10 sự kiện nổi bật của ngành Hải quan năm 2016

Tổng cục Hải quan vừa công bố 10 sự kiện tiêu biểu trong năm 2016, trong đó, là nổi bật là những thay đổi về cơ cấu bộ máy Hải quan, cải cách và hiện đại hoá hải quan, công nghệ thông tin, tham mưu sử
10 sự kiện nổi bật của ngành Hải quan năm 2016

1-Triển khai thực hiện Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan.

Theo đó, Hệ thống bộ máy tổ chức Hải quan được cơ cấu lại đầu mối theo hướng tinh gọn, hợp lý, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Thành lập 3 cục gồm: Cục Quản lý rủi ro, Cục Tài vụ - Quản trị và Cục Kiểm định Hải quan; đổi tên Thanh tra Tổng cục thành Vụ Thanh tra - Kiểm tra; xây dựng mô hình mới của Cục Kiểm tra sau thông quan.

Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1919/QĐ-BTC ngày 6/9/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, theo hướng cơ cấu tinh gọn bộ máy, hiệu quả hơn. Năm 2016, thành lập cục hải quan thứ 35 là Cục Hải quan Hà Nam Ninh theo Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2-Ban hành Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2016 - 2020 tại Quyết định số 1614/QĐ-BTC ngày 19/7/2016.

Ngày 19/7/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký Quyết định số 1614/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020.

Có 3 mục đích chiến lược của ngành Hải quan là: tạo thuận lợi và kiểm soát quản lý hải quan đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan khi phối hợp thông tin và hợp tác với các bộ, ngành… Nâng cao năng lực của cơ quan Hải quan các cấp theo hướng từng bước xây dựng cơ quan Hải quan điện tử dựa trên mô hình kiến trúc bộ, ngành điện tử, để thực hiện yêu cầu của Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử.

3- Ban hành Kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 – 2020 ban hành theo Quyết định số 1018/QĐ-BTC ngày 12-5-2016 của Bộ Tài chính.

Việc triển khai Kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT của Tổng cục Hải quan giai đoạn 2016 – 2020 là yếu tố mang tính quyết định đến việc hoàn thành Kế hoạch cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan giai đoạn 2016 – 2020 và Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020, là động lực của cải cách thủ tục hành chính theo chủ trương chung của Chính phủ. 

4 - Tổng cục Hải quan đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1-9-2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Ngày 6/4/2016, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 với 91,30% ý kiến tán thành. Đây là dự Luật quan trọng mà Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan xây dựng nội dung. Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi) là sửa đổi để phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế và xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tế, góp phần tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

5 - Tổng cục Hải quan tích cực chủ trì và phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành triển khai các nhiệm vụ của Đề án“Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.

Trong năm 2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển, Giao thông vận tải, Công Thương để cùng với các Bộ rà soát tiến độ triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Qua đó, nhiều văn bản pháp luật gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ.

Đẩy mạnh công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá XNK 

6 - Tổng cục Hải quan bắt giữ nhiều vụ buôn lậu lớn

Toàn Ngành đã lập được nhiều chiến công, thành tích trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Lũy kế từ 15/12/2015 đến 15/11/2016, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 14.445 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 391 tỷ 848 triệu đồng; Số thu NSNN đạt hơn 156 tỷ 438 triệu đồng. Cơ quan Hải quan khởi tố 40 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 91 vụ.
Trong đó có nhiều vụ buôn lậu lớn về ngà voi, sừng tê giác, ma túy, hàng chuyển khẩu, gỗ lậu...

7- Chính phủ ban hành Quyết định số 1969/QĐ-TTg về kế hoạch hành động thông qua triển khai thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại WTO (Hiệp định TFA).

Hiệp định TFA đã được các nước Thành viên WTO thông qua trong Hội nghị Bộ trưởng lần 9 tại Bali – Indonesia tháng 12/2014. Đến nay, đã có 96/109 nước Thành viên phê chuẩn Hiệp định và dự kiến Hiệp định sẽ có hiệu lực trong đầu năm 2017. Hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế, giúp giảm thời gian và chi phí cho các giao dịch thương mại qua biên giới. Trong đó, việc thực hiện Hiệp định TFA sẽ giúp giảm 20% chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, thúc đẩy đầu tư và tạo công ăn việc làm cho nguồn nhân lực Việt Nam. 

8 - Ban hành Quy chế về quản lý, sử dụng đường dây nóng và tiếp nhận, xử lý tin báo qua đường dây nóng của Tổng cục Hải quan tại Quyết định số 3899/QĐ-TCHQ ngày 10/11/2016.

Đường dây nóng tổng đài 19009299, được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử Hải quan và các phương tiện truyền thông đại chúng, trong đó có 279 đường dây nóng nhánh (được giao cho 3 đơn vị thuộc Tổng cục: Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Vụ Thanh tra – Kiểm tra; 35 Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; các Chi cục và tương đương trực thuộc Cục Hải quan quản lý, sử dụng) để tiếp nhận, xử lý tin báo của các cá nhân, tổ chức liên quan đến lĩnh vực hải quan.  Đường dây nóng đảm bảo hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần; đảm bảo giữ bí mật về danh tính, số điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh của các tổ chức, cá nhân báo tin.

9- Thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại.

Ngày 4/10/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 1899/QĐ-TTg thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban chỉ đạo quốc gia) do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban. Ủy ban chỉ đạo quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) theo quy định của Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng và thực hiện ASW; triển khai các giải pháp đồng bộ để tạo thuận lợi cho thương mại và giao lưu hàng hóa qua biên giới.

10 - Báo Hải quan khai trương phiên bản tiếng Anh Báo điện tử.

Ngày 29/7/2016, Báo Hải quan chính thức khai trương phiên bản tiếng Anh Báo điện tử với 7 chuyên mục về Thời sự, tin tức hải quan, tài chính, chính sách, chống buôn lậu, hoạt động xuất nhập khẩu… giúp truyền tải thông tin rộng rãi ra thế giới.

Hải Hà (t/h theoTổng cục Hải quan)

Có thể bạn quan tâm