẫn còn "làm việc cho tới chết". WB cho rằng, vấn đề già hóa dân số sẽ gây nên nhiều tác động kinh tế, xã hội sâu rộng. Nó sẽ ảnh hưởng lên thị trường lao động và mang lại nhiều thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, và toàn bộ người dân nói chung. Nhằm giảm nhẹ các tác động này, Việt Nam cần phải có các hành động chính sách liên quan đến thị trường lao động, hệ thống hưu trí, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe dài hạn.

Theo HỒ MAI/VNF

Có thể bạn quan tâm