Xin tạ tội với Hồ Tây

Hồ Tây vừa trải qua một trận “bão đầu độc” tàn khốc nhất trong lịch sử hình thành ngàn năm của mình. Hơn 200 tấn cá chết. Mùi xú uế nặng hơn cả nước cống!... Lá phổi của Hà Nội bị hủy hoại nghiêm trọn
Xin tạ tội với Hồ Tây

Hôm nay, bằng sự nỗ lực của con người, những con cá sống sót qua trận “bão đầu độc” bắt đầu ngoe ngẩy bơi. Hồ Tây đã dần hồi sinh…

1. Không chỉ với những người con sinh ra và lớn lên giữa lòng Hà Nội mà hầu như những nam thanh nữ tú học tập, sinh sống tại Hà Nội đều có những kỷ niệm tình yêu tuyệt đẹp gắn với hồ Tây. Thả bộ, ngắm hoàng hôn trên hồ, chèo thuyền lướt qua những gợn sóng lấp loáng, nhấm nháp từng giọt cà phê trong tiếng nhạc êm dịu bên mặt nước lung linh… bấy nhiêu thôi cũng đủ cho gia vị tình yêu thêm ngọt ngào, thi vị. Hồ Tây đi vào thơ ca nhạc họa, là nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ thi nhân từ cổ chí kim. 

Người yêu Hà Nội có ai không biết đến những câu ca dao để đời “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”; Rồi những áng văn áng thơ bước ra từ câu chuyện tình có thật kéo dài 3 năm giữa đại thi hào Nguyễn Du và bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương bên hồ Tây; Những mùa xuân làng lúa làng hoa đẹp như tranh vẽ trong ca khúc cùng tên của Ngọc Khuê; Bầy sâm cầm vỗ cánh mặt trời trong Nhớ mùa thu Hà Nội của nhạc sĩ họ Trịnh; Câu ca đậm chất ả đào trong Một thoáng Tây Hồ của Phó Đức Phương…

Đầm Xác Cáo - tên gọi xưa nhất của hồ Tây, gắn với sự tích con hồ ly tinh chín đuôi biến thành hồ Xác Cá

Ai đó đã viết rằng, chỉ có Mẹ Thiên nhiên mới tạo ra được một hồ nước lớn như hồ Tây (rộng tới 500 ha, là lá phổi điều hòa không khí cho Hà Nội). Với công nghệ máy móc hiện đại, người ta có thể xây được nhiều khu đô thị hoành tráng nhưng đào một cái hồ nước lớn như thế giữa lòng Thủ đô là một điều không tưởng. Đó là chưa kể đến những sự tích, huyền thoại cả ngàn năm đã làm nên sự huyền bí, linh thiêng cho cả vùng đất này. Quả là danh bất hư truyền! Hồ Tây là nơi cư ngụ không đâu sánh được của một Thủ đô có bề dày ngàn năm văn hiến..!

2. Đẹp là thế, linh thiêng là thế nhưng nhiều năm nay, hồ Tây lại bị tàn phá từng ngày. Không như con ong làm mật yêu hoa, con cá bơi yêu nước con chim ca yêu đời, con người yêu hồ Tây nhưng chính con người lại khiến cho hồ Tây chịu nhiều đau đớn. Hàng chục cống thải xả thẳng xuống hồ Tây đã khiến chất độc tích tụ theo thời gian. Sau những đợt báo động với triệu chứng cá chết cục bộ ở khu này khu kia… đến giờ G, cá hồ Tây nổi trắng mặt nước liền mấy ngày. Mùi xú uế xộc lên đủ để giết chết mọi nguồn cảm hứng bên hồ. Lúc này, cả thành phố mới rùng rùng chuyển động.

Đầm Xác Cáo - tên gọi xưa nhất của hồ Tây, gắn với sự tích con hồ ly tinh chín đuôi biến thành hồ Xác Cá. Người yêu Hà Nội không khóc được. Nước mắt dường như đã bầm lại thành nỗi đau nghẹn đắng trong tim. Không ai có lỗi! Giống như Chí Phèo trong truyện ngắn của Nam Cao từng ngẩng lên trời mà chửi cả cái làng Vũ Đại, và ai cũng nghĩ là “hắn chừa mình ra”… Vô tình với hành động tội lỗi của mình cũng là một trong những tính cách xấu của con người.

Chị bạn tôi kể một câu chuyện buồn mà chị chứng kiến giữa những ngày cá hồ Tây nổi trắng mặt nước: Một cô gái mang bao ốc đến hồ để “phóng sinh”. Chị ngăn: Hồ đang bị đầu độc, cá chết trắng ra thế, em đổ ốc xuống hồ thì là giết chết chứ phóng sinh gì? Cô gái kia cự cãi: Không biết thì không có lỗi chị ạ. Và đổ bao ốc xuống hồ một cách “không liên quan”! Cũng trong ngày hồ Tây “nặng mùi”, tôi lặng lẽ đạp xe quanh hồ để cảm nhận về nỗi đau chung của người Hà Nội đang gánh chịu. Hàng ngàn người chạy đua với thời gian để thu dọn cá chết, sục ô xi và làm sạch hồ bằng chế phẩm Redoxi – 3 C… Nhưng quanh hồ, không ít người dân vẫn vô tư quét dọn, thu gom rác và tiếp tục tống thẳng xuống hồ. Người vứt rác - có tới hàng trăm hàng ngàn người, cả cư dân, người kinh doanh và du khách. Còn người thu gom rác trên hồ chỉ có nhõn vài nhân sự.

Bên cạnh đó, các bà các chị, các anh làm công việc thu gom rác thải sinh hoạt ở khu vực ven hồ Tây vẫn thường có thói quen đốt rác tại chỗ thay vì mang chúng đến điểm tập kết. Thế là củi, cỏ khô, nilon, lốp cao su… cứ cháy thành ngọn lửa đen kịt, khói độc len lỏi vào từng hang cùng ngõ hẻm. Du khách quốc tế trong các khách sạn 5 sao như Sofitel Plaza, InterContinental , Sheraton… cùng chịu chung số phận với dân bản địa. Khi những hành vi đã trở thành thói quen thì không ai còn thấy mình có lỗi nữa. Có tức quá mà chửi trời đất chửi đất thì ai cũng nghĩ là “nó chừa mình ra”. Và tất cả lại tự biến mình thành Chí Phèo của thời hiện đại.

3. Chúng tôi – những người con sinh ra và lớn lên giữa lòng Hà Nội – hơn một lần đổ nước mắt vì thấy mình bất lực. Pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe những kẻ phá hoại môi trường; cũng chưa có những tổ chức bảo vệ môi trường Hà Nội đủ mạnh để tạo nên tiếng nói có trọng lượng trong cộng đồng, với chính phủ… Cuộc sống hối hả. Áp lực kiếm tiền ngày càng lớn…

Phải chăng vì thế mà con người ngày càng vô cảm với môi trường sống xung quanh? Đau vì không thể bảo vệ hồ Tây đã và đang bị tàn phá không thương tiếc. Đau vì không thể bảo vệ được những hàng cây xanh rì rầm che bóng những con phố nhỏ. Đau vì nhìn thấy những biệt thự cổ làm nên diện mạo của thành phố từng “đẹp nhất Đông Nam Á” đang dần biến mất, thay vào đó là những tòa nhà nghênh ngang, như những cỗ quan tài chổng ngược lên bầu trời.

Đau vì hàng ngày chứng kiến sự cày xới vỉa hè, nay đào cống, mai thay gạch lát, ngày kia lại đào đường điện… Đau cho những mặt đường Hà Nội “bị tạt a xít” cũng vì nay đào mai bới… Hà Nội thân thương oằn mình trong gánh nặng phát triển. Một Hà Nội quen thân, đau đáu niềm thương nhớ và một Hà Nội ngày càng xa lạ. Như đã nhiều lần tạ tội với nơi chúng tôi sinh ra mà đành bất lực, không thể bảo vệ miền đất yêu thương trước sự tàn phá của con người, thời cuộc... giờ đây, đứng trước một hồ Tây linh thiêng, cứu rỗi… chúng tôi chỉ biết cúi đầu, xin thêm một lần tạ tội!

Nguyễn Kim Khánh

Có thể bạn quan tâm